Các ý kiến về giải pháp huy động nguồn vốn xây dựng trường học

14/09/2011 17:30

LTS: Sau khi Chuyên mục "Đại biểu HĐND tỉnh, nói, làm và lắng nghe" trên Báo Nghệ An, số ra ngày 7/9 và số 9/9 đã đăng bài: Giải pháp nào để huy động nguồn vốn xây dựng trường học? và ý kiến trao đổi của độc giả và nhà quản lý giáo dục, Báo Nghệ An tiếp tục nhận được ý kiến của nhiều bậc phụ huynh xung quanh vấn đề này:

Chị Nguyễn Thị Thanh An, Phường Hưng Phúc (TP.Vinh):

Tôi rất đồng tình và hoan nghênh chủ trương dừng thu tiền xây dựng của Chính phủ để giảm sức đóng góp cho người đi học. Tuy nhiên, việc dừng thu đó chưa thật sự hợp lý khi Nhà nước chưa có kinh phí bù đắp vào khoản thiếu hụt do không thu tiền xây dựng. Hiện các trường học đang vận dụng chủ trương vận động tự nguyện. Song, có trường thì làm nghiêm túc, phụ huynh tự nguyện đóng bao nhiêu thì trường thu bấy nhiêu; có trường thì lợi dụng chủ trương này để đưa ra nhiều khoản thu vô lý dẫn đến lạm thu. Theo tôi, đi học phải đóng góp xây dựng trường là việc làm đương nhiên chứ không phải là điều phi lý gì, nhưng vấn đề là phải có hình thức huy động như thế nào để tạo ra sự thống nhất một mức đóng, đồng thời đảm bảo chi đúng mục đích nâng cao các điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh thì phụ huynh chúng tôi sẽ sΩn sàng.

Anh Đậu Tiến Vinh, phường Lê Mao (TP. Vinh):

Tôi không đồng tình bỏ thu tiền xây dựng của Nhà nước, bởi khi bỏ thu theo quy định thì các trường học lại chuyển sang huy động tự nguyện nhưng thực ra là "ép", gia đình học sinh nghèo, khó khăn cũng phải nạp. Do vậy, Nhà nước nên quy định mức thu "cứng" vẫn là tốt nhất, vừa tạo công bằng giữa những người đi học trong cùng trường học nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung, không đổ dồn lên vai các trường học gánh nặng "cầu" lớn hơn "cung", dẫn đến buộc phải "vận dụng" nhiều cách, tạo ra tiêu cực trong nhà trường.

Anh Nguyễn Trọng Tấn, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên):

Tuy là nông dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu mỗi năm phải đóng tiền xây dựng trường theo quy định như trước đây thì cũng chưa phải là quá lớn, trong khi đó các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách đều được miễn giảm. Mấy năm nay nói là vận động tự nguyện theo khả năng kinh tế của phụ huynh nhưng xem ra là cào bằng cả, bởi có cháu tuy là gia đình có khó khăn thật sự nhưng thấy các bạn đóng cả mà mình lại không đóng thì xấu hổ với bạn bè nên bắt cha mẹ mình đóng cho bằng được, vì vậy, tôi không đồng tình việc bãi bỏ đóng tiền xây dựng. Theo tôi vẫn quy định đóng tiền xây dựng cơ sở trường, lớp học cho từng năm phân đều trên đầu học sinh (miễn giảm hoặc trừ những học sinh nghèo, gia đình chính sách).

Ông Nguyễn Trọng Hùng, xã Đà Sơn (Đô Lương):

Việc đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở vật chất vốn là công việc phải làm của phụ huynh, học sinh. Phải nhận thức đầy đủ rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, cho nên bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong việc chăm lo cơ sở vật chất trường, lớp học thì cũng cần quy định cụ thể để phụ huynh thể hiện trách nhiệm với con em mình. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức rằng, đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư không thể tính toán trước mắt được mà đó là tương lai của cả thế hệ con em của chúng ta".


Mai Hoa - ghi

Các ý kiến về giải pháp huy động nguồn vốn xây dựng trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO