"Cách lòng" và "xa mặt"
(Baonghean.vn) - Mong muốn làm giàu, nhiều người quyết định "dứt áo ra đi" xuất khẩu lao động, bỏ lại sau lưng người bạn đời và những đứa con thân yêu. Nhưng không phải có tiền là mua được hạnh phúc. Kết quả của những năm dài chờ đợi ngày đoàn viên là họ lại dắt díu nhau ra Tòa án...
Câu chuyện thứ nhất: Lẽ thường vợ chồng đưa nhau ra tòa, bà con lối xóm và người thân sẽ cố gắng thuyết phục để họ hàn gắn, nhưng với gia cảnh của Hải thì khác. Người nhà, người quen đều hối thúc anh nhanh chóng giải quyết ly hôn để xây dựng cuộc sống mới. Họ thương anh - một chàng trai chịu thương chịu khó đã lấy phải người vợ "khó có thể chấp nhận".
Ba năm trước, cũng như những trai làng mong muốn thoát nghèo, Hải nhờ bố mẹ, anh em vay mượn tiền để đi làm ăn lao động ở Malayxia. Vợ chồng trẻ lại thêm hai đứa con nhỏ không trông chờ được vào 2 sào ruộng khoán, Thu- vợ anh lưỡng lự trước quyết định của chồng, nhưng khi Hải thuyết phục chị cũng nghe theo. Năm đầu mới sang, công việc mới, cuộc sống tha hương xa lạ, có đôi lúc Hải đã nản lòng. Những lúc ấy, nghĩ đến người vợ trẻ đang ngày đêm phải vất vả vì 2 đứa con thơ và số tiền vay mượn để Hải đi xuất khẩu, anh lại thêm nghị lực. Anh cố gắng làm thêm ca, thêm giờ để có tiền gửi về cho vợ con. Số tiền nợ cũng trả hết, dư dả được một ít anh gửi về để Thu dành dụm, để lúc trở về vợ chồng có thể cất được ngôi nhà mới trên đất của bố mẹ cho.
... Năm thứ ba công việc ít hơn, công ty tính toán tiền nhà, tiền ăn nên Hải không gửi tiền về nhiều như trước, Thu gọi điện chì chiết và nghi kỵ Hải. Đùng một cái, người nhà gọi điện cho Hải bảo Thu dọn hết đồ đạc và mang theo hai đứa con về bên ngoại. Hải gọi điện nhưng Thu không nghe máy. Lòng như lửa đốt, Hải làm thủ tục về nước trước hạn hợp đồng.
Đến nhà bà ngoại gặp Thu, Hải như không tin nổi vào mắt mình. Hình ảnh người vợ trẻ ngoan hiền đang đứng trước Hải lại đang mang một cái bụng lùm lùm. Vậy là trong thời gian Hải đầu tắt mặt tối kiếm tiền gửi về, thì Thu đã có người khác. Hiện tại Thu và người đó đang ở với nhau như vợ chồng trên một vùng đất mới mà Thu vừa mua cách đây không lâu.
Mất vợ, mất tiền, niềm vui duy nhất của Hải sau ngày trở về là hai đứa con nhưng cũng bị Thu ngăn cản. Đứa lớn Thu bắt về ở với bà ngoại, còn đứa bé ở với Thu và ông bố "hờ". Hai đứa còn bé nhưng đã có nhận thức, nhiều hôm hai chị em trốn mẹ sang nhà bà nội với bố, hai đứa muốn ở với bố nhưng Thu kiên quyết giữ chúng lại chỉ với mục đích là bắt Hải phải đóng tiền nuôi con cho cô. Mỗi lần Hải đến muốn đón con về nhà mình ít hôm thì Thu nhờ người nhà xua đuổi và dọa dẫm. Có lần, con bé lớn đang học ở trường, Hải chờ sẵn định đón về thì Thu cũng vừa tới, Thu giằng con bé từ tay Hải và chửi bới Hải thậm tệ. Mấy cô giáo chỉ biết nhìn Hải đầy thương cảm.
Hải chỉ còn cách duy nhất là làm đơn ly hôn, nhờ pháp luật can thiệp để được quyền nuôi con. Một người vợ như Thu cũng không có gì để anh tiếc nuối.
Câu chuyện thứ hai: Phượng bàng hoàng khi Lâm đưa cho cô tờ đơn ly hôn đã viết sẵn. Cô không thể hình dung được kết cục của 8 năm trời vợ chồng xa cách lại thế này. Nếu như 7 năm trước, Phượng tin tờ đơn này chỉ là hình thức, bởi lúc đó Lâm vừa sang Nga lao động, anh có điện về bảo Phượng làm thủ tục ly hôn giả để anh làm thủ tục kết hôn giả với người bên đó để được nhập tịch làm ăn. Nhưng cuộc ly hôn giả đó không thành vì Lâm không về được.
Nhưng giờ đây, hai người đang đứng trước Tòa án, mọi chuyện không phải là đùa. Gia đình Lâm và cả Phượng đều mong anh nghĩ lại nhưng Lâm vẫn dứt khoát. Anh bảo 8 năm xa cách anh không còn tình cảm gì với Phượng nữa. Còn thằng Hoan, con chung của hai người anh sẽ có trách nhiệm nuôi nó trưởng thành. Nhìn Lâm, nhìn thằng Hoan lòng Phượng đau như xát muối. Vậy là những mộng tưởng về trời Tây sẽ giúp gia đình khấm khá lên giờ đây tan thành mây khói.
Ngay cả hạnh phúc giản đơn như những người phụ nữ khác Phượng cũng không có được. Mất chồng, Phượng đồng ý để con cho bà nội nuôi. Thằng bé đã bước vào lớp 12, nó cần phải có điều kiện tốt để học tập mà tài sản duy nhất của Phượng có là cửa hàng may nhỏ trong xóm. Giờ đây Phượng mới vỡ lẽ, không phải Lâm không kiếm được tiền như anh nói. Lúc sang Nga được một năm, anh đã thay lòng, anh yêu người con gái khác cũng là dân lao động như anh. Cô gái đó ở thành phố. Họ sống với nhau như vợ chồng. Năm ngoái, họ đưa nhau về nước, mua ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi và họ đã có với nhau một đứa con gái 6 tuổi.
Giá như hồi đó Phượng đừng để Lâm đi, giá như Lâm chấp nhận làm một người nông dân chân lấm tay bùn... Nhưng tất cả đều đã quá muộn...
Chuyện của các cặp vợ chồng Hải, vợ chồng Phượng chỉ là hai trong số rất nhiều những hoàn cảnh mà gia đình trẻ phải gánh chịu sau thời gian vợ chồng xa cách. Chỉ hy vọng mỗi chúng ta đừng vì phút thiếu suy nghĩ mà cuối cùng phải đứng trước cái "án" ly hôn, đánh mất tổ ấm dày công gây dựng, để người gánh chịu mất mát cuối cùng là những đứa trẻ thơ!
Dương Thị Hiền