'Cảm ơn học trò vì các em đã dành tình yêu cho môn Lịch sử'

Nội dung: Mỹ Hà; Ảnh, kỹ thuật: Đức Anh 19/04/2021 19:34

(Baonghean.vn) - Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú với cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn là một kết quả ghi dấu cho những nỗ lực, cố gắng sau gần 20 năm gắn bó với nghề. Đó cũng là nguồn động viên vô cùng to lớn cho những giáo viên đang công tác ở vùng khó khăn.

Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn hiện đang là giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường THCS Kỳ Sơn – huyện Tân Kỳ. Ảnh: Đức Anh
Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn hiện đang là giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Đức Anh

“Giấc mơ” của cô giáo dạy Lịch sử

Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn hiện đang là giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ. Gắn bó với ngôi trường gần 60 năm, chị cũng là giáo viên đầu tiên của nhà trường đạt được danh hiệu cao quý này... Vì lẽ đó, thành tích không chỉ của riêng cá nhân mà còn của tập thể nhà trường.

Gặp lại cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn chỉ vài ngày sau khi Quyết định công nhận Nhà giáo Ưu tú vừa được Chủ tịch nước công bố. Không giấu được niềm vui cô kể: “Tôi không phải là người đầu tiên biết được thông tin này mà là bạn bè, đồng nghiệp của tôi biết trước và đã chúc mừng tôi qua điện thoại... Cảm giác lúc đó không tin nổi bởi danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là một danh hiệu quá lớn lao. Sau đó, tôi lại lo lắng tự hỏi bây giờ phải nỗ lực như thế nào để xứng với danh hiệu đã được trao...”.

Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn và các học sinh Trường THCS Kỳ Sơn – huyện Tân Kỳ trong một tiết học môn lịch sử. Ảnh: Đức Anh
Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn và các học sinh Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ trong một tiết học môn Lịch sử. Ảnh: Đức Anh

Nhớ lại cả quá trình làm hồ sơ để được công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn bảo mình may mắn bởi bản thân chị xuất thân từ giáo viên dạy Lịch sử, chỉ giảng dạy THCS, ở một trường miền núi nên chị nghĩ rằng cơ hội của mình không nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều đồng nghiệp của chị tin rằng chị xứng đáng và động viên chị làm hồ sơ bởi họ biết rằng, chị là một giáo viên tâm huyết và có nhiều đóng góp với nghề. Riêng bản thân chị, chưa bao giờ hối hận, khi chọn Tân Kỳ làm quê hương thứ 2 và gắn bó với công việc dạy chữ, dạy người ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn, sinh năm 1979 và từng là học sinh của Trường THPT Nghi Lộc 1 (nay là Trường THPT Nguyễn Duy Trinh). Tốt nghiệp cấp III, chị là một trong ít những nữ sinh của trường thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm 1, ngành Lịch sử. Đây cũng là công việc mà chị đã từng mơ ước khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ có điều, tốt nghiệp đại học, thay vì đi dạy ở một trường THPT thì vì hoàn cảnh chị lại chuyển xuống dạy ở bậc THCS tại Trường THCS Nghĩa Hành (Tân Kỳ), một ngôi trường rất xa nhà. Nhớ lại ngày mới lên nhận nhiệm vụ, cô giáo Thanh Nhàn chia sẻ: Đó là lần đầu tiên tôi đến với vùng đất Tân Kỳ, đường sá còn khó khăn lắm, hai bên đường cây cối rậm rạp.

Các học trò luôn sẻ chia những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống và đó là động lực để cô luôn cố gắng. Ảnh: Đức Anh
Các học trò luôn sẻ chia những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống và đó là động lực để cô luôn cố gắng. Ảnh: Đức Anh

Là sinh viên mới ra trường nên thời điểm đó chị cũng như nhiều giáo viên khác không suy nghĩ sâu xa, không tính toán mệt nhọc hay vất vả. Ngược lại, đến với môi trường mới, được tiếp xúc với những học trò chân chất, đáng yêu lại càng bồi đắp cho chị tình yêu nghề, yêu trò và làm việc miệt mài. 4 năm công tác ở Trường THCS Nghĩa Hành cũng là cơ hội để chị thể hiện tâm huyết với nghề và chỉ sau ba năm đứng lớp, chị đã có học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử. Đó cũng chính là động lực đầu tiên để chị quyết định gắn bó với mảnh đất này lâu hơn bởi một lẽ đơn giản “môn Lịch sử vốn rất khó học mà các em ở đây lại rất đam mê và yêu thích môn học này”.

Dạy học là liều thuốc tinh thần

Đến với Tân Kỳ từ năm 2000, đến nay cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn đã ngót nghét hơn 20 năm gắn bó với vùng đất Tân Kỳ. Quãng thời gian ấy, với vai trò của một giáo viên dạy Lịch sử, chị cũng là người đem nhiều thành tích về cho nhà trường và địa phương. Trong đó, dấu ấn rõ nhất là ở các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi huyện. Điều đặc biệt, dù ngôi trường của chị không phải là trường điểm của huyện nhưng dường như năm nào chị cũng có học sinh giỏi tỉnh. Gần đây nhất, tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2020 - 2021 chị có 2 học sinh đạt giải Ba.

