Cải tạo chất lượng đàn gia súc: Cần nâng nhận thức người chăn nuôi

03/10/2014 09:54

(Baonghean) - Việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, làm tăng giá trị sản xuất, tạo thế mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, số lượng đàn gia súc chất lượng cao ở tỉnh ta vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng đàn. Vì vậy, công tác cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc đang đặt ra rất cấp thiết.

Trang trại chăn nuôi lợn nái của anh Nguyễn Quang Đại, xóm 7, Nam Xuân (Nam Đàn).
Trang trại chăn nuôi lợn nái của anh Nguyễn Quang Đại, xóm 7, Nam Xuân (Nam Đàn).

Phong trào phát triển chăn nuôi bò lai sind đang phát triển khá mạnh tại 9 xã nằm dọc sông Lam của huyện Hưng Nguyên. Ông Nguyễn Thanh Hải - xóm 9B, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) hiện nuôi 2 con bò đực lai sind. Theo ông Hải, cùng một độ tuổi giống, nhưng khi mua về bò đực giống lai sind có trọng lượng ban đầu đạt 2,5 - 3 tạ/con (cao hơn 1 tạ/con so với giống bò vàng trước), sau 1 năm bán thịt đạt trọng lượng 7 tạ/con, thu nhập đạt trên 20 triệu đồng/con. Cũng trong một năm, hai con bò giống lai sind phối giống được 200 đến 300 con bê lai. Nếu cùng một thời gian xuất chuồng từ 4 - 5 tháng, so với bê giống bò vàng, sản phẩm sản phẩm bê lai sind vóc dáng đẹp, trọng lượng thịt 75 - 80 kg/con (so với 35 - 40kg/con) giá bán thịt 280 - 300 ngàn đồng/kg, cao hơn 80 - 100 ngàn đồng/kg, trị giá bê thịt đạt 10 - 18 triệu đồng/con. Mỗi năm, ông Hải thu nhập trên 45 triệu đồng từ công tác cho phối giống bò và nuôi bò lai sind bán thịt.

Huyện Hưng Nguyên hiện có trên 17 ngàn con bò. Trong đó, số lượng bò hàng hóa lai sind tăng nhanh theo chu kỳ năm, đạt gần 8.400 con. Hai năm gần đây, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng của huyện đạt 1 ngàn tấn, giá trị thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm. Bà Bá Thị Dung - Chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, cho biết: Bên cạnh cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ cho các vùng nuôi bò lai sind sinh sản, vỗ béo. Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng cho các hộ nuôi 10 con bò lai sind trở lên (vùng dọc sông Lam), các hộ nuôi 5 con trở lên (vùng giữa và vùng ngoài của huyện), hỗ trợ 70 ngàn đồng/liều tinh và 20 triệu đồng cho các gia trại nuôi 20 con bò lai sind trở lên (các xã khó khăn Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam). Mục tiêu của huyện đến hết năm 2015, phấn đấu đạt 25 ngàn con bò, trong đó chiếm khoảng 80% là bò lai sind.

Còn huyện Nam Đàn hiện có trên 37 ngàn con lợn, trong đó, 25 ngàn con là lợn lai hướng ngoại. Bà con chủ yếu chuyển sang nuôi lợn lai có máu ngoại 50 - 70% phối với lợn ngoại hoặc lợn ngoại thuần cho tỷ lệ nạc cao từ 53 - 54%, sau 3 tháng xuất chuồng, đạt trọng lượng 80 -100kg/con. Ông Từ Đức Thanh - Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, cho biết: Huyện đã đưa ra chủ trương “Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn” nên đẩy mạnh du nhập các giống lợn ngoại Đại bạch, Bê đu, Yocsia, hỗ trợ cho vay 30% xây dựng cơ bản, hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 2 năm đối với các trang trại chăn nuôi 20 con lợn nái ngoại trở lên. Hiện nay, toàn huyện có 348 trang trại chăn nuôi, chiếm trên 50% tổng số trang trại. Trong đó, có 19 trang trại, gia trại nuôi lợn nái ngoại, 10 hộ nuôi lợn với quy mô 17 con lợn lai, 15 hộ nuôi với quy mô 85 con lợn ngoại để phối giống trực tiếp ở các xã Kim Liên, Nam Anh, Nam Thanh, Nam Xuân. Toàn huyện hiện có 3 trang trại nuôi lợn nái ngoại sinh sản công nghệ cao liên kết với Công ty CP (Thái Lan), quy mô 5.200 con nái ngoại ở Nam Lộc, Nam Xuân, Nam Hưng, sản lượng xuất bán lợn giống gần 58 ngàn con/năm, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Như vậy, có thể thấy việc cải tạo chất lượng đàn, đầu tư chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, tăng nhanh giá trị sản phẩm là hướng đi bền vững trong chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 4/2014, Nghệ An có 672 ngàn con trâu, bò, thì mới chỉ có gần 38% tổng đàn là bò lai sind; tổng đàn lợn đạt trên 1 triệu con, nhưng đàn lợn ngoại cũng chỉ mới đạt 15 - 20%. Vì vậy, công tác cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc đặt ra rất cấp thiết, nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong hội nhập của ngành Chăn nuôi tỉnh ta.

