Cách mạng Tháng Mười và tương lai của CNXH
Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã mở đầu thời đại mới- thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên sự vận động của lịch sử là quanh co và phức tạp. Do vậy, hiện nay mặc dầu tình hình quốc tế đang diễn ra vô cùng phức tạp, CNXH khủng hoảng và tan rã ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng Đảng ta trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ vẫn khẳng định "Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Lịch sử thế giới hiện trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiên tới CNXH vì đó là quy luật tiến hoá của Lịch sử".
Tiếp thu thành quả của Cách mạng Tháng Mười, nước Nga và sau này là Liên Xô đã xây dựng một mô hình CNXH ở giai đoạn ban đầu có rất nhiều tiến bộ: đó là chế độ xã hội không tồn tại đối kháng và áp bức giai cấp; là xã hội mọi thành viên đều bình đẳng; đã xây dựng một hệ thống chính sách vì con người và cho con người... Nhưng cũng chính tại Liên Xô đã duy trì quá lâu cơ chế quan liêu, bao cấp, nền kinh tế theo mô hình kế hoạch hoá và bình quân chủ nghĩa. Sự kiện ngày 18 tháng 9 năm 1991 diễn ra ở Liên Xô là kết quả tất yếu của hàng loạt chính sách cải tổ sai lầm bắt nguồn từ Đại hội ĐCSLX lần thứ XXVII vào tháng 3/1986.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, sự khủng hoảng và tan rã của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu trước hết bắt nguồn từ các chính sách thiết kế và xây dựng xã hội của các Đảng Cộng sản cầm quyền và căn nguyên chính làm cho tình trạng trì trệ, lạc hậu kéo dài về kinh tế, khi đã nhận ra căn nguyên thì vội vàng, nóng vội dẫn tới sai lầm trong cách sửa chữa.
Cũng trong thời điểm đó, ĐCSVN đã đưa ra đường lối đổi mới tại Đại hội VI năm 1986 và Trung Quốc sớm hơn một thời gian. Như vậy, các Đảng Cộng sản đều nhận thấy sự xơ cứng của mô hình CNXH và đều khẳng định rằng, cần nhanh chóng đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội đó là một tất yếu khách quan. Trong bối cảnh đó, dân tộc Việt Nam có ĐCSVN, một đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn biết kết hợp các yếu tố dân tộc và yếu tố thời đại trong đường lối cách mạng. Việc hiện nay Đảng ta đang từng bước xây dựng mô hình của xã hội XHCN chính là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể mỗi nước. Chúng ta không xa rời Chủ nghĩa Mác- Lênin trong quá trình xây dựng CNXH, nhưng cũng không rập khuôn máy móc, giáo điều trong việc vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Do đó, CNXH được xây dựng ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác là minh chứng cho sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện mỗi nước.
Xét về mặt quy luật vận động và phát triển của lịch sử thì các hình thái kinh tế- xã hội đi từ thấp đến cao. Nhưng trong quá trình đó có thể có những nước do có những điều kiện chủ quan và khách quan có thể bỏ qua một hay vài hình thái kinh tế xã hội của sự phát triển. Nhưng V.I. Lênin cũng đã cảnh báo rằng các nước trong quá trình phát triển không được bỏ qua các quy luật kinh tế mà các chế độ trước đó đã vận dụng. Lời nhắc nhở đó có ý nghĩa rất lớn đối với ĐCSVN khi xét về mặt hình thái ý thức xã hội chúng ta bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, nhưng nhất quyết không được bỏ qua các quy luật kinh tế đã và đang vận động phát huy dưới chế độ TBCN.
CNXH với ý nghĩa đưa lại cơm no áo ấm, bình đẳng bác ái cho quần chúng lao động là thể hiện mơ ước ngàn đời của loài người. Từ thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba và xu hướng CNXH ở nhiều nước trong đó có Liên bang Nga cho chúng ta một cách tư duy mới về CNXH, một cách tư duy nhẹ nhàng, không rập khuôn giáo điều như trước đây. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng ghi mốc son mở đầu và chắc chắn dẫu còn rất lâu dài và gian khổ nhưng sự nghiệp mà Cách mạng Tháng Mười Nga mở đầu sẽ trở thành hiện thực. Đó là quy luật vận động tất yếu của lịch sử.
TS. Đoàn Minh Duệ (Trưởng khoa GDCT- Trường Đại học Vinh)