Xã hội

Kỳ 1: Cấp thiết sắp xếp lại mạng lưới trường nghề

Thanh Nga – Mỹ Hà 26/08/2024 08:56

Những năm gần đây, số lượng lao động Nghệ An có tay nghề đã tăng khá. Nhưng, so với tiềm năng của thị trường lao động và nhu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống trường nghề nhìn chung chưa phát huy hết chức năng, vai trò trong công tác đào tạo.

sapnhaptruongnghe-b1-cover.png
sapnhaptruongnghe-b1-sapo.png

Thanh Nga - Mỹ Hà • 26/08/2024

sapnhaptruongnghe-b1-tit1.png

Công tác giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Nghệ An quan tâm trong nhiều năm nay. Với cơ cấu hệ thống trường nghề lên đến 53 trường, Nghệ An được xem là trung tâm giáo dục nghề nghiệp của khu vực và có vị thế so với cả nước, với 9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề.

Thực tế, thời gian qua, các trường nghề ở Nghệ An cũng đã có nhiều nỗ lực trong tuyển sinh và thực hiện công tác đào tạo học viên, sinh viên. Quy mô tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, cơ cấu ngành nghề đào tạo được quy hoạch và phát triển để hướng đến nhu cầu xã hội. Nhờ đó, số lượng học sinh phân luồng lớp, học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký học nghề ngày càng đông. Ngoài ra, do làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về việc học nghề từng bước có sự thay đổi và tạo tiền đề để các trường nghề thuận lợi hơn trong tuyển sinh đầu vào.

sapnhaptruongnghe-b1-box1.png
Đào tạo nghề may ở trường nghề tại huyện Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga
Đào tạo nghề may ở trường nghề tại huyện Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Thành (huyện Yên Thành) là một trong những điểm sáng đào tạo nghề trong những năm qua. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, gần như năm nào Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Thành cũng đạt trên 90% chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó riêng hệ trung cấp với gần 300 chỉ tiêu mỗi năm. Lãnh đạo nhà trường cho biết, đó là một sự cố gắng lớn của nhà trường, kết quả của sự nỗ lực tuyên truyền, vận động đến từ gia đình, từng phụ huynh và học sinh của các cán bộ tuyển sinh.

Việc tuyển sinh về cơ bản đạt đủ chỉ tiêu trong những năm qua còn giúp Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Thành duy trì ổn định hoạt động, tạo được việc làm thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong đơn vị và làm tốt công tác cán bộ, chính sách.

Đào tạo nghề Điện ở trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga
Đào tạo nghề Điện ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga

Chia sẻ thêm về kết quả đó, ông Trần Trung Thuận - Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành nhà trường cho biết thêm: Nhà trường xác định, việc tuyển sinh quyết định đến hiệu quả hoạt động của đơn vị. Vì thế, với một địa bàn mà vùng tuyển sinh chủ yếu chỉ giới hạn trong huyện nếu không làm tốt công tác đào tạo nghề thì người dân khó có thể tin tưởng gửi gắm con em đến học tập. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển trường.

Những năm qua, mặc dù khó khăn do dịch bệnh nhưng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Thành đã luôn tìm kiếm mở rộng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho học sinh, học viên. Đến nay, nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền vững với nhiều công ty, doanh nghiệp trên cả nước như: Công ty LILAMA 18; Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng AMECC, Công ty Đóng tàu Nam Triệu, Công ty May MLB Nhật Bản; Công ty TNHH An Hưng… Chính vì vậy, trên 90% học sinh tốt nghiệp, nhà trường đã có đủ 100% đơn hàng cho các em lựa chọn tại các tổng công ty...

Học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2 tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của các trường nghề.
Học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2 tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của các trường nghề.

Trên toàn tỉnh, theo báo cáo UBND tỉnh Nghệ An, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã làm tốt công tác tư vấn, phân luồng, định hướng cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề nghiệp.

Nhờ đó, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 82-85 nghìn người có nhu cầu học nghề các cấp trình độ với tổng số 57 nghề. Cụ thể: Nhóm nghề nông nghiệp có nhu cầu chiếm từ 45-46,5% và nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm từ 53,5 - 55% nhu cầu học nghề toàn tỉnh. Trong năm 2023, các cơ sở giáo dục đã tuyển sinh, đào tạo cho 68.272 lượt người, đạt 104,2% kế hoạch; trong đó, trình độ cao đẳng 5.080 người, trung cấp 9.934 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 53.258 lượt người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,6%; tỷ lệ có việc làm đạt 80,7%.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Qua đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay chất lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu. Năng lực, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên.

Đặc biệt, các cơ sở đào tạo đã chú trọng và đẩy mạnh hoạt động ký kết với 167 doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, ký kết với 150 doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo và tuyển dụng lao động. Tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau tốt nghiệp có việc làm trên 80%. Trong đó, một số nghề có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao như hàn (91%), điện công nghiệp (95%), cắt gọt kim loại (89%), quản trị khách sạn (89%), kỹ thuật chế biến món ăn (94,5%), công nghệ ô tô (94%), quản trị nhà hàng (92%), kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (94%). Hiện, mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng 8-10 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp 6,5-9 triệu đồng/tháng và một số ngành nghề có thu nhập cao từ 15-18 triệu đồng/tháng như: hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô...

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Qua tổng hợp của các nhà trường, gần 10% sinh viên tốt nghiệp làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh và gần 7% làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Số làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh và nước ngoài chiếm hơn 30%. Số còn lại khoảng 50% tự tạo việc làm, tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất thu nhập cao hơn.

sapnhaptruongnghe-b1-tit2.png

Trong 53 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Nghệ An, số trường có ngành may thời trang chiếm tỷ lệ không phải là ít, kể cả những trường chỉ thiên về kỹ thuật như trước đây. Việc mở thêm mã ngành này được xem nhằm đáp ứng nhu cầu về sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh khi những năm qua có hàng chục các doanh nghiệp may mặc được mở tại Nghệ An, thu hút một lượng lớn lao động tại địa phương, nhất là lao động nữ. Như mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Việt Đức (TP. Vinh) dự kiến sẽ tăng thêm chỉ tiêu cho ngành may thời trang, một trong những ngành mới được mở khoảng 3 năm trở lại đây và thu hút khá nhiều học viên tham gia...

Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An. Ảnh: cdvdna.gov.vn
Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An. Ảnh: cdvdna.gov.vn

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, 2 năm vừa qua, ngành may mặc xuất khẩu đi nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, hàng nghìn công nhân may mặc trên địa bàn bị thất nghiệp, cắt giảm giờ làm, không ít doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa. Việc đào tạo ngành nghề này cũng chịu tác động không nhỏ.

Trước đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Nghệ An đã thực hiện sáp nhập 25 Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành 12 Trung tâm GDNN-GDTX; đổi tên và bổ sung chức năng giáo dục nghề nghiệp cho 7 Trung tâm GDTX thành Trung tâm GDNN-GDTX. Tỉnh cũng đã giải thể 1 trường trung cấp công lập, 2 trung tâm ngoài công lập và chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của 1 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp từ ngành Giáo dục - Đào tạo sang ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Lớp học may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An
Lớp học may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An.

Mặc dù hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được sắp xếp lại và giải thể những cơ sở hoạt động không hiệu quả, tránh chồng chéo, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ, các ngành nghề đào tạo giữa các trường có tính tương đồng khá cao. Các năm gần đây những ngành như hàn, công nghệ ô tô, điện, điện tử, điện dân dụng, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may mặc khá phát triển và hầu như các trường đều mở các mã ngành này. Việc trùng lặp giữa các ngành đào tạo, ít nhiều cũng khiến các trường khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào, nhất là ở các trường tốp sau. Nếu không tính toán và không có dự báo đầy đủ về thị trường lao động trong tương lai, việc đào tạo bão hòa là điều rất dễ xảy ra.

Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện công tác đào tạo, phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020 và có tính đến năm 2022 của UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo. Đó là hiện nay, công tác tuyển sinh đào tạo nghề còn gặp khó khăn; cơ cấu trình độ tuyển sinh đào tạo còn nhiều bất cập (chủ yếu là đào tạo sơ cấp, ngắn hạn; trình độ cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm 18,27% so với tổng số lao động được đào tạo). Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ và phần lớn quy mô tuyển sinh nhỏ. Số lượng, cơ cấu, ngành nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Các trường chưa mở được một số mã ngành nghề mới, thị trường lao động có nhu cầu sử dụng nhiều trong thời gian tới như nghề logistics, vận hành cơ - điện tử, bảo trì hệ thống thiết bị công nghiệp, kỹ sư mạng tích hợp.

sapnhaptruongnghe-b1-box2.png
Học nghề sửa chữa điện tử tại Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga
Học nghề sửa chữa điện tử tại Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Trong khi đó, chất lượng đào tạo lại chưa đổi mới, bắt kịp với xu thế. Theo báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, hiện nay ở nhiều trường nghề của tỉnh, một số chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt, chưa đa dạng, chưa cập nhật kịp với xu hướng công nghệ mới. Việc dạy các kiến thức, kỹ năng về chính sách pháp luật về lao động, trình độ ngoại ngữ cơ bản, tác phong lao động công nghiệp… chưa được quan tâm đúng mức, nên sinh viên tốt nghiệp ra trường yếu và thiếu các kỹ năng. Đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao để cung cấp cho các doanh nghiệp, cho xuất khẩu lao động còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, ngành nghề cần thiết nhưng tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn cần người lao động biết tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc; những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại cũng như các ngành, nghề đặc thù có đòi hỏi cao về năng khiếu như nghệ thuật, thể dục thể thao...

Khảo sát cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Lê
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Lê

Trước những tồn tại, bất cập này, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường nghề là điều cấp thiết đối với tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ chính là phải rà soát năng lực hoạt động, thực hiện giải thể, sáp nhập một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không đảm bảo điều kiện quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Điều này, cũng nhằm thực hiện Kế hoạch số 111/KH – TU và Đề án số 09/ ĐA – TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị tỉnh...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trên cả nước giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ II: “Khoảng trống” giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất

Kỳ 1: Cấp thiết sắp xếp lại mạng lưới trường nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO