Cái gốc của vấn đề
(Baonghean) - Điều tạo nên sự khác biệt và cả sự cách biệt giữa các nền kinh tế và giữa các quốc gia trong thế giới hôm nay, đó chính là năng suất lao động (NSLĐ). Và điều khiến cho nền kinh tế nước nhà lâm vào cảnh thu không đủ chi mà phải đi vay mượn, khiến nợ công tăng cao cũng có phần nguyên nhân không nhỏ từ NSLĐ. Đó là do NSLĐ của ta quá thấp so với mặt bằng chung trên thế giới và trong khu vực, dẫn đến một thực trạng là chúng ta tiêu dùng nhiều hơn so với những gì làm ra.
(Baonghean) - Điều tạo nên sự khác biệt và cả sự cách biệt giữa các nền kinh tế và giữa các quốc gia trong thế giới hôm nay, đó chính là năng suất lao động (NSLĐ). Và điều khiến cho nền kinh tế nước nhà lâm vào cảnh thu không đủ chi mà phải đi vay mượn, khiến nợ công tăng cao cũng có phần nguyên nhân không nhỏ từ NSLĐ. Đó là do NSLĐ của ta quá thấp so với mặt bằng chung trên thế giới và trong khu vực, dẫn đến một thực trạng là chúng ta tiêu dùng nhiều hơn so với những gì làm ra.
Nói như vậy không phải là dân ta lười lao động, mà ngược lại, thời gian lao động của người Việt ta bỏ ra thuộc diện hàng đầu thế giới, nhưng kết quả thu được không cao. Kết quả lao động không cao là vì lao động thủ công, giản đơn, dùng sức người thay cho máy móc vẫn phổ biến. Hiện nay, lao động nông nghiệp, lao động tự do của Việt Nam vẫn chiếm hơn 60% tổng lao động có việc làm. Trong khi đó, lao động làm việc trong các ngành chế tạo, dịch vụ cao cấp tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật chiếm chưa đến 20% tổng lực lượng lao động. Người lao động thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị mới. Phần lớn công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp ở ta đi thẳng từ đồng ruộng vào nhà máy, xí nghiệp. Người lao động ở khu vực nông thôn thì cứ nhìn người đi trước mà làm theo, hầu như không qua bất cứ một lớp đào tạo nào, nên hiệu suất lao động thấp là điều đương nhiên.
Mới đây, người ta có so sánh NSLĐ của dân ta với các nước trong khu vực và cho thấy, ta đứng ở tốp cuối bảng. Điều đó không có gì khó hiểu khi người lao động ở các nước làm việc với máy móc, còn lao động của ta phần lớn chỉ làm việc với tay chân. Nó cũng giống như một người đi bằng hai chân và một người đi bằng xe máy, ô tô. Dĩ nhiên là người sử dụng phương tiện cơ khí sẽ đạt tốc độ và hiệu quả hơn người không có phương tiện. Người ta đã tính toán và chỉ ra rằng, NSLĐ của một nước chịu ảnh hưởng của cả ba yếu tố: mật độ vốn trên một đơn vị lao động, chất lượng lao động, và năng suất yếu tố tổng hợp. Mật độ vốn trên một đơn vị lao động chính là công cụ, phương tiện, máy móc, thiết bị trang bị cho người lao động. Một công nhân có nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn so với một công nhân có ít công cụ lao động hơn...
Năm 2012, mật độ vốn của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/17 Singapore hay Mỹ, 1/10 Hàn Quốc, và 2/5 Trung Quốc. Cho nên, NSLĐ của nước ta thua kém xa so với nước họ cũng là điều hiển nhiên. Không được tiếp cận nhiều với các trang, thiết bị hiện đại, không được máy móc hỗ trợ nhiều thì trình độ, kỹ năng, sức khỏe là ba yếu tố hợp thành chất lượng lao động cũng không thể cao được. Cho nên, chất lượng lao động của ta vẫn bị đánh giá là thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, sự chênh lệch về chất lượng lao động chỉ đóng góp một phần vào sự khác nhau về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước. Các yếu tố có vai trò quyết định lớn hơn là mật độ vốn và năng suất yếu tố tổng hợp. Còn năng suất yếu tố tổng hợp là mức độ công nghệ và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế như luật pháp, thể chế kinh tế, khả năng phối thuộc, môi trường kinh doanh, ổn định vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị hóa...
Về yếu tố này, xin dẫn nguyên văn lời ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ trong một bài viết nói về vấn đề này “Đại hội IV họp gần 40 năm trước, cách mạng khoa học - kỹ thuật được xác định là khâu then chốt, nhưng hình như vẫn chưa phải; sự tăng trưởng kinh tế ở ta chủ yếu vẫn dựa vào việc đổ thêm vốn và lao động. Và nữa, đận này nơi nơi đều thấy bàn về “đổi mới thể chế”, nhưng rất ít khi nghe được những cao kiến về sự đổi mới một cách căn bản và toàn diện thể chế liên quan tới khoa học - công nghệ để làm sao các nhà khoa học và người sản xuất, kinh doanh liên thông, gắn bó mật thiết với nhau, đôi bên đều thấy “muốn” và “có thể” đưa máy móc hiện đại, thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nói đi phải nói lại, thực ra cũng đã có thể chế này thể chế nọ, xuất hiện không ít “chiến lược” phát triển ngành này, sản phẩm kia, nhưng xem ra những cơ chế, chính sách đưa ra vẫn chưa trở thành cú hích đủ mạnh để có thể tạo ra nhiều tiền tươi, thóc thật..”
Qua đây, có thể thấy NSLĐ thấp chính là điểm yếu cơ bản của nền kinh tế nước ta. Vì thế, muốn nâng cao sức mạnh của nền kinh tế, không thể không nâng cao NSLĐ, vì “Xét đến cùng thì NSLĐ là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới” (Lê-nin). Quy chiếu với tình hình hiện tại, có thể hiểu là sự nghiệp đổi mới đất nước, công cuộc CNH, HĐH đất nước có thành công và đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hay không…, đều phụ thuộc vào việc có cải thiện, nâng cao được NSLĐ hay không. Có một điều khá bất cập là trên diễn đàn Quốc hội hay ở các diễn đàn khác, người ta sục sôi bàn nhiều về các giải pháp giải quyết nợ công, nợ xấu, mà rất ít bàn về cách thức làm thế nào để nâng cao NSLĐ. Trong khi đó, nâng cao NSLĐ là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất để giải quyết nợ công và nợ xấu.
Vì thế, kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu của dân nên dành thời gian bàn bạc một cách thấu đáo về vấn đề này để có những những biện pháp thiết thực, vực dậy “cái quan trọng nhất, cái chủ yếu nhất” này! Bởi NSLĐ là cái gốc để giải quyết mọi vấn đề của nền kinh tế.
Duy Hương