"Cái tôi" của "lò" Sông Lam

21/10/2013 17:05

(Baonghean) - Để chuẩn bị lực lượng cho Asiad tại Hà Nội vào năm 2019, VFF đã quyết định thành lập hai đội bóng là U.19 nữ và U.16 nam để đào tạo theo kiểu tập trung. Tuy nhiên, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ không thành công khi SLNA là đội tiên phong, tuyên bố không giao quân cho VFF. Lý do được Tổng Giám đốc CLB SLNA ông Nguyễn Hồng Thanh đưa ra là, chiến lược của VFF có nhiều cái không ổn, làm bóng đá theo kiểu từ ngọn, bên cạnh đó, đội bóng xứ Nghệ đã có công đào tạo cầu thủ suốt nhiều năm qua nên cũng không muốn bị “hớt tay trên”.

Ý tưởng hay nhưng nhiều bất cập

Năm 2019, lần đầu tiên ngày hội thể thao lớn nhất châu Á (Asiad) sẽ được tổ chức ở Hà Nội. Để có đội bóng nam và nữ mạnh nhất tham gia giải đấu này, VFF đã biết “nhìn xa” khi lập tức quyết định thành lập ĐT U.19 nữ và U.16 nam để đào tạo tập trung ở Hà Nội. Thực ra, đây là điều đáng hoan nghênh, cho thấy những bước tiến trong tư duy của những người làm bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cách tuyển quân, để khai giảng 2 lớp đào tạo này, đặc biệt là U.16 nam lại đang cho thấy nhiều vấn đề.

Theo đó, VFF thực hiện theo kiểu lấy từ ngọn, nghĩa là tuyển quân từ các “lò” đào tạo có thương hiệu như Sông Lam, HN.T&T, Viettel, HA.GL, Đồng Tháp… Ngay sau khi nhận được văn bản từ VFF đề nghị hợp tác, SLNA là đội lên tiếng đầu tiên. Theo đó, đội bóng xứ Nghệ đã thẳng thừng từ chối với lý do, lứa U.16 của SLNA đã tập trung từ lâu, với những giáo án rất riêng. Giờ giao cho 1 đơn vị khác quản lý, sẽ rất khó để thay đổi. Bên cạnh đó, lứa U.16 của SLNA hiện tại cũng chỉ 3-4 cầu thủ giỏi, nếu giao cho VFF, lực lượng sẽ bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến nhiều thứ.

Ủng hộ ý kiến của “lò” Sông Lam, nhiều đội bóng khác sau đó cũng lên tiếng và tuyên bố, không để quân của mình lên tập trung dài hạn ở U.16 mà Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF vừa mới khai giảng. Có chăng, do quân số quá đông, Trung tâm Viettel đã đồng ý để 4 cầu thủ của mình gia nhập nhưng yêu cầu VFF phải có những cam kết để đảm bảo về chất lượng, nếu không sẽ rút quân về ngay.

Phải làm bóng đá từ gốc

Việc VFF có thiện chí, ý định lấy U.16 của “lò” Sông Lam làm nòng cốt để tập trung dài hạn, chuẩn bị cho Asiad vào năm 2019 ở Hà Nội là vinh dự lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của gần 20 năm làm công tác đào tạo trẻ theo kiểu tập trung, SLNA cũng có những “cái tôi” của mình và họ đã lắc đầu khi nhận thấy kế hoạch của VFF có nhiều bất ổn.

Thứ nhất về kinh phí, như đề án mà VFF đưa ra là 8 tỷ đồng cho lớp học này theo đánh giá là quá ít, bởi trong số này chi phí cho việc thuê HLV ngoại đã mất gần 1 nửa. Số còn lại, nếu so với một “lò” đào tạo còn nhiều khó khăn như Sông Lam thậm chí cũng không bằng. Tất nhiên, chế độ như vậy khó có thể thu hút được những cầu thủ giỏi, đặc biệt lại đang thuộc biên chế của những đội bóng giàu có.

Thêm vào đó, để đào tạo một cầu thủ đến 16 tuổi, hầu hết các CLB đều đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của. Đùng một cái, giao cho VFF quản lý 6-7 năm nên hết sức băn khoăn. Đào tạo tốt thì không sao, nhưng tồn tại những bất cập thì làm hỏng cả 1 thế hệ.

Phần đa ủng hộ cách làm của VFF nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu những người làm bóng đá Việt Nam biết kiên nhẫn. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh, lứa tuổi “chuẩn” để đào tạo, uốn nắn và hình thành tư duy bóng đá là từ 12 đến 15 tuổi. Nên chăng, VFF hãy bắt chước mô hình của HA.GL – Arsenal JMG, bởi nó cực chuẩn về khoa học lẫn tâm lý của các cầu thủ trẻ.

Những cầu thủ tập luyện với nhau từ nhỏ, không ràng buộc bởi CLB sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát triển bóng đá. Đừng vì Asiad hay một sự kiện nào khác mới hành động vì bóng đá mang tính lâu dài, phục vụ cho nhiều giải đấu, nhiều mục đích. Cách tốt nhất, VFF nên tuyển quân trên toàn quốc, ở các lứa tuổi từ 12 đến 15 rồi sau đó đào tạo tập trung trong khoảng từ 7 đến 10 năm trước khi đại diện cho Việt Nam tham gia những giải đấu lớn.

Đó mới thực sự là cách làm bền vững và nhận được sự đồng thuận cao.

Vĩnh Liêm

Mới nhất

x
"Cái tôi" của "lò" Sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO