Cách ngâm ủ để "thóc thịt" có tỷ lệ nảy mầm cao
Trước hết khuyến cáo bà con, không nên dùng "thóc thịt" làm giống cho vụ sau. Vì như thế năng suất lúa sẽ thấp. Nên mua giống tại các Cty hoặc đại lý bán giống lúa có uy tín cho mỗi vụ gieo cấy.
Còn nếu buộc phải dùng "thóc thịt" làm giống thì nên chọn những ruộng lúa gieo cấy vụ trước bằng giống nguyên chủng, giống xác nhận hoặc giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng tốt để làm giống cho vụ sau. Gặt bỏ những cây lúa lẫn, lúa cỏ trước khi thu hoạch ít nhất 2 lần, lúc đòng to và lúa đỏ đuôi. Vệ sinh sạch sẽ sân phơi, dụng cụ tuốt, đập, bảo quản tránh lẫn tạp cơ giới khi thu hoạch.
Chọn những ngày nắng ráo để thu hoạch lúa giống. Khi lúa gặt về cần tuốt ngay, sàng sẩy, loại bỏ rơm, rạ và hạt lửng lép. Nếu trời nắng phải phơi ngay, nếu trời mưa bất ngờ rải thóc thành lớp mỏng, tránh dồn thóc thành đống cao dễ làm hạt giảm sức nảy mầm.
Với các giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc khoảng 90-120 ngày như: CN 2, KD 18; RVT; AIT 77… Khi thời vụ đã đến, đòi hỏi cần giống ngay, bà con có thể gặt lúa chín đỏ đuôi tuốt lúa xong không cần phơi, đem ngâm ngay dưới ao, hồ trong thời gian 72 giờ (3 ngày 3 đêm).
Nếu không ngâm hạt giống dưới ao, sông, hồ mà phải ngâm dưới chậu, thùng, chum, vại thì cần thay nước thường xuyên 4 đến 6 giờ/lần, cho lượng nước ngập trên thóc ít nhất 20cm, để nơi râm mát, sau đãi sạch nước chua đem ủ bình thường, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 70%.
Khi thời vụ cho phép, bạn cần phơi thật giòn 3-4 nắng to, sau rải thóc qua đêm trên nền nhà, đem ngâm 72 giờ bằng nước sạch cũng cho tỷ lệ nảy mầm cao trên 75%.
Bạn cũng có thể dùng supe lân Lâm Thao hoà nước với nồng độ 5-10% hoặc chế phẩm Lupain, ngâm thóc giống trong 12-24 giờ, sau đó tiếp tục ngâm 36-48 giờ bằng nước sạch cũng nâng cao thêm tỷ lệ nảy mầm của hạt giống liền vụ, đạt trên 80%.
Nếu có điều kiện, tốt nhất bà con dùng dung dịch axít nitơric HNO3 với nồng độ 0,2-0,3% ngâm trong 24 giờ, sau đó ngâm tiếp 36-48 giờ bằng nước sạch, đều cho kết quả cao đối với loại thóc mới gặt chưa phơi hoặc đã phơi giòn, tỷ lệ nảy mầm đạt > 85%. Khi ngâm thóc bằng axít, sử dụng đồ chứa bằng sành, sứ hoặc đồ nhựa, không dùng bằng kim loại vì HNO3 là loại axits mạnh dễ làm thủng đồ chứa.
Cách làm là pha loãng axit HNO3, đổ từ từ lượng axít HNO3 vào nước lượng nước cần pha, nếu đổ ngược lại axits sẽ có phản ứng tỏa nhiệt và bắn tung tóe làm bỏng người xử lý.
Chú ý: Với loại thóc phơi chưa khô kỹ thì tỷ lệ nảy mầm đều rất thấp cho dù có áp dụng các biện pháp trên
Theo Nongnghiepvn