Ông Ngô Vĩnh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm giống chăn nuôi tỉnh, cho biết: Công tác cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi được triển khai theo 2 phương pháp chính, đó là thụ tinh nhân tạo và cho phối giống trực tiếp. Thực hiện Quyết định 09 của UBND tỉnh, việc tạo giống bò, cải tiến giống trâu, người chăn nuôi được cấp 100% chi phí tinh trâu, bò sữa, bò hướng thịt, vật tư phối giống và hỗ 50.000 đồng/con có chửa, hỗ trợ 60% giá trị trâu đực giống ngoại vùng. Riêng các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, hỗ trợ 80% giá trị trâu đực giống ngoài vùng, bò đực giống lai hướng thịt, định mức 25 - 30 con sinh sản được bố trí 1 con đực giống... Theo đó, mỗi năm tỉnh hỗ trợ khoảng trên 20.000 - 23.000 liều tinh bò Zebu, Brahman để cải tạo giống bò địa phương sản xuất thâm canh theo hướng thịt. Năm 2014, trung tâm đang triển khai công tác phối giống 30 ngàn liều tinh bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ 20 con bò đực giống cho 4 huyện miền núi Anh Sơn, Thanh Chương, Tương Dương, Quế Phong. Cùng với đàn bò, công tác cải tiến đàn trâu được thực hiện bằng phương pháp dùng tinh trâu Mural cho phối đàn cái được chọn lọc để tạo sản phẩm nghé lai tốt. Hiện, toàn tỉnh có 50 con nghé lai giống trâu Mural tại 3 huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, tốc độ phát triển tăng 12 - 15% so với giống trâu nội. Năm 2014, tỉnh cấp 500 liều tinh trâu nội và trâu ngoại để phân phối tiếp tục cải tạo đàn trâu tại 3 huyện Anh Sơn, Đô Lương, Nghĩa Đàn. Đối với đàn lợn, hiện đang sử dụng giống đực Pidu để phối giống, sử dụng tinh giống lợn đại bạch, Landrat, Duroc cho phối nái móng cái (nông hộ) và lợn nái ngoại (trang trại) để tạo sản phẩm lợn lai năng suất cao, tập trung chủ yếu tại Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn... Công tác cải tạo đàn gia súc đang phát huy đúng hướng, có hiệu quả vị trí của ngành Chăn nuôi tỉnh nhà.

Ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN & PTNT, cho biết thêm: “Chủ trương của tỉnh không đặt ra vấn đề tăng số lượng tổng đàn, mà chú trọng đến việc tăng tổng giá trị thịt hơi xuất chuồng, chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi”. Theo đó, công tác cải tạo đàn vật nuôi gắn liền với việc phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo hình thức trang trại, gia trại. Bên cạnh đó, không ngừng duy trì quy mô, hình thức sản xuất nông hộ theo phương thức công nghệ hướng nạc đa dạng, phù hợp với điều kiện vùng miền, có khả năng cạnh tranh trung bình như sản phẩm lợn, gia cầm để người nông dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham gia tăng trưởng nông nghiệp. Đây cũng là nội dung quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành Chăn nuôi hiện nay ở tỉnh ta.

Tuy nhiên, để người chăn nuôi chú trọng nâng cao chất lượng đàn, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác cải tạo đàn; có cơ chế phối hợp trong tăng cường kiểm soát con giống, thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đồng thời đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, tỷ trọng ngành Chăn nuôi chiếm gần 43% tổng giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp Nghệ An. Tính đến cuối năm 2013, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt trên 13 ngàn tấn, tăng 6,4% sản lượng; thịt trâu hơi xuất chuồng đạt trên 85 ngàn tấn, tăng 4,4%; sản lượng thịt lợn tăng 1,06% so với năm 2012. Toàn tỉnh hiện có 121/457 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn theo Thông tư 27/2011/TT- BNN, trong đó có 54 trang trại chăn nuôi lợn, 32 trang trại chăn nuôi gà, 41 trang trại chăn nuôi tổng hợp; 30 cơ sở giống lợn ngoại cấp ông bà, bố mẹ với gần 5.000 con nái, 15 điểm nhân giống lợn Móng Cái sản xuất 2.000 - 2.500 con lợn hậu bị/năm.

Lương Mai

Mới nhất
x
Cải tạo chất lượng đàn gia súc: Cần nâng nhận thức người chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO