Cảm nghĩ về đôi dép cao su của Bác Hồ
"Đôi dép đơn sơ - Đôi dép Bác Hồ" câu hát quen thuộc đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhớ tới Bác. Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam với tất cả tình thương bao la của một người Cha, Bác đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Một trong những kỷ vật vô giá Người để lại trước lúc đi xa là đôi dép cao su giản dị.
Đôi dép cao su của Bác Hồ ra đời từ năm 1947,được cắt ra từ chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị quân và dân ta phục kích tiêu diệt tại 1 vùng căn cứ địa Việt Bắc. Đôi dép cao su đã cùng Bác vào sinh ra tử, chứa bao kỷ niệm sâu sắc và cảm động không thể nào quên. Đôi dép cao su không chỉ bên cạnh Bác trong cuộc sống thường nhật mà còn cùng Bác đi khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu và đến với bầu bạn xa gần trên thế giới.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi xã Nam Liên (nay là Kim Liên) - Nam Đàn. Ảnh: Tư liệu.
Khi tới thăm đồng bào, thăm hỏi động viên bà con nông dân, lúc đến với các cháu thiếu nhi, rồi đến những chiến sĩ ngoài đảo xa, hay đến thăm một quốc gia khác, Bác đều đi đôi dép cao su. Khi đôi dép đã cũ, Bác cũng kiên quyết giữ lại để dùng, không muốn đổi đôi mới, bởi với Bác là chưa hề cần thiết vì lúc ấy nước nhà còn nghèo, dân chúng còn chịu rất nhiều khổ cực. Bác luôn thấu hiểu nỗi khổ của dân, vì vậy Người luôn nhắc nhở mọi người phải thực hành tiết kiệm.
Đôi dép cao su của Bác đã trải qua bao năm tháng, gắn bó cùng Bác từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cho tới lúc Người đi xa. Đôi dép cao su của Bác tưởng chừng như rất bình dị song nó lại là một kỷ vật vô giá Bác đã để lại - chỉ dân tộc Việt Nam ta mới có.
Qua hình ảnh đôi dép cao su, ta thấy được đức tính giản dị, tiết kiệm đáng quý của Bác. Nó chứa đựng bài học bổ ích mà Bác Hồ muốn dạy cho thế hệ con cháu, đó là bài học làm người, sống sao cho có ích cho xã hội, cho đất nước, luôn biết quý trọng sức lao động, mồ hôi, nước mắt của người dân.
Phải luôn quan tâm tới bản chất bên trong chứ không chỉ chú trọng hình thức bên ngoài. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng phải làm được những việc lớn lao, phải thực hiện được những cái cao siêu thì mới thể hiện được tinh thần tiết kiệm của mình, mà chúng ta luôn luôn bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày như tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa một vòi nước khi không còn sử dụng, đó chính là tiết kiệm. Luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết, đó cũng chính là tiết kiệm.
Việc làm này không chỉ một người mà phải nhiều người, không chỉ một nhà mà phải nhiều nhà, không chỉ một nơi mà phải nhiều nơi...người người, nhà nhà, mọi nơi đều phải thực hiện tiết kiệm. Nếu ai cũng tự ý thức được việc bản thân mình cần phải làm gì để trở thành một cán bộ ích nước, lợi dân. Và đó cũng chính là việc làm thiết thực nhất để những bài học về tấm gương đạo đức của Bác thực sự đi vào cuộc sống.
Nguyễn Văn Quế