Các nhà khí tượng dự báo khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn trong tương lai
(Baonghean.vn) - Theo các chuyên gia về khí hậu tại Hội nghị ở Montréal, những thập kỷ tới sẽ được đánh dấu bởi các đợt nắng nóng, băng tan ở hai cực hay sóng thần.
Thứ năm, tại Montréal ở Canada, các chuyên gia về khí hậu tham gia hội nghị quốc tế đưa ra kết luận những biến đổi bất ngờ của thời tiết có thể trở nên khắc nghiệt hơn trong giai đoạn tới như các đợt nắng nóng, các đợt lạnh bất thường hay các cơn sóng thần cùng những thảm họa thiên nhiên khác có thể thường xuyên xảy ra.
Mực nước biển có thể nâng cao lên 6m do tác động của băng tan/ Ảnh: Torsten Blackwood. |
Một hồ nước chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán tại Colombia hồi tháng 7/ Ảnh: Eitan Abramovich. |
Được khởi động bởi Tổ chức Khí tượng Thế giơi – một cơ quan của Liên Hợp Quốc, Hội nghị diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21/8 đã quy tụ một nghìn nhà khoa học. Nhân dịp Hội nghị quốc tế đầu tiên về Khí tượng thủy văn, các nhà khoa học đã tranh luận xung quanh chủ đề “Khí hậu, điều gì đang chờ đợi ở tương lai?” đồng thời nhận định một tương lai không mấy sáng sủa cho khí hậu. Nhiễu loạn không khí, các đợt nóng và lạnh ngày càng khắc nhiệt hơn, những con sóng lớn ngoài đại dương… Những hiện tượng này dự kiến sẽ mạnh hơn và thường xuyên hơn do sự nóng lên toàn cầu, đây cũng chính là mối quan tâm chủ yếu của các nhà khoa học.
Gần 10 năm kể từ khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề không phải là xác định điều gì đang diễn ra. Jennifier Vanos thuộc Đại học Texas Tech cho biết “Đây là điều không thể thay đổi và dân số thế giới tiếp tục tăng lên, điều cần thiết là làm thế nào để thích nghi”. Từ năm 2000 đến năm 2010, nhiệt độ trung bình trên bề mặt của hành tinh đã tăng 0,470C. Tuy nhiên, cứ tăng lên 10C lại tạo ra thêm 7% lượng hơi nước trong bầu khí quyển. Lượng nước hơi sẽ khiến thay đổi các luồng khí lưu thông trong khí quyển và dự kiến các hiện tượng thời tiết sẽ thay đổi nhanh chóng. Simon Wang thuộc Đại học Utah State cho biết “Các đám mây được hình thành dễ dàng hơn, nhanh hơn và các cơn mưa càng lớn hơn” đồng nghĩa sẽ xảy ra nhiều trận lũ quét hơn.
Giới khoa học cùng đưa ra kịch bản rằng nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất sẽ tăng 20C tới năm 2050. Kết quả sẽ là: những đợt lạnh kéo dài, những cơn bão tuyết xảy ra trên phần lớn khu vực Bắc Mỹ sẽ mạnh hơn, khắc nghiệt hơn và những đợt nắng nóng cùng hạn hán cũng tương tự như vậy. Nhìn chung, Simon Wang giải thích, nhiệt độ thời tiết tăng cao sẽ tạo thành “một hiệu ứng khuếch đại với các dạng thời tiết mà chúng ta đang biết hiện tại”.
Nhà khí tượng học tại Đại học Reading của Anh - Paul Williams đã sử dụng siêu máy tính tại Đại học Princeton của Mỹ để nghiên cứu tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với các luồng khí nằm cách mặt đất 10 km nơi hoạt động của các máy bay. Sau nhiều tuần tính toán, Paul đưa ra kết luận “Biến đổi khí hậu khiến các luồng khí trở nên mạnh hơn. (…) Đến năm 2050, người ta sẽ mất gấp 2 lần thời gian để bay trong các vùng khí nhiễu động”. Nên lưu ý rằng, trung bình, các vùng khí nhiễu động ảnh hưởng tới 1% thời gian bay của máy bay thương mại. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nếu nồng độ của CO2 tăng lên theo cấp số nhân trong những năm tới thì “người ta sẽ không biết làm cách nào để các máy bay có thể chống lại” với các luồng khí rất hỗn loạn này.
Vận tải bằng đường biển cũng bị ảnh hưởng bởi các con sóng lớn. Simon Wang phát biểu “Các công ty vận tải hàng hải sẽ thường xuyên đối mặt với các con sóng lớn” có thể cao tới 40m trong khi trước đây những con sóng lớn cao tới 20m đã được xem là ngoại lệ. Simon còn cảnh báo thêm “Đây chỉ là khởi đầu của sự thay đổi khí hậu”. Theo quan sát của các nhà khoa học trong đó có Eric Brow- một nhà nghiên cứu khí tượng người Pháp và cũng là tác giả của một nghiên cứu gần đây về sự tan rã của các khối băng ở Greenland cho hay, băng tan có thể khiến mực nước biển nâng cao 6m. Đối mặt với quá nhiều biến động, Jennifer Vanos thuộc Khoa khí tượng học của Đại học Texas Tech đề nghị cần thay đổi khẩn cấp các bản quy hoạch của thành phố và lối sống dựa trên những thực tế gần đây nhằm bảo vệ người dân. Nhất là khi thành phố Hiroshima của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi các vụ lở đất sau khi xảy ra mưa lớn.
Chu Thanh - Theo LeFigaro 21/8