Cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ

25/05/2013 17:04

Tại dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, Bộ Y tế đề xuất nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ đến 6 tháng tuổi.



Bộ Y tế đề xuất nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa
thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi - Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định 21/2006/NĐ-CP hiện đang được áp dụng, nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức; quảng cáo hình ảnh bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

Bộ Y tế cũng đề xuất việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi phải bảo đảm các yêu cầu sau: 1- Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ"; 2- Nội dung quảng cáo phải nêu rõ "Sản phẩm này không phải là sữa và không có tác dụng thay thế sữa mẹ"; phù hợp với quy định tại Điều 4, Điều 5 của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về quảng cáo và an toàn thực phẩm.

Không tiếp thị sữa thay thế sữa mẹ

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất quy định người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ hoặc người đại diện theo pháp luật của họ không được cử nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ tại cơ sở y tế và các địa điểm khác.

Đồng thời, không được tổ chức tặng thày thuốc, nhân viên y tế hoặc cơ sở y tế sữa thay thế sữa mẹ; các lợi ích vật chất hoặc các vật dụng có tên hoặc biểu tượng của công ty, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tổ chức trưng bày sữa thay thế sữa mẹ tại các cơ sở y tế; trưng bày nổi bật tên, logo sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, các các cơ sở sản xuất, kinh doanh không được áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sữa thay thế sữa mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tính điểm cộng thưởng, giảm giá hoặc bất kỳ hình thức nào khác; sử dụng hình thức tài trợ học bổng, tài trợ nghiên cứu khoa học, tài trợ kinh phí cho đào tạo, hội nghị, hội thảo, các khóa học, các buổi hòa nhạc, dịch vụ tư vấn qua điện thoại hoặc các hình thức khác; thực hiện việc giáo dục, truyền thông liên quan đến nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh

Bộ Y tế cũng đề xuất cụ thể trách nhiệm của phụ nữ mang thai, bà mẹ và thành viên gia đình: Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần phải cho ăn bổ sung hợp lý, đúng cách.

Đồng thời, cha mẹ, thành viên trong gia đình khi có nhu cầu tìm hiểu về cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ hoặc gặp khó khăn về nuôi dưỡng trẻ nhỏ cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn về cách nuôi dưỡng trẻ hợp lý, đúng cách; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ; tìm hiểu về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và những khó khăn, hạn chế của việc cho trẻ ăn sữa thay thế sữa mẹ hay bú sữa bằng bình.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tỷ lệ trẻ được bú mẹ còn rất thấp. Tỷ lệ trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh là 39,7%. Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu là 17%. Tỷ lệ trẻ em được bú mẹ khi đến 1 tuổi là 73,9% nhưng chỉ được 19,4% khi trẻ đến 2 tuổi.

Tại đa số các địa phương, tỷ lệ trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn rất thấp: Đồng Tháp chỉ đạt 2-3%, Phú Thọ đạt khoảng 12%, Hải Phòng chỉ đạt 13,4%, Thái Nguyên đạt 10%.... Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh liên quan đến tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác còn cao.

Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
Ngoài ra, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến ít nhất 2 năm tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giúp cho trẻ tránh các bệnh như suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy...
Các nghiên cứu cho thấy: Cho con bú là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu bệnh dị ứng của trẻ, làm gia tăng sức đề kháng của trẻ trước các bệnh thông thường và các bệnh tim mạch, giúp trẻ phát triển tốt hệ thần kinh, tác động tích cực tới việc phát triển trí não của trẻ, giúp phát triển đồng bộ hệ cơ xương ổ miệng, ít quậy phá khi ở tuổi thiếu niên và trưởng thành, ít bị bệnh tiểu đường ở tuổi trung niên, ít bị nguy cơ mắc loãng xương và thoái hoá cột sống khi về già, giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ.

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.


Theo (Chinhphu.vn) – L.T

Mới nhất

x
Cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO