Cách mạng bóng đá: VPF thay VFF làm V-League

30/09/2011 10:57

Đề án Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam do nhóm 6 ông “bầu” đề nghị nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của 28 chủ tịch CLB, Liên đoàn bóng đá Việt Nam vì thế buộc phải chấp nhận.

Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn và phó chủ tịch Hùng Dũng. Ảnh: Ngọc Quân

Cuộc cách mạng trong làng bóng đá Việt Nam đã xảy ra: Không tiến hành bỏ phiếu chọn Trưởng giải mới hay ký cam kết “bóng đá sạch”, thay vào đó nội dung cuộc gặp giữa VFF và ông bầu của 28 đội bóng dự giải hạng Nhất, V-League 2012 được các ông “bầu” “lái” sang việc thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) – “sản phẩm” của ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch đội Hà Nội ACB và năm người đồng cấp của các CLB Đồng Tâm Long An, Ninh Bình, Hoàng Anh Gia Lai, Khánh Hòa, Thanh Hóa.

VPF sẽ thay VFF tổ chức, điều hành V-League. VPF được thành lập bởi các thành viên của V-League 2012 với số vốn điều lệ hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, mỗi đội bóng góp một tỷ đồng (tương đương 4,6% vốn điều lệ). Liên đoàn bóng đá Việt Nam góp phần còn lại (chiếm 36,5% vốn điều lệ). VPF thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện các quy định của VFF và FIFA. Cơ quan quyền lực cao nhất của VPF là Hội đồng quản trị. VFF với 36,5% vốn điều lệ giữ quyền chủ động nhưng không được áp đặt. Các CLB có tiếng nói riêng nhưng phải đi đúng định hướng…Theo ông Nguyễn Đức Kiên, mô hình này được áp dụng nhiều ở những nước có nền bóng đá phát triển.

Đề nghị thành lập VPF của các ông “bầu” được Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ đánh giá là hay. Nhưng theo Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng, VPF chỉ có thể thực hiện từ mùa giải 2013 bởi việc thành lập phải qua nhiều khâu, mất rất nhiều thời gian. “Tôi viết đề án này trong hai tiếng. Thêm một tiếng cùng anh em thảo luận, chỉnh sửa. Chỉ cần một tháng là VPF được thành lập”. Ông Kiên phản bác.

Sau ý kiến của chủ tịch đội Hà Nội ACB, hàng loạt ông “bầu” đăng đàn ủng hộ. “Bầu” Thắng của Đồng Tâm Long An cho rằng đây sẽ là bước đột phá của bóng đá Việt Nam. “Nếu làm tốt phương án này, theo tôi chỉ chừng hai năm là chúng ta vượt qua Thái Lan”. Ông Thắng nhấn mạnh.

“Bầu” Đức của Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đây là lựa chọn tất yếu bởi “chỉ có thay đổi một cách toàn diện, V-League mới khá lên được”. Không riêng nhóm sáu ông “bầu” đề nghị thành lập VPF, toàn bộ các ông chủ và đại diện CLB còn lại cũng ủng hộ tuyệt đối phương án thành lập VPF.

Các đại diện của giải hạng Nhất 2012 thậm chí còn đề nghị thành lập một công ty tương tự điều hành giải đấu này. Nếu không, cần tạo cơ hội để 14 đội hạng Nhất góp vốn vào VPF nhưng mức đóng góp ít hơn các đội V-League.

Sự ủng hộ tuyệt đối của 28 CLB cho đề nghị thành lập VPF buộc VFF phải thay đổi. “Bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời doanh nghiệp. Phải bắt tay nhau vì sự phát triển của bóng đá nước nhà. Đề án của các ông “bầu” – vốn là những doanh nhân giỏi, là rất hay, rất khả thi. Chuyện thành lập VPF không cần tới thường trực VFF quyết. Bản thân tôi có thể quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đôi khi có những cơ hội lịch sử xuất hiện, phải nắm bắt ngay không để nó trôi qua được. Nhiệm kỳ VI của VFF sắp kết thúc, nếu đề án này thành công sẽ giúp các nhiệm kỳ sau hoạt động dễ hơn”. Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ lên tiếng ủng hộ phương án thành lập VPF.

Người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam đề nghị các ông “bầu” sát cánh với VFF trong việc thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Theo tiết lộ của ông Hỷ, VFF sẽ thành lập một tổ công tác, làm việc cụ thể với các ông “bầu” vào đầu tuần tới để xúc tiến việc thành lập VPF.

“Tốt đẹp nhất là phương án này hoàn tất trong khoảng một tháng, trước thời điểm Đại hội thường niên của VFF (giữa tháng 12) và mùa bóng 2012 vẫn diễn ra như kế hoạch. Nhưng nếu việc thành lập VPF kéo dài hơn, có thể lùi ngày khai mạc mùa bóng mới”. Ông Hỷ nói.


(Theo VnExpress)

Mới nhất
x
Cách mạng bóng đá: VPF thay VFF làm V-League
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO