Cách làm phù hợp ở các xã khó khăn

19/08/2015 11:34

(Baonghean) - Các huyện, xã miền núi đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện Quỳ Hợp cũng không phải là ngoại lệ, nhưng nhờ huy động được nguồn lực tổng hợp, có cách làm phù hợp, phấn đấu đến cuối 2015 vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra có 20% số xã về đích.

Cách làm của xã 135

Huyện Quỳ Hợp có 20 xã, trong đó 14 xã thuộc Chương trình 135 (khu vực 3). Xã Châu Cường 1 trong 14 xã khó khăn của huyện, chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí NTM. Nhưng với cách làm của xã đang hứa hẹn sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Mô hình nuôi bò nhốt ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp).
Mô hình nuôi bò nhốt ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp).

Trên chiếc xe bán tải gầm cao chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã, ông Lưu Xuân Điểm đi “thị sát” tuyến đường vừa mới được cải tạo theo tiêu chuẩn NTM. Con đường tới 2 bản Kỳ - Tèo, 2 bản xa nhất cách trung tâm xã trên 5 km. Mặc dầu sau trận mưa đêm trước nhưng chiếc xe vẫn bon bon. Một thương nhân ngoài thị trấn vào mở cửa hàng cung cấp mọi dịch vụ cho 2 bản Kỳ - Tèo xác nhận: “Trước đây sau trận mưa như đêm hôm qua thì giao thông đến với 2 bản vùng sâu này đều phải ngừng lại. Vì đường sá không thể đi lại được, phương tiện duy nhất chỉ có đi bộ. Cuối năm 2014 nhờ giúp sức của doanh nghiệp, cộng với đóng góp của bà con, tuyến đường được nâng cấp rải dăm, bột đá. Doanh nghiệp hỗ trợ bột đá, máy móc san gạt, làm mương thoát nước, dân góp tiền thuê ô tô chở vật liệu, chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường dài trên 5 km được nâng cấp”.

Ông Lưu Xuân Điểm nói vui với chúng tôi là không biết đường cấp mấy, nhưng mưa không lầy lội, ô tô xe máy không phải nằm chờ là được rồi. Rồi ông kể: “Châu Cường còn khó khăn nhiều lắm, khi được điều về đây làm chủ tịch, với bao bề bộn lo toan trăn trở, lãnh đạo xã chọn khâu đột phá làm giao thông. Xã đề ra mục tiêu là làm sao hệ thống giao thông trong toàn xã không bị lầy lội vào mùa mưa. Lợi thế của xã là trên địa bàn có các doanh nghiệp chế biến đá, bột đá, lãnh đạo xã mở cuộc họp mời các doanh nghiệp đến để bàn kế hoạch mở đường. Các doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng cung cấp bột đá, phương tiện san gạt, xã bỏ tiền thuê xe vận chuyển. Tổng cộng 3 đợt 15 km đường liên thôn, liên bản được nâng cấp hoàn chỉnh”.

Từ thành công trong việc làm đường, lòng tin trong dân được nâng lên, để xã triển khai nhiều chương trình khác. Nhân Lễ hội Mường Ham, xã phát động doanh nghiệp và người dân trồng cây xanh, làm bờ rào, sân khu di tích; giao cho chi bộ khối xóm chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà văn hóa các xóm bản đã được chỉnh trang gọn gàng, sạch sẽ, theo đúng tiêu chuẩn của bộ tiêu chí NTM. Không chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mà công tác phát triển sản xuất cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, thu nhập bình quân của Châu Cường chỉ mới đạt 12 triệu đồng/người, mức thấp so với huyện. Muốn đạt chỉ tiêu này xã phải nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều chương trình phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế lần đầu tiên đề án sản xuất vụ đông được xây dựng trên quy mô toàn xã. Tổng diện tích 141 ha với 80 ha ngô, 42 ha khoai lang, 10 ha lạc cùng rau màu...

Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xã đã hợp đồng với Công ty Nasu trồng 60 ha mía năng suất cao. Công ty chịu trách nhiệm cày, cung cấp giống phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Xã cấp tiền thuê máy đào gốc cho từng hộ. Một dự án khác cũng đã được triển khai: Trồng cỏ nuôi bò nhốt, do đoàn thanh niên đảm nhận. Xã đứng ra vay tiền từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách 600 triệu đồng, giao cho đoàn thanh niên mua 40 con bò sinh sản làm mô hình để thực hiện. Vợ chồng anh Lê Văn Cả ở xóm Hạ Đông đã phá vườn tạp, trồng 2 sào cỏ và xây dựng chuồng trại, nuôi 1 cặp bò. Thấy có hiệu quả, nhiều hộ đến xin giống cỏ ở nhà anh về trồng để phát triển chăn nuôi. Anh Cả cho biết: Sang năm là nhà anh có bê con rồi, từ ngày tham gia dự án, bản thân anh và gia đình đã học hỏi được nhiều điều, từ kỹ thuật chăn nuôi trâu bò nhốt đến cách hạch toán lời lãi trong chi phí chăn nuôi... Từ hiệu quả của mô hình, được nhân rộng trong đoàn viên thanh niên, lấy đây làm lực lượng nòng cốt để phổ biến cách làm mới cho bà con trong thôn bản.

Để trở thành xã nông thôn mới thì Châu Cường chưa đăng ký, nhưng với cách làm phù hợp, từng ngày đang thay đổi cách làm, nếp nghĩ của đồng bào, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Phấn đấu cao cho từng tiêu chí

Năm 2011, huyện Quỳ Hợp chọn 4 xã tập trung xây dựng NTM để về đích 2015 là: Châu Quang, Đồng Hợp, Tam Hợp, Nghĩa Xuân. Năm 2013 bổ sung thêm xã Minh Hợp. Đến nay 2 xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân đã được công nhận là xã NTM, 3 xã còn lại đang phấn đấu cho từng tiêu chí, để từ nay đến cuối năm cả 3 xã đều được công nhận.

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang trao đổi với chúng tôi: Xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Còn 3 tiêu chí giao thông- thủy lợi, văn hóa và môi trường. Đối với tiêu chí giao thông 3/4 chỉ tiêu đã đạt. Xã có 30,6 km đường xóm, đã cứng hóa được 15 km. Hiện cần 45 tấn xi măng, số lượng tỉnh cấp 2015 đã hết, xã cũng đã lên kế hoạch huy động để từ nay đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu này. Đối với thủy lợi, 0,31 km kênh mương để đạt 50% được kiên cố cũng đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, dự kiến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành. Về tiêu chí môi trường, khó khăn xã đang gặp phải là chưa tìm ra địa điểm để quy hoạch bãi rác tập trung. Sau khi bãi rác của huyện hoàn thành, xã sẽ sử dụng chung. Hiện tại, để giải quyết vệ sinh môi trường, xã giao cho hội phụ nữ tổ chức chị em phân loại rác tại nhà, tiêu hủy bằng lò đốt rác theo quy mô hộ. Với 60 triệu đồng hỗ trợ của huyện, xã tổ chức hợp đồng thợ sản xuất tập trung lò đốt rác cấp cho từng hộ. Đối với cán bộ, đảng viên phải tự túc mua với giá 200 ngàn đồng/cái. Đối với hộ được cấp phải nộp lại 50.000 đồng để lấy nguồn vốn quay vòng sản xuất. Với cách làm đó, vấn đề môi trường đã tạm thời được giải quyết.

Xã Đồng Hợp có 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, chợ nông thôn và môi trường. Xã Tam Hợp có 4 tiêu chí chưa đạt là: giao thông, môi trường, trường học và an ninh trật tự. Các địa phương này cũng đang tìm cách tháo gỡ để về đích trong năm 2015 theo đăng ký. Để giúp cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ, Ban chỉ đạo của huyện đã đưa ra những giải pháp thiết thực. Theo ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban chỉ đạo NTM của huyện, để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo huyện được phân công đôn đốc, giúp đỡ các địa bàn. Thành tích xây dựng NTM ở địa bàn phụ trách được tính vào chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân. Từ đó, các thành viên phụ trách địa bàn đã nỗ lực phối hợp với tổ công tác của huyện đưa ra được các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Với cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình của địa phương, huyện Quỳ Hợp đang là địa phương được đánh giá có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu trong các huyện miền núi.

Bài, ảnh: Anh Tuấn

Mới nhất

x
Cách làm phù hợp ở các xã khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO