Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

20/01/2012 14:54

(Baonghean.vn) - Nhân dịp đầu năm mới Nhâm Thìn và đồng chí Phan Đình Trạc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An vừa dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về, Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ một số vấn đề xung quanh nội dung Hội nghị.

(Baonghean.vn) - Nhân dịp đầu năm mới Nhâm Thìn và đồng chí Phan Đình Trạc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An vừa dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về, Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ một số vấn đề xung quanh nội dung Hội nghị.

Phóng viên: Xin đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Tại sao Hội nghị Trung ương 4 lại đưa ra những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, và đó là những vấn đề gì?


Đồng chí Phan Đình Trạc: Chúng ta sẽ được quán triệt kỹ Nghị quyết Trung ương 4, nhưng tôi xin nói vắn tắt như sau:
Lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.


Xuất phát từ bối cảnh quốc tế, từ thực trạng tình hình hiện nay và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 vừa qua đã xác định ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đó là: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.



Đồng chí Phan Đình Trạc kiểm tra tình hình thiệt hại của người dân Kỳ Sơn sau đợt lũ quét tháng 6/2011. Ảnh: THANH LÊ


Ba nội dung trên có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất; vấn đề thứ 2, thứ 3 vừa là vấn đề cấp bách, vừa là giải pháp để thực hiện vấn đề thứ nhất.

Phóng viên: Theo đồng chí, nội dung, yêu cầu cốt lõi của từng vấn đề cấp bách trên là gì?


Đồng chí Phan Đình Trạc: Nội hàm của tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống tương đối rộng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống biểu hiện dưới nhiều hình thức, vừa tinh vi, vừa công khai, có khi lẫn lộn "trắng đen" khó xác định. Theo tôi, cần xác định mấy nội dung cụ thể sau đây để đánh giá tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên:


- Nói, viết và làm theo đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


- Vai trò tiên phong, gương mẫu, giữ gìn của cán bộ, đảng viên (cả bản thân và gia đình).


- Trung thực, thẳng thắn, công tâm, khách quan, thấy đúng bảo vệ, thấy sai đấu tranh với động cơ trong sáng, ý thức xây dựng cao.


- Khiêm tốn, trách nhiệm, tâm huyết hiệu quả đối với công việc chung, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm.


- Sát dân, lắng nghe dân, quan tâm xử lý các vấn đề bức xúc của dân, chống quan liêu.


- Thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Ở đây cần lưu ý trong việc xử lý mất đoàn kết nội bộ, phải phân biệt được nguyên nhân do đâu: một bên đúng, một bên sai mà bên sai không chịu nhận để sửa thì không thể đoàn kết một chiều được, do đó phải xử lý bên sai chứ không thể xử lý cả 2 bên như lâu nay ta vẫn làm. Có như vậy mới đảm bảo đoàn kết thực sự, khuyến khích tự phê bình và đấu tranh phê bình để đoàn kết.


Về xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trước hết, cần xác định rõ các tiêu chí để đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí, sử dụng cán bộ đúng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải: có tâm, có tầm, có phương pháp tốt và tâm huyết, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuỳ từng đối tượng cán bộ và lĩnh vực công tác để cụ thể hoá "cái tâm" và "cái tầm" cho phù hợp.

Điều kiện bổ nhiệm, cán bộ cấp trên phải qua chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới (Bộ trưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trở lên phải qua chức vụ chủ chốt cấp tỉnh; Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, HĐND, Uỷ viên Ban Thường vụ cấp tỉnh phải qua chức vụ chủ chốt cấp huyện; các chức vụ tương tự ở cấp huyện phải qua chức vụ chủ chốt cấp xã). Phải có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ cán bộ tốt, lăn xả, trách nhiệm, tâm huyết, dám đấu tranh vì lẽ phải. Trong xử lý sai phạm của cán bộ, phải phân biệt rành mạch sai phạm do hăng hái đổi mới vì lợi ích chung, vì Đảng, vì dân, với sai phạm do động cơ cá nhân, không trong sáng.


Tình trạng tương đối phổ biến hiện nay là không rõ trách nhiệm cá nhân, thường dựa dẫm vào tập thể, không rõ ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Nhiều trường hợp có trách nhiệm, thẩm quyền mà không dám quyết, không dám hành động, chờ xin ý kiến tập thể, vì sợ trách nhiệm.

Để xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cần cụ thể hóa nguyên tắc: "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; cần có cơ chế kiểm soát, hạn chế được tiêu cực của người đứng đầu, tạo điều kiện cho người đứng đầu phát huy cái tốt, bảo vệ được người đứng đầu tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không bị tập thể vô hiệu hóa do phần nhiều lá phiếu không khách quan với động cơ không trong sáng. Không kỷ luật cá nhân trong trường hợp tập thể sai, nhưng cá nhân đó bảo lưu ý kiến của mình.


Phóng viên: Chắc chắn Trung ương sẽ có giải pháp cụ thể để thực hiện bằng được 3 vấn đề cấp bách nói trên, nhưng theo đồng chí cần có những giải pháp gì để đảm bảo tính khả thi?


Đồng chí Phan Đình Trạc: Theo tôi, cần thực hiện mấy nhóm giải pháp cơ bản sau đây:

1/ Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, vai trò tiên phong gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp trên và người đứng đầu. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: "Cần phân tích thật sâu sắc những nguyên nhân chủ quan, chỉ ra những căn bệnh gốc rễ, như: do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân;... nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm..."(1); và "Từng cán bộ, đảng viên từ cấp cao đến cơ sở cùng làm. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động"(2). Cán bộ cấp cao, cấp trên phải "tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại"(3). Phải phát huy dân chủ thực sự, có tình thương yêu đồng chí thực sự, thẳng thắn, chân tình, cầu thị trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình thì mới có hiệu quả.


2/ Thực hiện có hiệu quả quy định về chất vấn trong sinh hoạt Đảng, trước hết là trong sinh hoạt cấp uỷ các cấp.


3/ Xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát, góp ý xây dựng Đảng; cơ chế giám sát, quản lý đảng viên của chi bộ; cơ chế kiểm soát, xử lý sai phạm, tiêu cực của người đứng đầu, đồng thời bảo vệ được người đứng đầu tốt; cơ chế đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm, đề bạt để chọn và bảo vệ được cán bộ tốt, loại cán bộ xấu ra khỏi bộ máy, thay thế kịp thời những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


4/ Quy định rõ thẩm quyền, nội dung, phạm vi lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.


5/ Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng (Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quán triệt nghị quyết, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, cán bộ và đại biểu dân cử trực tiếp đối thoại với dân, cập nhật thông tin mới, bồi dưỡng lý luận mới...).


6/ Có chế độ, chính sách đãi ngộ cán bộ hợp lý đảm bảo công bằng, thống nhất, theo mức độ cống hiến, theo chức vụ, hiệu quả công việc; chống đặc quyền, đặc lợi.


Phóng viên: Đồng chí có nhắn gửi gì nhân dịp năm mới?


Đồng chí Phan Đình Trạc: Nhân dịp mừng Đảng 82 tuổi, mừng Xuân mới Nhâm Thìn, tôi xin gửi tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà sang năm mới đoàn kết, đồng thuận hơn nữa, giành nhiều thắng lợi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! Kính chúc đồng chí năm mới sức khoẻ và hạnh phúc!


Phóng viên Báo Nghệ An thực hiện

(1): Trích bài phát biểu Khai mạc Hội nghị TW4, khoá XI.

(2): Trích bài phát biểu Bế mạc Hội nghị TW4, khoá XI.

(3): Trích bài phát biểu Bế mạc Hội nghị TW4, khoá XI.

Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO