Các quốc gia và tổ chức quốc tế thúc đẩy quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo

Phan Văn Hoà (Theo Reuters) 20/09/2023 14:20

(Baonghean.vn) - Những tiến bộ nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT của OpenAI do Microsoft hậu thuẫn đang làm phức tạp thêm nỗ lực của các chính phủ trong việc thống nhất các quy định nhằm quản lý việc sử dụng công nghệ này.

Dưới đây là những bước đi mới nhất mà các cơ quan quản lý quốc gia và quốc tế đang thực hiện để quản lý các công cụ AI:

Vương quốc Anh

Ngày 18 tháng 9 vừa qua, Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường Vương quốc Anh (CMA) đã công bố 7 nguyên tắc được thiết kế để buộc các nhà phát triển phải chịu trách nhiệm, ngăn chặn các công ty công nghệ lớn (Big Tech) đưa ra các quy định nhằm thống trị thị trường và ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh.

Các nguyên tắc này được đưa ra 6 tuần trước khi chính phủ Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI toàn cầu, sẽ củng cố cách tiếp cận của nước này đối với AI khi nước này đảm nhận các quyền lực mới trong những tháng tới để giám sát thị trường kỹ thuật số.

Vào tháng 5 vừa qua CMA cho biết, họ sẽ bắt đầu kiểm tra tác động của AI đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như liệu có cần các biện pháp kiểm soát mới hay không.

Trung Quốc

Trung Quốc đã ban hành một loạt biện pháp tạm thời có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 vừa qua để quản lý AI tạo sinh. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải gửi đánh giá bảo mật và nhận được giấy phép trước khi phát hành các sản phẩm AI trên thị trường đại chúng.

Sau khi được chấp thuận của chính phủ Trung Quốc, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, trong đó có Baidu Inc và SenseTime Group đã ra mắt chatbot AI vào ngày 31 tháng 8.

Pháp

Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Pháp (CNIL) đang điều tra một số khiếu nại về ChatGPT sau khi ứng dụng này tạm thời bị cấm ở Italy hồi đầu năm do nghi ngờ vi phạm các quy tắc quyền riêng tư. Trong khi đó hồi tháng 3, Quốc hội Pháp đã phê chuẩn việc sử dụng công nghệ video giám sát tích hợp AI tại Thế vận hội Paris 2024 bỏ qua các cảnh báo từ các nhóm nhân quyền.

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra các quy định về AI vào cuối năm 2023. Theo các nguồn thạo tin, quan điểm của Nhật Bản về công nghệ này có vẻ gần với phía Mỹ hơn là các quy định nghiêm ngặt được lên kế hoạch ở Liên minh châu Âu (EU). Lý do là Nhật Bản xem xét tận dụng công nghệ này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và biến nó thành một cơ hội phát triển kinh tế và đưa Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất chip tiên tiến.

Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Nhật Bản hồi tháng 6 cũng lên tiếng cảnh báo OpenAI không được thu thập dữ liệu nhạy cảm khi chưa có sự cho phép của người dùng, đồng thời phải giảm thiểu lượng dữ liệu nhạy cảm mà công ty này thu thập được.

Ai-len

Giám đốc cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ai-len cho biết, AI cần phải được quản lý, nhưng các cơ quan quản lý phải tìm ra cách thực hiện điều đó một cách hợp lý trước khi đưa ra các lệnh cấm.

Israel

Tháng 6 vừa qua, Cơ quan đổi mới Israel cho biết, chính phủ Israel đã và đang nghiên cứu các quy định về AI để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa đổi mới và bảo vệ nhân quyền.

Israel đã xuất bản bản dự thảo chính sách AI dài 115 trang vào tháng 10 năm 2022 và đang xem xét các phản hồi của công chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Tây Ban Nha

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha cho biết, họ đang tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về các vi phạm dữ liệu tiềm ẩn của ChatGPT. Cơ quan này cũng đã yêu cầu cơ quan giám sát quyền riêng tư của EU đánh giá những lo ngại về quyền riêng tư xung quanh ChatGPT.

Ý

Cơ quan bảo vệ dữ liệu Garante (Ý), cho biết cơ quan này có kế hoạch tiến hành cuộc rà soát quy mô lớn các ứng dụng AI tạo sinh và học máy đang hoạt động để xác định xem liệu những công cụ mới này tuân thủ luật bảo vệ quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu hay không.

Cơ quan này cũng đang tìm kiếm các chuyên gia công nghệ hỗ trợ lĩnh vực bảo mật dữ liệu trong khi các công cụ AI đang phát triển rất nhanh.

