Cái “khó” của Phú Sơn

16/07/2013 11:02

(Baonghean) - Chúng tôi khá vất vả vượt 13km từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn (Tân Kỳ). Con đường khấp khểnh đá sỏi với những đoạn thi công bỏ dở, dù tuyến đường này được khởi công xây dựng từ 4 năm nay. Cây cầu Phú Sơn, niềm hy vọng thoát cảnh "lụy đò" của người dân xây dựng từ năm 2009, dự kiến hết năm 2012 sẽ xong, thời hạn đã qua trên nửa năm nhưng chỉ mới xong 6/7 chiếc trụ. Thế nên, người dân Phú Sơn muốn mở rộng giao thương ra các vùng trung tâm huyện vẫn phải “lụy đò”. Một phụ nữ cùng chờ đò về Phú Sơn chia sẻ: "Không có cầu, bất tiện lắm các anh ạ, nhất là khi phải vượt sông vào đêm khuya. Nhiều khi lái đò họ không chịu sang, đành bó tay. Chẳng biết bao giờ cầu xong, người dân chúng tôi thì khao khát lắm rồi!".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đương - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết: Xã có 4.800 dân với 11 xóm, trên 4.300 ha đất sản xuất. Địa bàn có thể gọi là "đất rộng người thưa", là một điều kiện tốt để phát triển kinh tế hộ, bởi nguồn nhân lực dồi dào và diện tích đất sản xuất rất lớn, phù hợp với mô hình tổng hợp VAC, VACR... Tuy nhiên, những điều này dường như chỉ mới dừng lại ở… chủ trương! Bởi lẽ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân Phú Sơn chủ yếu trồng keo, ngoài ra có thêm cây sắn và mía (hiện toàn xã có gần 1.800 ha cây keo, 270 ha mía), và đó là nguồn thu chính, nhưng để mở rộng diện tích keo và mía đang gặp nhiều khó khăn vì khó tiêu thụ sản phẩm do “tắc” về giao thông, giá bán thường phải chịu thấp hơn nhiều so với giá thị trường chung.

Một nông dân làm ăn có tiếng tại xã Phú Sơn, ông Vi Thanh Châu, trú xóm Quyết Thắng, cho biết “Giá keo nguyên liệu "bèo" quá, mỗi xe tải khoảng 15 tấn bán tại vườn khoảng 4 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 giá nhập tại nhà máy. Lý do giá bán rẻ như vậy, cũng chính vì đường vào Phú Sơn khó quá, mà nhiều tuyến liên thôn trong xã cũng chưa được nhựa hóa, khi đốn hạ keo người thu mua đã phải tốn chi phí thuê người vác keo từ vườn ra xe tải; chi phí vận chuyển cao, người mua buộc phải ép giá người trồng. Cả xóm Quyết Thắng có trên 200 ha keo, hiện đang phải chịu chung thực tế trên, trong khi với chừng ấy diện tích trồng, đáng ra phải có một tuyến đường nguyên liệu nối trục chính liên vùng”.

Thực trạng khó vận chuyển, bị ép giá, sản phẩm suy giảm phẩm chất... không chỉ xảy ra với keo nguyên liệu. Mùa thu hoạch mía thường có mưa, đường lầy lội, nên nhiều khi sắn nhổ để ngoài đồng cả tuần, dẫn đến thối hỏng. Đường vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu xã Phú Sơn đến Nhà máy đường Sông Con phải vòng qua xã Tiên Kỳ, kéo dài thành 32km, cước vận chuyển lên đến 80 nghìn đồng/tấn. Những ngày mưa, thường không vận chuyển được, nhiều thời điểm mía để lâu ngoài đồng, giảm chất lượng, bên thu mua trừ hao tạp chất, người trồng mía phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Thêm vào đó, giá phân bón tại xã lại quá cao, nông dân đầu tư kém nên trồng mía ít có lãi.

Hạ tầng giao thông yếu kém, kéo theo nhiều hệ lụy kìm hãm sự phát triển của tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác; dịch vụ ở Phú Sơn không phát triển, chưa có xe khách vào đến trung tâm xã, toàn xã chỉ có 4 chiếc xe tải phục vụ nhu cầu vận chuyển. Hiện nay, có trên 40% số hộ trong xã Phú Sơn thuộc diện nghèo, đói, trong đó 4 bản người Thái có tỷ lệ hộ nghèo từ 60 - 75%. Cũng vì khó khăn về giao thông, nông dân ở đây chưa muốn đầu tư làm ăn lớn, còn chính quyền địa phương thì loay hoay tìm hướng thoát nghèo cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Đương chia sẻ: Nếu giao thông thuận lợi, số diện tích cây keo nguyên liệu của Phú Sơn có khả năng sẽ phát triển trên 2.000ha, mía khoảng 350 ha. Ngoài ra, có thể phát triển vùng nguyên liệu chè tại các xóm Thái Sơn, Tân Lâm vốn có thổ nhưỡng rất phù hợp với cây chè.

Điều kiện tiên quyết để Phú Sơn khai thác tốt tiềm năng, sớm có bước chuyển mạnh mẽ trong xóa đói giảm nghèo là giao thông. Vấn đề đó, với chỉ riêng sự trăn trở, huy động nội lực của xã chắc chắn là chưa đủ; đã đến lúc huyện, tỉnh cần có sự quan tâm lớn cho địa phương này.


Hữu Vi

Mới nhất
x
Cái “khó” của Phú Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO