Cần biện pháp mạnh tay

29/10/2012 18:33

(Baonghean.vn) - Nhiều năm qua, việc vận chuyển trâu bò để đưa về miền xuôi tiêu thụ ở khu vực Nậm Cắn, Kỳ Sơn đã trở thành nghề chính của một bộ phận người dân vùng núi cao này. Để có thể hạn chế, kiểm soát vấn đề lây lan dịch bệnh trên gia súc qua vận chuyển, rất cần những biện pháp đủ mạnh.

Phó Chi cục Thú y tỉnh- ông Trần Minh Hạnh cho biết: Hiện vẫn còn một số lượng lớn trâu bò vận chuyển nội tỉnh, nhất là trâu bò vận chuyển từ Kỳ Sơn (chủ yếu là xã Nậm Cắn) về các huyện miền xuôi chưa kiểm soát và soát và kiểm dịch được. Tại khu vực gần cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) hiện có 8 điểm tập kết trâu bò. Trâu bò được đồng bào vùng biên giới huyện Kỳ Sơn mua về để vỗ béo và bán lại. Hàng ngày, để tránh sự kiểm tra của các ngành chức năng, sau khi được thu gom, các chủ hàng thuê người dân địa phương dắt qua các con đường tiểu ngạch và tập trung tại các điểm tập kết để vận chuyển về các huyện miền xuôi tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày, lượng trâu bò được vận chuyển từ huyện Kỳ Sơn theo đường QL 7 về các huyện miền xuôi từ 1-2 xe với số lượng từ 20- 25 con, những ngày trước phiên chợ Ú (Đô Lương), số lượng trâu bò được tập kết về tăng hơn hẳn- lên đến 5- 7 xe với khoảng 190- 200 con.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu bò qua biên giới, huyện Kỳ Sơn đã thành lập tổ liên ngành, trong đó có sự tham gia của cả lực lượng công an, kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Trâu, bò trước khi lưu thông được bấm thẻ tai, phun khử trùng tiêu độc bằng hóa chất Ben cô xít và cấp hồ sơ giấy chứng nhận kiểm dịch nội tỉnh. Đồng thời, Chi cục thú y tỉnh chỉ đạo xã Nậm Cắn thông báo, tuyên truyền với người dân khi mua bán trâu bò phải khai báo với chính quyền xã và phải tập trung tại nơi cách ly, sau đó báo cáo với Trạm thú y huyện Kỳ Sơn để thực hiện kiểm dịch, yêu cầu xã xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành.

Tuy nhiên, do lượng trâu, bò quá lớn nên không thể kiểm tra, giám sát hết. Vẫn còn thực trạng các tư thương buôn bán trâu bò không khai báo kiểm dịch, luôn tìm mọi cách trốn tránh để không mất thời gian chờ đợi làm thủ tục kiểm dịch, giảm các loại chi phí và thời gian nuôi cách ly. Do vậy một lượng lớn trâu bò, trong đó có cả số trâu bò mắc bệnh khi vận chuyển về các huyện miền xuôi chưa qua kiểm dịch đã gây khó khăn cho công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Trong khi đó, trách nhiệm của huyện Kỳ Sơn và xã Nậm Cắn trong việc chỉ đạo quy hoạch xây dựng khu tập trung thu gom trâu, bò cách ly kiểm dịch, chỉ đạo các ngành liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan thú y trong việc kiểm dịch, kiểm soát, xử lý vi phạm vận chuyển động vật vẫn chưa đồng bộ.

Để công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu, bò qua biên giới tại huyện Kỳ Sơn đi vào hoạt động có hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh, trước hết, huyện Kỳ Sơn cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại lây lan dịch bệnh của việc vận chuyển trâu bò không qua kiểm dịch, cũng như các quy định về vấn đề này. Đồng thời, khẩn trương xúc tiến việc quy hoạch, xây dựng khu tập kết thu gom trâu bò nuôi cách ly tại xã Nậm Cắn để thực hiện kiểm dịch theo quy định; Thiết lập chốt kiểm dịch tạm thời tại vị trí trọng điểm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Trần Minh Hạnh, cần thực hiện tuyên truyền trong dân về việc tiêm phòng bắt buộc các loại vacxin LMLM, tụ huyết trùng trâu bò, đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với thương lái, những người tham gia buôn bán trâu bò từ huyện Kỳ Sơn chỉ được thu mua những gia súc khỏe mạnh, đã được tiêm phòng. Với trâu, bò có nguồn gốc từ Lào về huyện Kỳ Sơn, Chi cục thú y sẽ lấy mẫu xét nghiệm, giám sát các bệnh như sẩy thai truyền nhiễm, lao bò./.


Phú Hương

Mới nhất
x
Cần biện pháp mạnh tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO