Cán bộ Mặt trận vận động dân trồng mía làm giàu

15/04/2012 17:26

(Baonghean) - Trước đây, hàng chục hộ dân thuộc các dân tộc như Thái, Đan Lai, Khơ Mú... của bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông quanh năm thiếu ăn, phải nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Những khó khăn đó chỉ là "quá khứ", bởi giờ đây họ đã có một cán bộ Mặt trận biết "rủ" bà con dân bản làm kinh tế. Đó là bà Lộc Thị Hoàng - Cán bộ Mặt trận bản Bãi Gạo.

"Mình đi đầu dân mới theo"


Bản Bãi Gạo (xã Châu Khê) có 87 hộ với hơn 362 nhân khẩu. Những năm về trước, đồng bào ở đây chỉ biết trồng các loại hoa màu như ngô, đậu, lạc...; các sản phẩm nông nghiệp này chỉ đủ phục vụ trong gia đình. Cái vòng luẩn quẩn nghèo đói cứ bám lấy đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Thế rồi, tia sáng no đủ đã lóe lên khi cây mía về bản, người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi những cây trồng truyền thống để trồng mía. Người làm nên việc chuyển đổi này chính là "bà Hoàng mặt trận". "Năm 1999, cả bản chỉ có một vài hộ trồng thử, gia đoạn đầu do không nắm vững kỹ thuật trồng, bón phân nên mía phát triển không đều, thân què quặt. Rồi mình với bà con dân bản được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của nhà máy đường, đến nay dân bản mình có cái ăn cái để rồi", đó là lời tâm sự của bà Lộc Thị Hoàng - Trưởng ban công tác Mặt trận bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông.



Xe chở mía của nhà máy đường sông Lam đã vào tận ruộng để tiêu thụ
sản phẩm cho bà con.


Theo bà Hoàng, mình là cán bộ thì phải gương mẫu trước cho bà con làm theo. Vào thời điểm đó, để chuyển sang trồng mía nhiều người dân ở đây không đồng ý, vì họ cho rằng không trồng ngô, sắn lấy gì mà ăn. Trước kia, làm hoa màu 1 năm 3 vụ trồng ngô, sắn nhưng không hiệu quả, cảnh thiếu ăn vẫn còn, cho nên khi chuyển sang trồng mía mọi người dân vẫn còn nghi ngờ, cho rằng cái hiện hữu như ngô, đậu, lạc, sắn mà còn đói thì nay trồng mía lấy đâu ra ngô mà nấu ăn hàng ngày. Nhưng rồi, vượt qua mọi tư duy lạc hậu, bà Hoàng cùng với cán bộ thôn bản đã vận động, tuyên truyền nhân dân chuyển dần diện tích trồng ngô, sắn sang trồng mía để hôm nay, chính cây mía đã đổi thay cuộc sống của bà con dân tộc Thái, Đan Lai, Khơ Mú nơi đây.


Bản 13 năm "nói không với sinh con thứ ba"


Theo thông kê, đến nay toàn bản Bãi Gạo có hơn 30 ha đất trồng mía và có đến 95% hộ dân trồng loại cây này. Mặc dù, 1 năm chỉ thu hoạch được 1 vụ, nhưng so với trồng hoa màu thì trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn, bình quân mỗi hộ cho thu nhập từ 30 - 45 triệu đồng.


Gia đình bác Lộc Văn Ưng- trồng hơn 5 sào mía, cho biết: "Từ khi trồng mía, nhà mình không còn đói nữa, cây mía nó tốt hơn cây ngô, cây sắn, khi có cái ăn mình lại cho con học hành để theo cái chữ đem về giúp dân bản".


Kinh tế phát triển, bản Bãi Gạo có điều kiện chăm lo các hoạt động văn hóa, xã hội, là đơn vị đầu tiên của huyện miền núi Con Cuông đạt danh hiệu Làng văn hóa cách đây đã gần chục năm. Và đặc biệt, hơn 13 năm qua không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ ba. Hiện nay, toàn bản có 9 em đang theo học các trường ĐH, CĐ, 3 em học trung cấp và hàng chục em đang theo học các cấp từ mầm non đến THPT, không còn tình trạng bỏ học trong độ tuổi.

Về chuyện người trong bản không sinh con thứ ba, bà Hoàng phân tích: "Người dân mình họ nghe cán bộ về tuyên truyền, sinh con đông khổ lắm, không có cái mặc, không được đi học nên 13 năm nay bản mình không có vợ chồng nào sinh đứa thứ ba nữa". Trò chuyện với chúng tôi, bà Vi Thị Khằm - Chủ tịch MTTQ xã Châu Khê đánh giá: "Đây là bản có kinh tế phát triển nhất của xã, nhờ áp dụng quy hoạch trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, bản Bãi Gạo không có tệ nạn xã hội từ chục năm nay".


Bắc Vũ

Mới nhất
x
Cán bộ Mặt trận vận động dân trồng mía làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO