Xã hội

Các trường nghề ở Nghệ An 'được mùa' tuyển sinh

Thanh Nga 08/09/2024 16:28

Trong những năm gần đây, bằng sự nhận thức về nghề nghiệp mới, các trường nghề ngày càng tiếp nhận nhiều hơn số lượng học sinh, sinh viên vào học nghề. Để đáp ứng nhu cầu dạy học và nhu cầu thị trường lao động, nhiều cơ sở dạy nghề ở Nghệ An đã có những đổi mới, thu hút học sinh bằng cách riêng.

Xây dựng thương hiệu dạy và học trình độ văn hóa

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (KT – KT) Hồng Lam có 100% học sinh đỗ kỳ thi với điểm trung bình 6,68 đạt thứ 4 toàn tỉnh, trong đó có tới 10 em có phổ điểm từ 26 trở lên; 60% đỗ đại học NV1. Đó là kết quả không mấy bất ngờ với thầy và trò nhà trường, vì suốt những tháng cuối kỳ hầu như thầy và trò thực hiện phương châm “ăn học, ngủ học”.

Thầy giáo Phan Xuân Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam cho biết: “Đối với trường nghề chúng tôi thời gian sau kỳ nghỉ Tết được xem là thời gian chỉ có học và học; chúng tôi không tổ chức modul học nghề cho các em học sinh lớp 12 nữa, mà chỉ tổ chức ôn thi văn hóa, hầu như thầy và trò đều ở trên lớp học ngày, học đêm”. Hiệu trưởng Phan Xuân Dũng cũng nói rằng, thành tích về đào tạo văn hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Trường KT – KT Hồng Lam khẳng định từ nhiều năm nay, đó như là một thương hiệu của nhà trường, khi trong nhiều năm, trường luôn có học sinh đỗ các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia luôn lọt top đầu.

gian hàng quảng bá nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam
Gian hàng quảng bá nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: Thanh Nga

Chất lượng trong dạy văn hóa luôn là trăn trở của các trường nghề khi chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ trung cấp thường rất thấp. Tại Trường Cao đẳng Việt - Đức, từ nhiều năm nay chỉ tiêu tuyển sinh luôn đạt trên 100% bởi chất lượng đào tạo văn hóa ở đây rất được phụ huynh và học sinh tin tưởng. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2023 – 2024 vừa qua, trường có 100% học sinh thi đỗ tốt nghiệp, trong đó có khoảng 50% học sinh đạt 20 điểm trở lên, 20% học sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Năm nay trường đã đạt 110 % chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Thầy giáo Nguyễn Hữu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đạt được chất lượng sau đào tạo đứng vào hàng top đầu của tỉnh khối Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đã trải qua một quá trình gian nan khi luôn tiếp nhận lứa học sinh từ các huyện vùng cao lại có chất lượng đầu vào thấp. Các em luôn muốn nghỉ học giữa chừng vì vô vàn lý do, bên cạnh đó nhiều em đăng ký học nghề chỉ bởi sự định hướng của gia đình chứ bản thân chưa có mục tiêu nào. Có những năm học sau khai giảng 1-2 tuần nhiều học sinh ở các huyện miền núi cao kéo nhau đến phòng thầy hiệu trưởng xin nghỉ học về đi làm. Vì thế sự thuyết phục định hướng lại cho các em rất gian nan vất vả. Và sau mỗi lứa học sinh tốt nghiệp tại trường vừa có bằng trung cấp nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT không chỉ học sinh phụ huynh mà chúng tôi cũng vui đến trào nước mắt”.

học nghề may
Học nghề may tại Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam. Ảnh: Thanh Nga

Từ nhiều năm nay, chương trình dạy các môn học văn hóa (theo chương trình 7 môn hay còn gọi là chương trình 9+) được Bộ GD&ĐT thiết kế gọi là chương trình khung giáo dục trung cấp chuyên nghiệp theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT, được dạy ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh mới được phép đào tạo.

Nhà trường đã liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên số 2 của tỉnh, và từ đây trường có nguồn giáo viên chất lượng cao, các thầy cô tâm huyết và dồn hết thời gian công sức trong năm học cuối cấp để có thể cho ra trường lứa học sinh chất lượng cả tay nghề lẫn văn hóa. Nếu chất lượng một năm nào đó không tốt, thì ngay lập tức nhà trường sẽ không thu hút được học sinh cho lứa năm sau, vì bây giờ các phụ huynh lẫn học sinh phần nhiều muốn vào các trường nghề nhưng vẫn phải có bằng tốt nghiệp THPT.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp KT – KT Hồng Lam Phan Xuân Dũng

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó gồm: 9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 11 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 39 đơn vị công lập (4 đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý, 35 đơn vị thuộc tỉnh quản lý) và 14 đơn vị ngoài công lập. Trong số này các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được đào tạo văn hóa, ngoài ra còn nhiều trường nghề cũng tham gia đào tạo văn hóa theo chương trình 9+ khi thực hiện liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm gần đây nhờ thực hiện tốt công tác liên kết đào tạo văn hóa nhiều trường nghề đã thu hút được đông đảo lượng học sinh, nhiều trường vượt chỉ tiêu. Từ đó công tác đào tạo nghề, dạy văn hóa cho học sinh sau phân luồng trên địa bàn đã đạt được những kết quả vượt bậc. Quy mô tuyển sinh: 88.500 học sinh, sinh viên/năm, tăng 8,9% so với năm 2014, tăng từ 80.600 người năm 2015 lên 88.500 người năm 2020 (tăng 9%). Trong đó, cao đẳng nghề tăng 17,2% với 7.975 sinh viên; trung cấp nghề: 15.655 học sinh; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: 64.870 học viên

Theo ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Đổi mới nhiều ngành học để đáp ứng nhu cầu thị trường

học sinh học ngành Công nghệ ô tô
Sinh viên học ngành Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Cho đến thời điểm này Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng với hình thức xét tuyển và vượt 15% chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp. Trong đó đối với hệ cao đẳng có những nhóm ngành học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT trên 25 điểm. Cũng như các năm học trước nhà trường sẽ làm lễ khen thưởng đầu năm học cho những học sinh có số điểm từ 23 trở lên nhằm khuyến khích, động viên và tạo động lực cho sinh viên đang theo học các khoa ngành của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang lên kế hoạch đầu tư trang thiết bị để nâng cấp các modul giảng dạy. Hiệu trưởng nhà trường, ông Hồ Văn Đàm cho biết: Hiện trường đang đào tạo 12 ngành học thuộc các nhóm ngành điện, công nghệ ô tô, công nghệ hàn, máy lạnh điều hòa không khí, cơ điện tử, CNTT… Các ngành này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế để học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có được cơ hội việc làm có thu nhập cao.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đàm, để có thể đạt được các tiêu chí về tay nghề thì hàng năm nhà trường đều phải làm mới các modul giảng dạy sao cho phù hợp với yêu cầu của các đơn đặt hàng và phù hợp thị trường lao động hiện nay. Vì vậy, tiêu chí để thu hút và nâng cao chất lượng giảng dạy đó chính là đổi mới phương pháp và cải tạo các thiết bị đã cũ, tích hợp nhiều thiết bị để cho ra đời những thiết bị giản tiện và hiện đại hơn. Ông Đàm cũng cho hay: “Trong năm học tới chúng tôi dự định mở thêm ngành học được rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng và nếu học sinh, sinh viên theo học có ý định đi xuất khẩu lao động cũng có thị phần việc làm lớn, cho thu nhập cao”.

Ngành học Công nghệ ô tô ở Cao đẳng Việt Hàn
Sinh viên thực hành ngành học Công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Việt - Hàn. Ảnh: Thanh Nga

Còn đối với Trường Cao đẳng Việt – Đức thì hiện nhiều ngành học hệ cao đẳng đã vượt chỉ tiêu, tuy nhiên, còn có sự chênh lệch giữa các ngành. Điển hình như các ngành hàn, công nghệ ô tô,… có số lượng sinh viên hơn 100 em, nhưng với ngành điện tử chỉ có 30 em. Sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là bởi ngành điện tử nhà trường sẽ thu học phí 100% với mức thu hơn 1 triệu đồng/em/tháng, trong khi các ngành khác chỉ thu hơn 300 ngàn đồng/tháng.

Với quan điểm đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội nên Trường Cao đẳng Việt - Đức cứ 2 năm một lần thực hiện rà soát lớn về chương trình đào tạo thông qua các thầy, cô giáo, doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp. Năm 2024, Trường Cao đẳng Việt – Đức lại rà soát để điều chỉnh chương trình phù hợp thực tế. Hiện, xe ô tô chạy bằng điện bắt đầu chiếm thị phần lớn, nhà trường rà soát và tăng nội dung liên quan đến dòng xe này vào chương trình đào tạo. Và điều mà ông Nguyễn Hữu Hằng trăn trở là hiện nay dù lượng học sinh, sinh viên thu hút vào trường đông nhưng đa phần các em chọn xuất khẩu lao động, dù thị phần việc làm trong nước rất lớn, các doanh nghiệp đều sẵn sàng tuyển dụng 100 % quân số với nhiều ngành học.

Mới nhất
x
x
Các trường nghề ở Nghệ An 'được mùa' tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO