Các trường học chắt chiu nguồn chi để có thưởng Tết cho giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với ngành Giáo dục khái niệm “thưởng Tết” được thay bằng “quà Tết’” và dường như cũng rất khiêm tốn.

Nỗ lực của các trường ngoài công lập

Những ngày cuối cùng của năm cũ, giáo viên và học sinh Trường THPT Quang Trung (Diễn Châu) tất bật chuẩn bị cho chương trình Chào Xuân năm 2023. Trong chương trình đặc biệt này, ngoài việc tổ chức các hoạt động truyền thống như thi gói bánh chưng, biểu diễn văn nghệ, tổ chức các hoạt động vui Xuân thì một nội dung quan trọng khác đó là trao quà Tết cho những giáo viên và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong gần 2 tuần nay, hơn 60 triệu đồng cũng được tập thể nhà trường huy động từ nhiều nguồn khác nhau để kịp chuyển thành những món quà Tết ý nghĩa. Với chương trình Chào Xuân 2023, Tết năm nay dường như cũng đến sớm hơn với hơn 700 giáo viên và học sinh ở ngôi trường ngoài công lập còn rất nhiều khó khăn này.

Giờ chào cờ của học sinh Trường THPT Quang Trung - Diễn Châu. Ảnh: NT

Giờ chào cờ của học sinh Trường THPT Quang Trung - Diễn Châu. Ảnh: NT

Nhiều năm công tác tại Trường THPT Quang Trung và nay là hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Nam - hiệu trưởng nhà trường nói rằng, so với nhiều trường THPT khác trên toàn tỉnh, hoạt động của các trường ngoài công lập khó khăn hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, với tinh thần “tương thân, tương ái”, với mong muốn được cải thiện cuộc sống của cán bộ, nhà giáo người lao động và giúp đỡ được nhiều học sinh khó khăn, những năm qua nhà trường đã có nhiều giải pháp để tiết kiệm chi và có nhiều cách làm hay để có thêm các khoản thu khác ngoài học phí.

Đó là huy động đoàn viên công đoàn vừa làm công tác quản lý học sinh, vừa giữ xe cho học sinh, kết hợp với các trường nghề để vừa thuê địa điểm vừa đào tạo nghề miễn phí cho học trò, may đồng phục cho học sinh. Nhà trường cũng phát động mỗi giáo viên tự nguyện mỗi buổi học thêm trích lại một phần kinh phí để đóng góp cho quỹ đời sống...

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, việc tuyển sinh của nhà trường ngày một ổn định, số học sinh đăng ký nhập học đều vượt chỉ tiêu đã được giao nên nhà trường đảm bảo đời sống cho cán bộ giáo viên và có nguồn quỹ để hỗ trợ học sinh nghèo khó khăn. Riêng trong đợt Tết này, dù so với nhiều trường khác, nguồn thu của trường không nhiều nhưng nhờ tiết kiệm, nhà trường vẫn cố gắng lo được cho giáo viên ít nhất mỗi người 1 tháng lương cơ bản.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cũng vui mừng nói rằng: So với trước đây, hiện thu nhập của giáo viên trong trường đã tăng gấp đôi và trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, nhà trường đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách, nạp bảo hiểm cho người lao động đầy đủ. Nhà trường cũng rất quan tâm, chăm lo đến đời sống cán bộ giáo viên, giúp cho mọi người yên tâm công tác và gắn bó với công việc lâu dài.


Hệ thống giáo dục Việt Anh với hai bậc đào tạo chính là mầm non và tiểu học cũng vừa trải qua hơn hai năm dịch Covid-19 với rất nhiều khó khăn. Ngay trong năm 2022, mất 4 tháng đầu tiên của năm, bậc mầm non, học sinh không thể đến trường, nhà trường phải bù lỗ vì phải hỗ trợ giáo viên mỗi tháng 2 triệu đồng và chi trả toàn bộ bảo hiểm cho người lao động.

Giáo viên Trường THPT Quang Trung ủng hộ học sinh nghèo. Ảnh: Mỹ Hà

Giáo viên Trường THPT Quang Trung ủng hộ học sinh nghèo. Ảnh: Mỹ Hà

Mặc dù thời điểm này, việc tổ chức dạy và học của nhà trường vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm nhưng với mong muốn giáo viên có một cái Tết ấm áp, đầy đủ năm nay ban quản trị nhà trường vẫn trích khoảng 500 trăm triệu đồng để chuẩn bị quà Tết cho hơn 90 cán bộ giáo viên với mức thưởng cao nhất là từ 6 - 8 triệu đồng (với người công tác lâu năm, cán bộ quản lý) và ít nhất là một tháng lương cơ bản (với những giáo viên trẻ). Đây cũng được xem là một trong những trường có mức thưởng Tết cao nhất dành cho khối ngoài công lập và thực sự đem lại niềm vui cho cán bộ, nhà giáo người lao động trong đơn vị.

Ông Phan Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Việt Anh cũng nói thêm: So với những ngành nghề khác, mức thưởng Tết của các giáo viên còn nhiều khiêm tốn. Tuy vậy, bằng khả năng của mình chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo Tết cho giáo viên, giúp giáo viên có một cái Tết đầy đủ, đầm ấm và cũng là cách để chúng tôi tri ân đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường.

Thưởng Tết dẫu khiêm tốn vẫn thấy ấm lòng

Cho đến thời điểm này, khái niệm “thưởng Tết” dường như vẫn khá xa lạ với nhiều giáo viên bởi đặc thù các trường học là đơn vị sự nghiệp không có thu. Do đó, tiền thưởng Tết thực chất là nguồn tiết kiệm của các nhà trường và so với mặt bằng chung trên toàn tỉnh thì mức thưởng Tết của giáo viên rất thấp.

Năm nay, qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, mức thưởng Tết thấp nhất là một trường THPT công lập ở huyện Đô Lương là 200.000 đồng/người. Trong khi đó, mức thưởng cao nhất là 4.000.000 đồng/người tại một trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh. Mức thưởng Tết trung bình dao động trong toàn ngành là khoảng 1.000.000 - 2.000.000 đồng/người. Ở các huyện miền núi, mức thưởng Tết thường thấp hơn, có khi chỉ từ 500.000 - 1.000.000 đồng kèm theo một số hiện vật khác. Việc thưởng Tết với tháng lương thứ 13 dường như rất hy hữu.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoa - Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Bắc Lý - Kỳ Sơn cho biết: Các trường ở huyện miền núi không có nguồn thu vì vậy, chúng tôi không có kinh phí để chi thưởng Tết cho giáo viên. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, chúng tôi đã cố gắng tiết kiệm để chi quà Tết cho giáo viên từ 400.000 - 500.000 đồng. Ngoài ra công đoàn cũng hỗ trợ mỗi người 200.000 đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà Tết cho giáo viên đang công tác tại xã Bắc Lý - Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà Tết cho giáo viên đang công tác tại xã Bắc Lý - Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Để chia sẻ với người lao động, trước Tết Nguyên đán, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục đã yêu cầu các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế cần chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương huy động các nguồn lực của xã hội, tổ chức thăm hỏi, động viên học sinh thuộc gia đình chính sách, học sinh mồ côi, không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, có những món quà động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên hưu trí có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ, giáo viên và học sinh có người thân đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo, biên giới của Tổ quốc.

Trước khi học sinh về nghỉ Tết, Công đoàn ngành Giáo dục cũng đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” cho hơn 130 giáo viên đang công tác tại các trung tâm Anh ngữ, trung tâm Toán tư duy và một số trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Đây cũng là hoạt động thường niên được duy trì liên tục trong 6 năm gần đây nhằm đem đến một cái Tết ấm áp, vui vẻ và động viên cán bộ nhà giáo người lao động gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Được mời tham dự chương trình này, cô giáo Hồ Thị Hương - Trung tâm Anh ngữ Asem cho biết: Khi nhận được chương trình tôi rất bất ngờ vì lần đầu tiên những giáo viên ở một trung tâm Anh ngữ như chúng tôi được ngành Giáo dục quan tâm và mời tham dự một chương trình ý nghĩa. Cá nhân tôi, vừa trải qua một năm nhiều khó khăn, riêng trong hai năm dịch Covid-19 thu nhập của chúng tôi bị cắt giảm một nửa. Dẫu vậy, nhờ có sự chia sẻ, động viên này, chúng tôi có thêm nghị lực để cố gắng. Trong chương trình này, lãnh đạo của các đơn vị cũng bày tỏ vui mừng bởi những năm qua các trường ngoài công lập luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ.

Ngành Giáo dục triển khai chương trình Tết Sum vầy cho giáo viên ngoài công lập. Ảnh: Mỹ Hà

Ngành Giáo dục triển khai chương trình Tết Sum vầy cho giáo viên ngoài công lập. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Đặng Minh Chưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Mầm non Tuổi thơ cho biết: Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh mà thời điểm này, một số cơ sở của tôi vẫn rất khó khăn, nhất là những cơ sở đóng tại các khu công nghiệp vì có đến hơn 30% học sinh nghỉ học do công nhân nghỉ việc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo Tết cho người lao động và phấn đấu mỗi người có thêm tháng lương thứ 13. Mức thưởng Tết không cao nên việc ngành Giáo dục quan tâm và hỗ trợ thêm tiền Tết cho một số giáo viên của trường có ý nghĩa rất thiết thực và kịp thời động viên giáo viên cả về vật chất và tinh thần.

Ngoài những giáo viên tham gia chương trình, Tết năm nay, Sở và Công đoàn ngành Giáo dục đã huy động các nguồn khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ cho 450 giáo viên và 350 học sinh khó khăn ở các trường ngoài công lập và các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cũng cho biết: Ngành Giáo dục không có thưởng Tết nhưng chúng tôi cố gắng đem quà Tết cho giáo viên để động viên những giáo viên khó khăn và đang công tác ở những nơi khó khăn của tỉnh.

Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của ngành và tôi tin rằng, với sự chung sức này, giáo viên và người lao động sẽ có thêm niềm vui, động lực để gắn bó với nghề và có một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc.


tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.