Nghi Lộc phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả và bền vững
(Baonghean.vn) -Xác định việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên huyện Nghi Lộc đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, trong đó, tập trung hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, phát triển các sản phẩm...
Phát huy lợi thế của địa phương
Ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương cùng với niềm đam mê đồ gỗ, năm 2010, anh Nguyễn Hồng Sơn (SN 1982), ở xóm 4, xã Nghi Lâm quyết tâm đưa nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ về địa phương. Tận dụng được nguồn nguyên liệu gỗ nhãn sẵn có tại địa phương, anh mở nhà xưởng sản xuất các mặt hàng gỗ, mỹ nghệ như đũa, môi, muỗng, các dụng cụ xào nấu nhà bếp…
Anh Sơn chia sẻ: “Thời gian đầu, xưởng sản xuất gặp nhiều khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc tạo điều kiện cho thuê đất làm nhà xưởng, nguồn vốn vay, chính sách từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh đã hỗ trợ kịp thời cho cơ sở giảm bớt khó khăn và từng bước vươn lên phát triển”.
Từ cơ sở nhỏ lẻ, đến nay, anh Sơn đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn, tạo dựng cho mình cơ sở sản xuất có quy mô nhà xưởng khang trang, với diện tích hơn 6.000m2, tạo việc làm cho gần 100 công nhân, với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của công ty sản xuất như đũa, môi, muỗng và các dụng cụ nhà bếp rất được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản; hàng năm xuất khẩu đạt hàng chục tỷ đồng.
Năm 2020, sản phẩm của công ty vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Mới đây, Hội đồng chấm, xếp hạng sản phẩm OCOP của huyện Nghi Lộc đã tiến hành đánh giá các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, trong đó, bộ môi, muỗng gỗ Hồng Sơn của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn đạt 4 sao. Đây là điều kiện tốt để công ty tiếp tục nâng cấp sản phẩm, đa dạng mẫu mã, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Tại huyện Nghi Lộc, Công ty TNHH Mami Farm đã tập trung sản xuất sản phẩm ngũ cốc được thu gom từ trong xã và vùng lân cận kết hợp với hạt nhập khẩu cao cấp. Năm 2021, ngay khi thành lập công ty, đơn vị đã nâng cấp sản phẩm thành dạng gói tiện lợi, bổ sung đường phèn mật mía của Nghệ An, an toàn, tiện lợi; đồng thời, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, với 7 nhân viên cố định và hơn 500 cộng tác viên phân phối sản phẩm khắp toàn quốc.
Thị trường ổn định, công ty trở thành địa chỉ chuyên thu mua nông sản giúp bà con ổn định đầu ra, tạo thu nhập cho các lao động trong địa bàn xã Nghi Mỹ. Với những kết quả đã đạt được, hiện nay, 2 sản phẩm của Công ty TNHH Mami Farm đạt hạng 4 sao là bột ngũ cốc dinh dưỡng tiện lợi, bột ngũ cốc cao cấp.. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm phù hợp với mọi khách hàng, mở rộng quy mô sản xuất, kết hợp với các hợp tác xã để trồng nông sản đạt chuẩn và tạo việc làm cho bà con, nguồn ra ổn định hơn cho nông sản. Đơn vị cũng nỗ lực để sản phẩm Mami Farm sẽ là thương hiệu ngũ cốc được tin dùng trên thị trường Việt - là niềm tự hào của quê hương và sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài”...
Phát triển sản phẩm OCOP
Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP huyện Nghi Lộc giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, huyện đã xây dựng Đề án thực hiện và đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 25/6/2021. Trên cơ sở đó, thành lập Hội đồng chấm, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và triển khai Đề án đến tất cả các phòng, ngành, địa phương, đơn vị, đồng thời, bổ sung chức năng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên liên quan thực hiện Chương trình OCOP.
Đồng thời, huyện có các cơ chế hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của từng xã, thị trấn cũng như vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP; tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh..., như: hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học, kỹ thuật đối với sản phẩm môi, muỗng gỗ xã Nghi Lâm đạt OCOP 4 sao năm 2021 là 150 triệu đồng; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao năm 2022 và hỗ trợ mã truy suất nguồn gốc cho 9 xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2022, kinh phí hơn 173 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 8 nhà lưới, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng; thưởng cho các sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên với tổng kinh phí 100 triệu đồng.
Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp tại 29 xã, thị trấn. Đến nay, đã có 21 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 7 sản phẩm là: sữa hạt chay thực dưỡng của Công ty TNHH Mami Farm; dưa lưới Vương Gia của hộ kinh doanh Hoàng Phúc Quyền; Ổi lê Luật Thu của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Luật; đèn lồng mây, tre đan Toàn Phát của Công ty TNHH Mây tre Toàn Phát; mami care x10 lợi sữa của Công ty TNHH Mami Farm; dưa lưới Hùng Thanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hùng Thanh; sữa hạt xanh của Công ty TNHH Mami Farm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Lộc đã chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao đợt 2 năm 2023.
Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp các chủ thể tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Qua thực hiện Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Nghi Lộc tiếp tục quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.
Đồng thời, chú trọng tạo điều kiện cho các chủ thể về các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất, xây dựng quầy hàng bán sản phẩm OCOP ở các vị trí thuận lợi. Tập trung đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Trong thời gian tới, huyện sẽ điều chỉnh bổ sung vào Đề án 28 sản phẩm mới phù hợp với địa bàn huyện trong giai đoạn hiện nay; phấn đấu đến năm 2025, 100% xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và toàn huyện tối thiểu có 42 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên và có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Xây dựng, phát triển 3-5 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Nguyễn Bá Điệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc