Cải cách thủ tục hành chính thuế: Phấn đấu đạt mục tiêu "kép"
(Baonghean) - Năm 2014 là một năm có dấu ấn đặc biệt đối với cải cách hệ thống thuế, cơ quan thuế đang thực hiện mục tiêu “kép” về CCHC thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam về mục tiêu “kép” này, trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
P.V: Thưa đồng chí Tổng cục trưởng, tại sao Tổng cục Thuế lại xác định đây là mục tiêu “kép”?
Đồng chí Bùi Văn Nam: Nói mục tiêu “kép” là ở chỗ, ngành Thuế đang phấn đấu cải cách để giảm số giờ tuân thủ thuế của DN theo đánh giá của WB-IFC từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm theo Nghị quyết số 19/2014 của Chính phủ; đồng thời phấn đấu để đạt mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh chú trọng thực hiện quản lý thu, chống thất thu NSNN, toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Một số kết quả đạt được cũng khiến chúng tôi khá hài lòng: Trước năm 2015, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành một thông tư sửa đổi, bổ sung 7 thông tư, trình Chính phủ ban hành 1 nghị định sửa đổi, bổ sung 4 nghị định; Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế để sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa chính sách và TTHC thuế cho DN.
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế |
Các giải pháp được triển khai trong năm 2014 tập trung vào một số nội dung được coi là cốt yếu. Thí dụ như về thuế GTGT, với những quy định sửa đổi trong Thông tư 119, Thông tư 151 hướng dẫn Nghị định 91 vừa qua thì việc khai thuế GTGT của DN đã được đơn giản hơn rất nhiều. Cơ bản những thông tin mà DN phải kê khai chỉ phục vụ cho mục đích thuế đã được loại bỏ, chẳng hạn như thông tin về ký hiệu mẫu hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, mặt hàng… hay quy định DN phải ghi thời hạn thanh toán trên bảng kê hoá đơn và điều chỉnh tiền thuế đầu vào đối với trường hợp thanh toán chậm trả…
Bên cạnh đó, về mẫu biểu tờ khai cũng được đơn giản hơn, DN không phải khai những thông tin, những chỉ tiêu mà không liên quan đến việc tính thuế của DN như các hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện để khấu trừ thuế, hoá đơn không phải tổng hợp lên tờ khai, hay là khai các thông tin mà cơ quan thuế không kiểm tra, đối chiếu được ngay trên hồ sơ như bảng kê hàng hoá dịch vụ hưởng mức thuế suất 0%, bảng kê hoá đơn xe ô tô, xe hai bánh gắn máy… Như vậy, DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để chuẩn bị kê khai thuế, chỉ cần chuyển dữ liệu từ phần mềm kế toán sang là có thể hoàn thành được việc kê khai thuế mà không phải nhập thêm các chỉ tiêu.
P.V: Các giải pháp này đã tiết kiệm được cho người nộp thuế những gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Nam: Từ 1/1/2015, ngành Thuế đã bỏ quy định DN phải gửi bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế GTGT gửi cơ quan thuế theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13, đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế. Về phía DN sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian để lập, nộp và chi phí in ấn các bảng kê. Còn về phía cơ quan thuế, đằng sau sự đơn giản hoá về chính sách thuế, mẫu biểu, hồ sơ khai thuế là sự chuyển đổi rất lớn về kỹ thuật quản lý. Đặc biệt là đối với thuế GTGT, kỹ thuật quản lý cũng thay đổi từ việc quản lý dựa trên hoá đơn (DN phải khai hết tất cả các hoá đơn, dù có được khấu trừ hay không khấu trừ thuế; cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu chéo, xác minh hoá đơn... rất tốn kém) sang việc quản lý đối tượng có rủi ro; và thực hiện đồng bộ công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế phải dựa trên việc ghi chép, hạch toán sổ sách kế toán của DN để đơn giản hóa TTHC cho DN nhưng vẫn phòng ngừa, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế.
Về thuế thu nhập DN, các quy định về chính sách và thủ tục cũng được đơn giản hoá. Các khoản doanh thu, chi phí mang tính chất chênh lệch tạm thời giữa kế toán và thuế đã được loại bỏ, ví dụ như khoản tiêu dùng nội bộ; nhiều khoản chi phí như khuyến mại, giảm giá, chiết khấu, tiếp khách… không bị khống chế trong khi tính thu nhập chịu thuế nữa, làm cho DN đỡ phải mở thêm sổ sách theo dõi, tính toán… Đặc biệt là việc kê khai thuế TNDN cũng được sửa đổi rất quan trọng là doanh nghiệp chỉ phải khai quyết toán thuế TNDN duy nhất 1 năm 1 lần; trong năm, DN chỉ tạm nộp tiền thuế mà không cần phải lập tờ khai tạm nộp gửi cơ quan thuế. Theo tính toán, với các giải pháp đã ban hành tại các văn bản pháp quy này, tính đến 1/1/2015 số giờ nộp thuế dự kiến giảm được khoảng 370 giờ.
Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014, bước sang năm 2015, Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế để nhằm giảm TTHC, giảm số giờ tuân thủ về thuế cho người dân và DN. Chúng tôi đã trình Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thi hành quy định một luật sửa nhiều luật nội dung về thuế GTGT, hóa đơn, thuế tài nguyên và quản lý thuế. Theo tính toán, việc sửa đổi TTHC tại thông tư này đã giảm thêm được 10 giờ nữa liên quan đến nội dung đơn giản hoá thủ tục hoá đơn về kê khai, khấu trừ thuế GTGT của DN. Hay như chúng tôi đã trình Bộ ban hành thông tư hướng dẫn thi hành nội dung về thuế TNDN. Theo tính toán, việc sửa đổi hoặc bãi bỏ các thủ tục kê khai thuế TNDN theo Thông tư này sẽ giảm khoảng 30 giờ cho người nộp thuế.
Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Tổng cục Thuế còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tiết kiệm thời gian, chi phí của DN, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình khai thuế, tính thuế. Tính đến 30/6/2015 đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 98% số DN đang thuộc diện quản lý thuế; nhiều cục thuế đã tổ chức tốt công tác triển khai và có số lượng lớn DN trên địa bàn thực hiện khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, đã ký kết thoả thuận với 27 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước, tính đến ngày 30/6/2015, đã có 301.993 DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, đạt 68,7% chỉ tiêu giao cho các cục thuế với số tiền đã nộp vào NSNN từ đầu năm 2015 đến 30/6/2015 là 35.119 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay với các giải pháp đã triển khai thực hiện nêu trên, số giờ nộp thuế sẽ giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ (tổng cộng năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã và sẽ giảm được 420/537 giờ nộp thuế của DN), đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế đối với NNT xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.
P.V: Vậy các giải pháp trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Nam: Để tiếp tục cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng CNTT, đảm bảo 100% DN kê khai thuế qua mạng Internet (khai thuế điện tử) có chất lượng. Nâng cấp các ứng dụng CNTT đảm bảo hạ tầng, kỹ thuật; tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại; hoàn thiện thể chế, khung pháp lý;... đồng thời, nghiên cứu triển khai thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ khi tổ chức, cá nhân đăng ký ô tô, xe máy, nhà đất,...; thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản; thu từ hoạt động cho thuê nhà;...
Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy trình quản lý thuế, nhất là các quy trình liên quan đến giải quyết TTHC cho người nộp thuế để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung, góp phần bảo đảm đưa việc cắt giảm thời gian làm TTHC về thuế đi vào thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Chúng tôi sẽ thực hiện ứng dụng CNTT ở cấp độ 4 (tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế qua mạng và trả kết quả hoàn thuế bằng phương thức điện tử qua mạng) tối thiểu đạt 95% vào trước 30/9/2016. Đồng thời, xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất toàn quốc về các hồ sơ hoàn thuế, thực hiện công tác giám sát tập trung đối với toàn hệ thống, cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế dựa trên đánh giá rủi ro, qua đó phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế GTGT.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Sông Hồng
(Thực hiện)