Ông Phạm Tân Phương - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cũng đánh giá rất cao kết quả này bởi lẽ, mỗi năm toàn huyện Tân Kỳ chỉ chọn 5 học sinh vào các đội tuyển học sinh giỏi. Do đó, để vượt qua vòng thi cấp huyện vào được vòng tỉnh là một nỗ lực rất khó khăn mà “nếu không có đam mê, không có chuyên môn vững thì khó có thể thành công”.

Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn đang bồi dưỡng cho các em học sinh giỏi của trường. Ảnh: Đức Anh
Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn đang bồi dưỡng cho các em học sinh giỏi của trường. Ảnh: Đức Anh

Trò chuyện với cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn, chị cũng chia sẻ “việc bồi dưỡng học sinh giỏi là niềm đam mê của bản thân”. Vì thế, dù sức khỏe rất yếu, năm nào cũng nhận áp lực về mình và có thời điểm “nằm liệt giường” bị chồng trách mắng nhưng chỉ cần “được lên lớp, nhìn thấy học trò” là chị lại như khỏe lại và được tiếp thêm năng lượng để hoàn thành công việc của mình.

Để có được thành tích 65 học sinh giỏi cấp huyện, 27 học sinh giỏi cấp tỉnh, cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn cũng nói rằng, chị phải “cảm ơn học trò rất nhiều”. Bởi lẽ, nhiều năm nay, Lịch sử vẫn được xem là môn phụ. Vì thế, khi chọn đội tuyển, thường đội Lịch sử vẫn phải ưu tiên học sinh cho các đội tuyển khác. Phụ huynh cũng không muốn con vào đội tuyển Lịch sử và chọn những môn thi thực tế hơn tạo thuận lợi cho con trong quá trình xét vào các trường chuyên. Đáp lại tình cảm của học trò, chị dành hết tâm huyết cho từng bài giảng, từng thí sinh và truyền hết tình yêu môn Lịch sử của mình sang cho học trò.

Đáp lại tình cảm của học trò, chị dành hết tâm huyết cho từng bài giảng, từng thí sinh và truyền hết tình yêu môn Lịch sử của mình sang cho học trò. Ảnh: Đức Anh
Đáp lại tình cảm của học trò, chị dành hết tâm huyết cho từng bài giảng, từng thí sinh và truyền hết tình yêu môn Lịch sử của mình sang cho học trò. Ảnh: Đức Anh

Là một giáo viên yêu nghề, nên cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn cũng không dễ dãi với chính bản thân. Ngược lại, chị đam mê với nghề và luôn trau dồi chuyên môn để không tụt hậu và tiếp cận được những kiến thức mới. Thành tích rõ nhất của chị, là 3 lần liên tục đạt giáo viên dạy giỏi tỉnh, trong đó năm 2013 chị giữ vị trí thủ khoa. Ngoài ra, chị có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, cấp tỉnh được đánh giá tốt, nhiều sáng kiến được ứng dụng vào thực tế và được nhiều đồng nghiệp khác đón nhận.

Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn tâm sự “Có thể nhiều người xem các cuộc thi giáo viên dạy giỏi hoặc làm sáng kiến là để chạy theo thành tích nhưng bản thân tôi làm vì đam mê. Thậm chí, các cuộc thi gần đây được tổ chức theo hình thức đổi mới tôi cũng muốn tham gia vì muốn được thử thách mình".

Ngoài các cuộc thi này, chị cũng tham các cuộc thi khác và đạt giải Nhì tại cuộc thi sử dụng đồ dùng, hướng dẫn học sinh thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và có 2 sản phẩm dạy học theo chủ đề tích hợp đạt giải Nhất, giải Ba cấp Quốc gia năm học 2015 - 2016, năm học 2016 - 2017.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, dành trọn tình yêu với nghề, với học trò, cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn cũng đã được nhà trường, huyện nhà và ngành Giáo dục tôn vinh ở rất nhiều giải thưởng và các bằng khen, giấy khen. Hiện nay, với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, chị thường xuyên tham mưu và chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoài giờ lên lớp thu hút đông đảo học sinh tham gia và giúp giáo dục kỹ năng, giá trị sống cho học sinh, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể.

Chị cũng là người luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Thầy giáo Phạm Thành Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn cũng rất tự hào về người em, người đồng nghiệp của mình và chính chị là “một nhân tố tích cực trong nhà trường, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu nghề trong toàn ngành”…

Những nỗ lực mà cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn cố gắng cũng đã được ghi nhận khi chị là giáo viên duy nhất của huyện Tân Kỳ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong đợt này. Ảnh: Đức Anh
Những nỗ lực mà cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn cố gắng cũng đã được ghi nhận khi chị là giáo viên duy nhất của huyện Tân Kỳ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong đợt này. Ảnh: Đức Anh

Những nỗ lực mà cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn cố gắng cũng đã được ghi nhận khi chị là giáo viên duy nhất của huyện Tân Kỳ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong đợt này.

Thành quả đó không chỉ dành riêng cho bản thân chị mà còn là nguồn động viên lớn lao để giáo viên huyện nhà cùng vươn lên vì học trò và để được sống với niềm đam mê, khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Mới nhất
x
'Cảm ơn học trò vì các em đã dành tình yêu cho môn Lịch sử'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO