Campuchia hoãn xây đập Trung Quốc tài trợ: Vẫn cần thêm sức ép?

06/03/2015 10:59

Tác động của thuỷ điện đối với môi trường, sinh kế của người dân là rất lớn, khi đã làm rồi thì không có cách gì sửa chữa được.

Chấp nhận đánh đổi hay không?

Thủ tướng Hun Sen của Campchia vừa thông báo hoãn đến năm 2018 việc dự án xây đập thủy điện Stung Cheay Areng ở tỉnh Koh Kong do công ty quốc doanh Sinohydro (Trung Quốc) đầu tư. Dự án này có công suất 108 megawatt với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD.

Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Dragon), ĐH Cần Thơ, cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN): "Công trình này gây nhiều lo ngại về mặt môi trường và xã hội vì có thể làm ngập diện tích đất tự nhiên tới 95 ngàn ha với 30 loài vật hoang dã bị đe dọa và làm khoảng 1300 người dân tộc Chong phải di dời. Việc đánh giá rủi ro là chưa đầy đủ".

Tỏ ra thận trọng, ông Tuấn cho rằng, bởi nhu cầu năng lượng lớn nên Campuchia phải nghĩ đến các dự án thuỷ điện trên các dòng nhánh. Việc động thái hoãn xây đập Stung Cheay Areng ít nhất tới năm 2018 để phân tích lợi - hại, chứ không có nghĩ là bỏ hẳn, mà chính quyền Campuchia vẫn tiếp tục.

Sông Areng, nơi dự tính xây dựng đập thuỷ điện Stung Cheay Areng
Sông Areng, nơi dự tính xây dựng đập thuỷ điện Stung Cheay Areng

Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó Tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn cho rằng, đây là một tín hiệu tốt cho câu chuyện phát triển bền vững, vì môi trường và vì con người khi Chính phủ và các nhà đầu tư biết lắng nghe phản ứng dư luận.

"Xây dựng đập thuỷ điện tác động đến môi trường và sinh kế của người dân. Khi những tác động đó quá lớn và không gì có thể bù đắp thì phải xem xét vấn đề xây hay không xây.

Vì xây thuỷ điện tức là người ta đã đánh đổi đánh đổi môi trường và các vấn đề khác lấy kinh tế, người ta so sánh cái gì người ta cho là lợi hơn thì làm hoặc có một phần do những tác động của những nhóm lợi ích.

Nếu trước khi làm thuỷ điện mà xem xét, đánh giá cho cặn kẽ và được sự đồng thuận của tất cả người dân chịu tác động thì lúc ấy nó không vướng phải sự phản đối nào. Các quốc gia trên cơ sở ấy cũng thấy được rằng tác động của thuỷ điện không phải chỉ có mặt tích cực như họ nghĩ mà vẫn có những mặt tiêu cực, như thuỷ điện Stung Cheay Areng là một ví dụ. Nếu không tác động tiêu cực, mà thấy lấn át được thì chính phủ và các nhà đầu tư đã làm ngay.

Vấn đề là sự đánh đổi ấy người dân có chấp nhận không, chính phủ cùng các nhà đầu tư nhìn nhận câu chuyện ấy như thế nào để bảo đảm cho sự phát triển mang tính công bằng, không gây hại. Đó là nguyên tắc trong sử dụng nước", ông Tứ phân tích.

Đối với Campuchia, cùng với Việt Nam, đây là nước chịu tác động lớn nhất của sông Mekong. Cá, phù sa và nguồn nước đối với Campuchia rất quan trọng, do đó, từ việc hoãn dự án Stung Cheay Areng, chính phủ Campuchia có thể xem xét các dự án thuỷ điện khác một cách tích cực hơn.

"Tác động của thuỷ điện là rất lớn, khi đã làm rồi thì không có cách gì sửa chữa được. Bởi thế, hôm nay không phát triển thuỷ điện thì có thể để dành cho con cháu sau này, nhất là khi hiện đang còn những phương án thay thế tốt hơn, vừa không phá hoại thiên nhiên vừa không tạo áp lực lên câu chuyện di dân", ông nhấn mạnh.

Thực ra, đây không phải là lần đầu Chính phủ một số nước phải dừng dự án thuỷ điện do Trung Quốc tài trợ trước sức ép dư luận. Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu dẫn lại câu chuyện đập thuỷ điện Myitsone của Myanmar cách đây hơn 2 năm.

Đây được xem là đập thuỷ điện rất lớn với công suất thiết kế là 6.000 MW. Toàn bộ chi phí xây dựng dự án này đều do Trung Quốc đầu tư. Theo tính toán khi đó, công trình thủy điện Myitsone sẽ làm mất hơn 70.000 ha khu rừng nguyên sinh, cùng các vùng đất canh tác và cư trú ở đây, nhiều loài động và thực vật sẽ biến mất và tính đa dạng sinh học trong khu vực sẽ sút giảm.

Đập thuỷ điện sẽ làm ngập 47 ngôi làng trong vùng và buộc hơn 10.000 người dân tộc Kachin phải di dời. Rất nhiều cuộc đấu tranh phản đối đập thuỷ điện Myitsone xảy ra khiến chính phủ Myanmar cuối cùng phải tuyên bố đình chỉ việc xây dựng.

Sức ép và thương lượng

Cùng với Campuhia, một câu chuyện khác cũng được ông Tứ nhắc đến khi trao đổi với Đất Việt, đó là các dự án thuỷ điện của Lào trên sông Mekong. Ông cho biết, đối với Lào, Mekong là dòng sông chính, lớn nhất chảy qua đất nước này, do đó, người Lào rất quan tâm đến câu chuyện sông Mekong.

"Hiện nay, Lào muốn phát triển thuỷ điện vì cho rằng lợi ích của thuỷ điện trên Mekong rất lớn, có thể mang lại nguồn lợi rất lớn cho Lào, biến Lào từ nước nghèo trở thành nước giàu. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phát triển dày đặc các đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong tác động rất lớn đến sinh cảnh của Lào, biến Lào trở thành nước toàn hồ".

Bàn đến dự án thuỷ điện Don Sahong đang gây tranh cãi của Lào, theo TS Đào Trọng Tứ: "Thời gian gần đây, có nhiều thông tin Lào đang chịu sức ép rất lớn từ dư luận quốc tế, đặc biệt là các quốc gia sông Mekong. Các nước đều đề nghị Lào phải dừng dự án này để nghiên cứu tiếp tác động của nó".

Dự án 600 triệu đô la trong vùng Siphadone ở miền nam nước Lào chỉ cách biên giới Campuchia chưa đầy 2 km. Thuỷ điện này sẽ sản xuất điện lực để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế trong khu vực, nhưng những người bảo vệ môi trường và các nước láng giềng lo ngại là nó có thể gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái cực kỳ quan trọng để nuôi sống hàng triệu người ở Đông Nam Á.

TS Đào Trọng Tứ chỉ rõ, có 19 dự án thuỷ điện trên dòng chính Mekong, từ Trung Quốc đến Campuchia, trong đó Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn.

"Trung Quốc khai thác tài nguyên của các quốc gia và kiếm lời từ đó. Công ty tài trợ cho dự án thuỷ điện Stung Cheay Areng của Campuchia là Sinohyrdo cũng có tên trong danh sách đầu tư một loạt thuỷ điện trên sông Mekong. Việc hoãn đập thuỷ điện Stung Cheay Areng có lẽ cũng là để nhà đầu tư Trung Quốc tránh dư luận không hay về chuyện ấy".

TS Lê Anh Tuấn lại không lạc quan lắm trong việc Lào hay Campuchia sẽ ngưng việc phát triển thuỷ điện. Còn đối với Trung Quốc, ông cho rằng: "Trung Quốc thì vẫn chưa thay đổi bản tính nước lớn của họ trong các quyết sách trên sông Mekong và các vấn đề tranh chấp khác. Chỉ có sức ép và thương lượng về kinh tế và ngoại giao, chính trị từ bên ngoài mới có thể ngăn chặn ý định này".

Theo Baodatviet.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Campuchia hoãn xây đập Trung Quốc tài trợ: Vẫn cần thêm sức ép?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO