Cần chính sách thuế xuyên suốt, ổn định
Dự thảo mới nhất về phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đang được lấy ý kiến và chỉnh sửa lần cuối trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành. Một trong những yếu tố tác động mạnh tới thị trường ôtô được các nhà hoạch định chính sách và nhiều DN thống nhất là chính sách thuế cần dài hạn, minh bạch.
Dự thảo mới nhất về phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đang được lấy ý kiến và chỉnh sửa lần cuối trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành. Một trong những yếu tố tác động mạnh tới thị trường ôtô được các nhà hoạch định chính sách và nhiều DN thống nhất là chính sách thuế cần dài hạn, minh bạch.
Ngành công nghiệp ô tô mới chỉ dừng ở nhập khẩu linh kiện và lắp ráp
Thị trường đang tăng trưởng âm
Tiến sĩ Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)- đơn vị được giao xây dựng dự thảo - cho biết: Mục tiêu là xây dựng ngành ôtô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước vào năm 2020. Trong đó, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe khách, xe tải thông dụng và một số loại xe con; tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô khu vực, xuất khẩu xe nguyên chiếc, giảm nhập siêu và hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển. Thực tế cho thấy, cơ hội của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khá lớn khi bối cảnh quốc tế và xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư nước ngoài, công nghiệp ôtô cũng có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ASEAN và châu Á.
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, thị trường ôtô đã đi theo đồ thị hình sin thấy rõ và thời điểm này đồ thị đang xuống dốc. Cụ thể, giai đoạn 2000- 2005 tăng trưởng 21,9%, giai đoạn 2006 – 2009 tăng tới 47,5% và 2010- 2012 mức tăng trưởng về âm 21,6%. Những nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất vẫn là các chính sách phát triển chưa phù hợp, sức cầu của thị trường nhỏ, trình độ phát triển nền kinh tế còn thấp, hạn chế về nguồn lực… Đến nay, ngành công nghiệp ôtô vẫn chỉ dừng ở việc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp chứ tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Chính sách thuế là “chìa khóa” mở cửa thị trường
Nhiều chính sách để kích cầu thị trường với những định hướng cụ thể riêng cho nhà sản xuất, người tiêu dùng với mục tiêu kích cầu và phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đưa ra, trong đó tập trung nhiều vào chính sách thuế. Cụ thể như với phân khúc xe dưới 10 chỗ đang được ưa chuộng, có tác động mạnh tới lượng cầu, nhà hoạch định chính sách đã đưa ra phương án giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu. Với dòng xe chiến lược: Miễn hoặc giảm tối thiểu 70% thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại lệ phí khác.
Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn cần một chiến lược tổng thể với chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, xuyên suốt, thống nhất, có thời hạn để DN triển khai các kế hoạch kinh doanh. Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki - bày tỏ: “Tại sao mười mấy năm nay Việt Nam không nội địa hóa được ôtô. Phải chăng các công ty Nhật Bản và nước ngoài không có nội địa hóa tại Việt Nam. Thực tế là do phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ, trước đây chúng ta đã đưa ra chiến lược cho phát triển công nghiệp ôtô quá ngắn, trong khi ngành công nghiệp này khá phức tạp, đầu tư cho ôtô ít nhất phải 30 năm và có chính sách ổn định”.
Đại diện của Honda Việt Nam cho rằng:
Việc giảm thuế đối với một DN đơn lẻ thế nào cũng được, miễn là có lợi nhuận. Tuy nhiên để phát triển ngành công nghiệp ôtô thì phải có một chính sách tổng thể cùng chính sách thuế hợp lý để hỗ trợ cho tất cả DN trong lĩnh vực này.
Theo Baocongthuong - PH