Con Cuông

Cận cảnh 'ở nhờ, học nhờ' của cô và trò trường PT DTNT Con Cuông

Tiến Hùng - Mỹ Hà

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News

(Baonghean.vn) - Trường PT DTNT Con Cuông được xem là trường điểm của huyện nhà. Vậy nhưng, nhiều năm nay, trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó lý do chính là cơ sở vật chất không đảm bảo. Đây cũng là ngôi trường nội trú duy nhất trong toàn tỉnh chưa có trường dù đã thành lập 10 năm.

bna_ảnh - Mỹ Hà.jpg
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông được thành lập ngày 26/8/2013, dành cho những em học sinh dân tộc thiểu số nổi trội trên địa bàn huyện. 10 năm qua, trường đã 2 lần chuyển địa điểm nhưng cả hai lần đều là đi mượn. Ngày mới thành lập, do nhà trường chưa được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, nên phải mượn cơ sở cũ của Trường THCS Bồng Khê tại thôn Thanh Nam, do trường này sáp nhập vào Trường THCS thị trấn Con Cuông. Sau cơn "lũ chồng lũ" năm 2018, trường bị ngập sâu. Để đảm bảo an toàn, trường được di dời ra thị trấn và mượn tạm cơ sở của Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An. 5 năm trở lại đây, hoạt động của trường gói gọn trong 12 phòng học và khoảng sân bị chia nhỏ phía trước. Trong đó, một phần diện tích sân được trường dạy nghề dùng để tổ chức dạy sát hạch lái xe. Ảnh: Mỹ Hà
bna_3.jpg
Thiếu sân bãi, mọi hoạt động sinh hoạt tập thể của nhà trường gần như bị đóng băng. Điều này, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của giáo viên và học sinh, nhất là khi hiện tại nhà trường đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Tiến Hùng
bna_4.jpg
Trước đó, mô hình trường nội trú được xem là nơi quy tụ những học sinh người dân tộc thiểu số xuất sắc nhất trên địa bàn về học tập. Học sinh ở trường được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, được tuyển thẳng vào trường THPT trên địa bàn. Tuy nhiên, dù nhiều năm nay, Trường PT DTNT THCS Con Cuông là trường có chất lượng hàng đầu của huyện nhưng có một nghịch lý là tuyển sinh không đủ chỉ tiêu hoặc có nhiều em một thời gian ngắn ra nhập học là xin chuyển về. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Lô Văn Thiệp - Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Năm học này trường chúng tôi có chỉ tiêu 105 em nhưng chỉ tuyển sinh được 96 em. Lý do là bởi trường có đủ phòng học đảm bảo 3 lớp nhưng lại không có chỗ ở cho các em nội trú. Ảnh: Tiến Hùng
bna_.jpg
Trường hiện chỉ mượn được 12 phòng học nên chủ yếu ưu tiên cho học sinh. Hai phòng còn lại, một phòng là nơi làm việc chung của ban giám hiệu nhà trường, kế toán, thủ quỹ, một phòng sử dụng để làm phòng chờ. Ảnh: Mỹ Hà
bna_6.jpg
Để có đủ phòng làm việc, nhà trường phải tận dụng cả khoảng không gian nhỏ hẹp bên cạnh cầu thang. Nơi đây trở thành nơi làm việc, để đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm và cả phòng y tế. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt - nhân viên y tế nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất quá thiếu thốn ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình làm việc. Như với y tế, trước đây, vì không có phòng, mỗi khi học sinh xảy ra sự cố chúng tôi lại phải lấy xe chở sang khu ký túc xá rất mất thời gian và nguy hại đến sức khỏe các em. Ảnh: Mỹ Hà
bna_7.jpg
Chiếc giường dưới chân cầu thang vốn được dùng cho phòng y tế. Tuy nhiên, vì thiếu nơi sinh hoạt chuyên môn nên vào những tiết trống giáo viên thường xuống đây để tranh thủ xem lại các bài giảng. Cô giáo Hương Giang (áo xanh) - giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên cũng nói rằng: Hiện nay môn học của chúng tôi có rất nhiều tiết thực hành nhưng chúng tôi không có điều kiện để thực hiện vì không có phòng thực hành, không có hóa chất, không có ống nghiệm. Thay vào đó, chúng tôi cho học sinh xem các video mô phỏng trên máy tính nhưng rõ ràng so với việc học sinh được tiếp cận thực tế thì việc chỉ xem mô phỏng sẽ thiếu hiệu quả. Ảnh: Tiến Hùng
bna_Ảnh - Tiến Hùng.jpg
Ngoài đang mượn cơ sở vật chất của trường dạy nghề, hơn 300 học sinh nội trú của trường lại phải đang đi ở nhờ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp của huyện. Địa điểm này cách trường học khoảng nửa cây số nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đây cũng là nơi để học sinh học các tiết thực hành như Tin học, tiếng Anh và một số phòng chuyên môn của nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà
bna_12.jpg
Sau 10 năm hoạt động, khoảng sân được trưng dụng làm nơi ăn, nơi học tập buổi tối và nơi sinh hoạt trước trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp là nơi duy nhất có gắn biển của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Con Cuông. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ khuôn viên này cũng đã xuống cấp trầm trọng do đã đi vào sử dụng hơn 30 năm. Điều kiện sinh hoạt của học sinh và giáo viên ở đây vì vậy cũng rất khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng
bna_9.jpg
Khu vực bếp ăn cho hơn 300 học sinh nội trú quá tạm bợ, thiếu thốn, không đủ đảm bảo theo quy trình bếp 1 chiều và các điều kiện về bếp ăn tập thể. Ảnh: Mỹ Hà
IMG_0635.JPG
Dãy phòng ở cho học sinh nam đã xuống cấp. Vào mùa nắng, để tránh nóng cho học sinh, nhà trường phải phun nước thường xuyên lên mái tôn. Nhà trường cũng phải tạo điều kiện để các em tắm trưa hoặc cho các em nghỉ hè sớm nếu thời tiết quá khắc nghiệt. Ảnh: Tiến Hùng
bna_10.jpg
Dù đã cố gắng sắp xếp và tạo cho học sinh nề nếp nhưng với diện tích nhỏ, mỗi phòng chỉ chứa từ 25 - 30 học sinh, việc sinh hoạt, ăn ở của học sinh trường nội trú hết sức khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng
bna_11.jpg
Khu vực ký túc xá dành cho học sinh nữ còn cám cảnh hơn bởi toàn bộ chỉ là những căn phòng tạm bốn bề là tôn. Trong diện tích khoảng 30m2 nhưng có đến 45 học sinh nữ cùng sinh hoạt. Ảnh: Tiến Hùng
bna_11.jpg
Với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, điều mong mỏi lớn nhất của tập thể giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Con Cuông đó là sớm có một ngôi trường của riêng mình. Trước đó, từ năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Con Cuông. Dự án có tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, với đầy đủ các hạng mục, như dãy nhà học, nhà ở nội trú, nhà ăn, nhà thi đấu, nhà hiệu bộ… Địa điểm xây dựng ở thôn Trà Bồng, xã Bồng Khê. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án huyện Con Cuông thực hiện, với thời gian là 3 năm kể từ ngày khởi công. Thế nhưng, cho đến nay, khu vực này vẫn chỉ là một bãi đất trống. Ảnh: Mỹ Hà

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.