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Garante quyết định tạm thời cấm ChatGPT của công ty OpenAI và mở cuộc điều tra ứng dụng bị nghi vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư.

Úc

Chính phủ Úc cho rằng, AI cần phải được kiểm soát bằng những điều luật cứng rắn. Nước này cũng đã lên kế hoạch cho những điều chỉnh về công nghệ AI, bao gồm lệnh cấm tiềm năng đối với deepfakes và nội dung giả trông giống thực, trong bối cảnh lo ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng bởi những kẻ xấu.

Đồng thời, Úc cũng sẽ yêu cầu các công cụ tìm kiếm soạn thảo các mã mới để ngăn chặn việc chia sẻ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em do AI tạo ra và sản xuất các phiên bản deepfakes.

Mỹ

Quốc hội Mỹ tổ chức ba phiên điều trần về AI vào các ngày 11, 12 và 13/9 để nghiên cứu luật nhằm giảm thiểu mối nguy hiểm của công nghệ mới nổi. Các cuộc thảo luận bao gồm phiên điều trần với Chủ tịch Microsoft Brad Smith và nhà khoa học trưởng của Nvidia William Daly, một diễn đàn AI có sự tham gia của Giám đốc điều hành (CEO) Meta Platforms Mark Zuckerberg và CEO Tesla Elon Musk, cùng các cuộc họp với nhiều tiểu ban khác nhau tại Hạ viện và Thượng viện.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng đã mở một cuộc điều tra sâu rộng về OpenAI, dựa trên cáo buộc rằng công ty đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng bằng cách gây nguy hiểm cho danh tiếng và dữ liệu cá nhân.

Thượng nghị sĩ Michael Bennet cũng kêu gọi các công ty công nghệ hàng đầu thực hiện dán nhãn nội dung do AI tạo ra và hạn chế lan truyền tài liệu có thể đánh lừa người dùng. Ông đã đề xuất một dự luật vào tháng 4 nhằm thành lập một đội đặc nhiệm để xem xét các chính sách của Mỹ về AI.

Liên minh châu Âu

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Ursula von der Leyen vào ngày 13 tháng 9 đã kêu gọi thành lập một hội đồng toàn cầu để đánh giá rủi ro và lợi ích của AI, tương tự như Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) toàn cầu chuyên cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về biến đổi khí hậu.

Các nhà lập pháp EU hồi tháng 6 đã đồng ý về những thay đổi trong dự thảo Đạo luật AI của khối. Các nhà lập pháp giờ đây sẽ phải thảo luận chi tiết với các nước EU trước khi dự thảo quy định trở thành luật.

Vấn đề lớn nhất dự kiến ​​​​sẽ là nhận dạng khuôn mặt và giám sát sinh trắc học, nơi một số nhà lập pháp muốn có lệnh cấm hoàn toàn trong khi các nước EU muốn có một ngoại lệ cho mục đích an ninh quốc gia, quốc phòng và quân sự.

Nhóm các nước G7

Các nhà lãnh đạo Nhóm G7 họp tại Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua đã thừa nhận về nhu cầu quản trị AI và các công nghệ nhập vai, đồng thời đồng ý yêu cầu các bộ trưởng thảo luận về công nghệ này với tên gọi “quy trình AI của Hiroshima” và báo cáo kết quả vào cuối năm 2023.

Các Bộ trưởng kỹ thuật số nhóm G7 cho biết sau cuộc họp rằng các quốc gia G7 nên áp dụng quy định dựa trên rủi ro về AI.

Liên hợp quốc

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 7 cũng đã tổ chức cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về AI tại thành phố New York (Mỹ). Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết Hội đồng đã đề cập đến các ứng dụng AI trong cả lĩnh vực quân sự và phi quân sự, nhấn mạnh chúng “có thể gây ra những tác động rất nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu”.

Ông Guterres cũng ủng hộ đề xuất của một số quản lý cấp cao trong ngành AI về việc thành lập cơ quan giám sát AI, hoạt động tương tự như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Song ông lưu ý rằng “chỉ các quốc gia thành viên mới có thể tạo ra nó, chứ không phải Ban Thư ký Liên hợp quốc”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đã công bố kế hoạch bắt đầu làm việc vào cuối năm nay với cơ quan cố vấn AI cấp cao để xem xét các thỏa thuận quản trị AI.

Mới nhất

x
Các quốc gia và tổ chức quốc tế thúc đẩy quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO