Cần bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm
Nghệ An được ghi nhận là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với nhiều kiểu hệ sinh thái, nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng và đặc hữu. Nhận thấy tầm quan trọng của nguồn gen trong việc bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý hiếm, Nghệ An đã sớm coi việc bảo tồn và lưu giữ nguồn gen là nhiệm vụ quan trọng...
(Baonghean) Nghệ An được ghi nhận là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với nhiều kiểu hệ sinh thái, nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng và đặc hữu. Nhận thấy tầm quan trọng của nguồn gen trong việc bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý hiếm, Nghệ An đã sớm coi việc bảo tồn và lưu giữ nguồn gen là nhiệm vụ quan trọng...
Xác định được nguồn gen là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển nông - lâm nghiệp tại địa phương, trong thời gian qua Nghệ An đã tiến hành nhiều nghiên cứu về nguồn gen tại Nghệ An thông qua những đề tài khoa học như: Bảo tồn nguồn gen vật nuôi Việt Nam, Điều tra cây con đặc sản, quý hiếm ở Nghệ An; Đa dạng sinh học đảo Mắt, đảo Ngư và biển ven bờ; Đa dạng sinh học Khu Phuxalaileng; Đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; Khảo sát, đánh giá, đề xuất hình thức đăng ký bảo hộ các sản phẩm mang địa danh của Nghệ An…
Ngoài ra, các viện, trường đóng trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều đề tài khảo sát, thu thập các nguồn gen như Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ đã xây dựng được các tập đoàn cây ăn quả gồm: tập đoàn cây ăn quả có múi, tập đoàn vải, nhãn, xoài, hồng, thanh long, lạc tiên... rất đa dạng và phong phú; Trường Đại học Vinh đã thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen cấp Bộ năm 2012: Thu thập, lưu giữ và đánh giá nguồn gen các giống lúa nương các huyện miền núi Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Các đề tài, đề án khoa học đã điều tra, khảo sát và tổng hợp được một số lượng khá phong phú các giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Về các giống cây trồng, ở Nghệ An hiện có các nhóm sau: Nhóm cây lúa nương vùng núi cao (Kỳ Sơn, Tương Dương, huyện Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn): có 79 giống, trong đó có 4 giống lúa và 75 giống nếp địa phương; nhóm cây lúa đặc sản vùng núi thấp và đồng bằng (Yên Thành, Thanh Chương, Quỳ Hợp và Nghi Lộc): có 12 giống cây đặc sản, trong đó có 2 giống lúa tẻ và 10 giống nếp; Nhóm rau, củ: có 4 giống khoai địa phương (khoai sọ đen, khoai sọ Kỳ Sơn, khoai vạc đen, khoai vạc tím); nhóm cây có múi: có 63 giống, trong đó có 12 giống bưởi, 24 giống cam, 17 giống quýt và 10 giống chanh; nhóm cây ăn quả đặc sản: có 9 giống (cây bưởi oi, xoài Tương Dương, cam Xã Đoài, hồng Nam Anh, chanh Nam Đàn, cây mít nhút, cây mía hương, cây dưa hồng, cây bưởi Sỹ); Nhóm cây công nghiệp, lâm nghiệp: có 7 giống (đậu tương Nam Đàn, lạc sen, cây vừng đen, cây vừng vàng Diễn Châu, chè Gay Đô Lương, quế Quỳ, cây lùng); nhóm cây rau đặc sản: có 3 giống (bí rẫy, cải canh Kỳ Sơn, dưa chuột). Trong đó, nguồn gen của 10 giống cây lúa nương vùng cao, 20 giống bưởi, 21 giống quýt, 10 giống chanh và cây gốc ghép đang được lưu giữ, bảo tồn.
Về vật nuôi, kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh đã nhận diện được 8 giống trâu, bò, ngựa: trâu Phủ Quỳ, trâu Thanh Chương, bò vàng Nghệ An, bò U đầu rìu, bò H’mông (bò Mèo), bò Lai ZeBu, ngựa Viêt Nam, ngựa H’mông; 4 giống dê, hươu nai: dê cỏ, dê Bách Thảo, hươu sao, thỏ Việt Nam; 3 giống Lợn: lợn Mẹo (lợn H’mông), lợn Vân Tràng Nghệ An, lợn Sao Va; 7 giống gà, vịt, ngan: Gà địa phương Nghệ An, gà H’mông, gà địa phuơng vùng gò đồi Thanh Chương, vịt cỏ, vịt bầu Qùy, ngan cỏ, ngan trâu. Trong đó, các nguồn gen đã được lưu giữ, bảo tồn gồm: bò U đầu rìu, hươu sao, lợn cỏ Nghệ An, lợn Mẹo, lợn Sao Va, vịt bầu Qùy.
Nuôi vịt bầu ở Quỳ Châu. Ảnh: Phạm Bằng.
Các số liệu trên cho thấy, so với con số về giống cây trồng, vật nuôi quý hiện có trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số lượng nguồn gen được lưu giữ, bảo tồn còn quá ít ỏi. Trong khi đó, các cây con đặc sản đang hàng ngày, hàng giờ bị khai thác quá mức làm cho chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn các cây con thông thường. Và sâu xa hơn nưa, nếu để mất các giống cây con đặc sản thì các giá trị tri thức, các giá trị văn hóa gắn liền với chúng cũng sẽ bị mất theo.
Ở Nghệ An và các địa phương khác, việc bảo tồn nguồn gen mới thiên về góc độ văn hóa, chứ chưa nhìn nhận nguồn gen là tư liệu sản xuất, là nguyên liệu ban đầu cho sản xuất nông nghiệp và bảo tồn nhiều giống/dòng/quần thể là điều rất quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia và đời sống nhân dân.
Chính vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số văn bản nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, bảo tồn quỹ gen trên địa bàn cả nước. Thông tư số 18/2010/TT-BKHCN ngày 24/12/2010 về Quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen đã quy định rõ nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen là nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, đánh giá các chỉ tiêu sinh học và tư liệu hoá nguồn gen. Công văn số 3514/BKHV-CNN ngày 29/11/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn từ nay đến 2020 đã được các địa phương trong nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng tiếp nhận, triển khai.
Tuy nhiên, để có thể đề xuất được danh mục bảo tồn nguồn gen cây con bản địa một cách đầy đủ, hợp lý, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành trong tỉnh và sự quan tâm của người dân, của xã hội và cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Xây dựng bộ máy, hệ thống tổ chức bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi đang nằm rải rác trong các cộng đồng dân cư trên khắp cả tỉnh Nghệ An, ở địa bàn đồng bằng, trung du và miền núi. Phải có hệ thống quản lý, mạng lưới đủ mạnh, rộng khắp trên tất cả vùng miền của tỉnh; Tổ chức công tác bảo tồn và đánh giá nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa; Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin nguồn gen cũng như khai thác và sử dụng nguồn gen cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý, hiệu quả.
Có thể nói, việc bảo vệ nguồn tài nguyên cây con đặc sản quý hiếm không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương mỗi dân tộc. Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhiệm vụ quỹ gen, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương thì việc xây dựng đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2013-2020, trong đó không thể không kể đến nguồn gen cây trồng, vật nuôi, là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay góp phần làm căn cứ để xây dựng và lựa chọn các nhiệm vụ quỹ gen cho kế hoạch hàng năm.
Lê Hiền (Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học Nghệ An)