Cách phòng trừ bệnh đạo ôn ở lúa

11/03/2015 10:17

(Baonghean) - Hiện nay bệnh đạo ôn trên cây lúa vụ xuân ở Nghệ An đã phát triển khá nhanh, lên đến hàng trăm ha lúa bị nhiễm bệnh.

Riêng tại Thành phố Vinh, như xã Hưng Hòa có 6 - 7 ha lúa bị nhiễm bệnh nặng, thậm chí đã bị lụi. Tại Hưng Nguyên, theo ông Nguyễn Thiết Hùng - Trạm trưởng Trạm BVTV của huyện cho biết, đến nay toàn huyện có trên 300 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn. Một số giống có hiện tượng bị lụi như giống lúa AC5, Xi 23, Xi 30, BT-E1… Còn ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… bệnh đạo ôn đang có xu thế phát triển mạnh vào những ngày sắp tới.

Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet

Kiến thức về phòng chống bệnh đạo ôn trên lúa của bà con nông dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy có tình trạng trong một vụ sản xuất, có gia đình phun phòng trừ bệnh đạo ôn 2 - 3 lần vẫn không tiêu diệt được bệnh, lúa vẫn cháy lụi. Dưới đây là một số thông tin về bệnh đạo ôn bà con cần biết.

Bệnh đạo ôn chỉ phát triển mạnh khi ẩm độ không khí cao, chiều tối đến sáng sớm hôm sau có sương mù nhiều, ánh sáng yếu, nhiệt độ không khí dao động trong phạm vi từ 20 - 240C. Trên các loại đất cát pha, thịt nhẹ, ruộng hẩu, bón phân mất cân đối, nhất là đạm,… thì bệnh đạo ôn càng có cơ hội phát triển mạnh. Gieo cấy các giống lúa dễ nhiễm bệnh như: AC5, Xi 23, Xi 30, Xi 33, IR 1820 và một số giống lúa lai như: BT- E1, KP1, Nhị ưu 986…

Bệnh đạo ôn phát triển trên cây lúa trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn các bào tử nấm xâm nhập bám vào lá lúa để gây bệnh. Lúc này nếu đi thăm đồng ta sẽ thấy vết bệnh xuất hiện đơn lẻ, có hình kim hoặc to hơn, có thể hình tròn và hơi tròn, mọng nước. Vết bệnh đang phát triển dưới dạng cấp tính và chưa phát sinh bào tử. Vì vậy thăm đồng phát hiện sớm vết bệnh lúc này sẽ phòng trừ có hiệu quả nhất. Nếu phát hiện chậm, bệnh đạo ôn đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì phòng trừ không có hiệu quả. Vì vết bệnh đã già và đã phát sinh bào tử nấm. Mỗi vết bệnh mãn tính có thể phóng thích ra không khí từ 2.000 – 6.000 bào tử nấm và kéo dài trong 15 ngày để gây bệnh khắp trên đồng ruộng khi chúng bám vào các lá lúa để ký sinh và gây bệnh. Vì vậy trong trường hợp này phun thuốc có hiệu quả sau đó 5 - 7 ngày.

Về thuốc phòng chống bệnh đạo ôn, cho đến bây giờ chưa có một loại thuốc nào tiêu diệt triệt để bào tử nấm bệnh đạo ôn. Ngay cả các chất chuyên trừ bệnh đạo ôn hiệu quả nhất hiện nay như tricyclazole (Filia 525 SC), Azoxystrobin (Amistar top 325 SC, Amistar 250 SC…) cũng chỉ dừng lại ở cơ chế ngăn chặn sự nảy mầm của bào tử nấm khi có thuốc phun ra tiếp xúc với các bào tử nấm.

Vì vậy, việc đề phòng và ngăn chặn bệnh đạo ôn phát triển trên cây lúa lúc này là vô cùng quan trọng. Cho nên phải sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Filia 525 SC, Amistar Top 321 SC…pha 0,4 - 0,5 lít nước thuốc với 400 - 500 lít nước lã trong sạch để phun cho ha lúa (1 sào 20 - 25 lít nước thuốc đã pha) và chỉ nên phun trừ khi vết bệnh còn non, ở giai đoạn vết bệnh cấp tính là có hiệu quả lớn nhất.

Trong giai đoạn lúa bị bệnh đạo ôn, tuyệt đối không để ruộng bị khô cạn nước, tạm dừng bón thúc phân, nhất là đạm và nên sử dụng loại phân hỗn hợp NPK 15.5.20 để bón thúc sau đó là tốt nhất.

Doãn Trí Tuệ

Cách phòng trừ bệnh đạo ôn ở lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO