Cách mạng khai sinh bao số phận

14/08/2014 15:22

(Baonghean) - Bà tôi kể, năm 1945, khi ấy bà tôi đáp chuyến tàu từ Sài Gòn ra Bắc, lúc xuống ga bà đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng nhất trong đời.

Những bóng người gầy khô, vật vờ trong không gian tiêu điều, những tiếng khóc ai oán, những cái chết đến trong tích tắc, những làng mạc vắng lặng tiếng người. Không hiểu vì sao mà bà tôi đã chọn cách ở lại và chung sống, sẻ chia với quê hương những tháng ngày buồn tủi nhất ấy. Có lẽ vì bà tôi, đứa con lưu lạc đã đau đáu nhớ thương quê nhà, nhớ thương đến mức coi rằng cái chết, nếu được chết trên đất quê mình còn hơn cả sự sống ở một nơi nào đó chỉ có một mình!

Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Câu chuyện về nạn đói năm Ất Dậu ấy, bà tôi chỉ kể có một lần. Nhưng không hiểu vì sao, có lẽ vì cái âm điệu nước mắt có trong giọng kể của bà đã ám ảnh tôi. Lúc đó, chắc hẳn bà tôi đã khóc trước quang cảnh phủ một màu chết chóc, tang thương, nhưng trên hết, là bởi nỗi đau trước tất cả những gì đã khiến cho con người trở nên mong manh và tàn lụi như vậy. Và tôi nhớ, trong lời bà ru em tôi, đã có lúc bà ngâm nga câu ca ấy: “Ai ơi, cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Cái ký ức ấy bà không muốn nhắc lại nhưng đâu dễ nguôi quên. Sau này, đã có lúc tôi đứng lặng trước đường ray xe lửa bỏ không ở mảnh đất Phủ Quỳ, miền Tây Nghệ An mà lòng vẫn vẹn nguyên nỗi u hoài ấu thơ. Trên mảnh đất thắm đỏ sắc bazan này, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, cả máu nữa cho kiếp đời nô lệ của những phu đồn điền, và bao nhiêu màu mỡ phì nhiêu của đất này đã được chở về nơi mà người ta gọi là “mẫu quốc” trên những toa xe?

Từ đấy cho đến sau này, khi cái chương buồn đau nhất của tấn thảm kịch đã khép lại, khi cuộc cách mạng vĩ đại nhất đã đặt dấu chấm hết cho một thế kỷ đô hộ của thực dân, bà tôi cũng đã được chứng kiến những chuyển biến lớn lao của lịch sử. Bà bảo thêm nhiều lần nữa bà khóc, nhưng là những giọt nước mắt của niềm vui.

Và rồi câu chuyện về cuộc chiến đấu của những người nông dân vụt đứng lên từ bùn đen, sự mất mát hy sinh, những niềm vui thắng lợi, niềm tự hào mang tên Tháng Tám... Bà tôi, người phụ nữ thị thành chỉ được học đủ để biết mặt chữ, từ thời thiếu nữ đã phải lăn lộn khắp nơi để mưu sinh, không thể luận lý về tự do và giá trị của nó. Bà chỉ là người kể các câu chuyện. Nhưng chính những câu chuyện của bà, ánh mắt sâu thẳm khắc khoải nhìn về ký ức, và cả nụ cười lấp lánh niềm vui đã nói rõ tất cả: cuộc cách mạng ấy đã khai sinh ra những số phận người, số phận được sống và hưởng Tự do - điều giản dị và thiêng liêng nhất của mọi dân tộc cũng như mọi con người.

Tôi đã có, dù không nhiều lắm, những chuyến đi giữa hai miền Nam - Bắc bằng tàu lửa. Có những chuyến đi, tôi dành trọn mọi thời gian có thể để ngắm nhìn phong cảnh qua khung cửa sổ của con tàu. Đây là con sông đã đi vào bao trang sử và bao bài hát, câu thơ, kia là dãy núi hùng vĩ đang in hình vào một bình minh rực rỡ. Những ngọn cỏ xanh rì, những đóa hoa tươi thắm, những mái nhà cao tầng nối nhau liên tiếp trên các phố thị. Và trên kia, bầu trời xanh thắm màu hòa bình và lồng lộng gió... Tôi nhớ bà tôi, người mà nếu còn sống tôi sẽ đưa đi dọc vào Nam trên con tàu Thống Nhất này, để bà kể lại cho tôi nghe về một thời thiếu nữ vất vả lặn lội ở Sài Gòn - Chợ Lớn, hồi tưởng lại trên những vùng đất đi qua nơi trước đây là xác chết và hố bom nay đã xanh biếc màu sự sống. Chắc hẳn bà sẽ vui và mỉm cười!

NACT

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cách mạng khai sinh bao số phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO