Cái “gốc” của xử lý khai thác cát trái phép

11/04/2013 15:40

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, nạn khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép cát sỏi lòng sông ở tỉnh ta là đề tài "nóng", gây bức xúc trong dư luận. Trước những ảnh hưởng xấu của nạn khai thác cát sỏi trái phép gây ra, cuối tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh đã huy động một lực lượng lớn cán bộ, chiến sỹ ra quân dẹp nạn “cát tặc" tại huyện Tân Kỳ và đã có những kết quả đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh việc dẹp nạn “cát tặc" đã phát sinh những vấn đề cần phải sớm được giải quyết. Đó là bài toán về giải quyết nhu cầu cát sỏi ngày một tăng trong xây dựng các công trình công cộng, công trình dân sinh; đó là vấn đề việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân... Những bài toán này có thật, đã được thể hiện trong một số báo cáo của chính quyền các huyện, thành, thị sau khi họ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông theo Công văn số 1238/VPCP - KTN ngày 7/2/2013 của Chính phủ. Có thể dẫn ra như huyện Quế Phong nêu: "...Quế Phong hiện nay các công trình dân sinh, công trình công cộng của các dự án (134, 135, 30a...) đang triển khai khá nhiều.

Tuy nhiên trên địa bàn huyện không có doanh nghiệp nào có đủ năng lực (tài chính, máy móc, thiết bị...) để xin cấp mỏ cát sỏi. Do đó, việc đình chỉ không cho các tổ khai thác cát gây ra khó khăn nhất định về nguyên vật liệu xây dựng trên địa bàn...". Trong khi đó huyện Nghĩa Đàn thì chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình hình phức tạp trong khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn là: "... Tính đến nay trên địa bàn huyện mới chỉ có một đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi nhưng đã hết hạn khai thác từ ngày 18/6/2009, do đó lượng cát sỏi làm vật liệu xây dựng trong thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cũng như các vùng phụ cận...". Nam Đàn là một trong những huyện có nhiều điểm kinh doanh và nhiều tàu khai thác cát sỏi trái phép thì chỉ ra một số ưu điểm như: "...Cung cấp nguyên liệu xây dựng cho nhân dân trong huyện, Thành phố Vinh và các vùng phụ cận; Giải quyết việc làm cho các thành phần lao động trong gia đình và là nguồn kiếm sống chủ lực của các hộ có bến kinh doanh, thuyền khai thác...".

Theo Sở TN&MT - cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu việc tổ chức thực hiện công tác tăng cường quản lý thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông - thì nhu cầu cát sỏi trong xây dựng là rất lớn, vậy nhưng trên địa bàn tỉnh có rất ít các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát sỏi trong khi thực tế còn khá lớn... Từ những thông tin nêu trên và từ thực tiễn, có thể thấy công tác quản lý đối với khoáng sản cát sỏi còn những bất cập, và đây là một nguyên nhân chính yếu dẫn đến gia tăng các hoạt động khai thác, kinh doanh trái phép cát sỏi lòng sông và gây khó khăn trong quá trình ngăn chặn xử lý của các cơ quan chức năng và các địa phương.

Có “cầu” ắt có “cung”. Chính quyền cần giải quyết những nhu cầu bức thiết của xã hội về cát sỏi qua việc tiến hành khảo sát, thăm dò, quy hoạch chi tiết cụ thể các điểm mỏ cát sỏi; cấp phép cho các tổ chức, cá nhân hội tụ đủ điều kiện để họ tổ chức khai thác, kinh doanh... là những việc cần sớm được thực hiện. Và, đây là sẽ là biện pháp xử lý từ gốc nạn “cát tặc".


Nhật Lân

Mới nhất
x
Cái “gốc” của xử lý khai thác cát trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO