Cần có chế tài kiểm soát giá cước vận tải
(Baonghean) - Trong 6 tháng qua, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm đến 30%, theo đó giá xăng dầu trong nước cũng giảm sâu. Tại thời điểm đầu tháng 7 giá xăng dầu tăng đến “đỉnh” là 25.440 đồng/lít, sau 10 lần giảm giá liên tục, tổng số tiền giảm giá lên đến 5.400 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm tới mức kỷ lục từ trước đến nay, nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm gây bức xúc trong dư luận.
Sau khi Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, kiểm tra đôn đốc việc giảm giá cước vận tải thì các doanh nghiệp vận tải mới rục rịch giảm giá một cách nhỏ giọt. Tại TP. Hồ Chí Minh, cuối tháng 11 các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi mới kê khai giảm giá cước từ 2,7 - 9%, vận tải hành khách tuyến cố định kê khai giảm giá cước từ 2 - 11,3%. Tại Hà Nội, đến hết tháng 11 mới có 71 doanh nghiệp vận tải giảm giá cước, trong đó có 52 doanh nghiệp Taxi, 17 doanh nghiệp vận tải hành khách và 2 doanh nghiệp vận tải Container. Hãng Taxi Mai Linh là doanh nghiệp tiên phong trong việc giảm giá nhưng cũng chỉ giảm giá cước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ 500 đồng - 2.000 đồng/km; tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Nguyên từ 1.000 - 2.000 đồng/km. Theo đánh giá của Bộ Tài chính thì đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa thực hiện kê khai giảm giá vận tải.
Từ trước đến nay, cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá ước tính có 80 - 90% doanh nghiệp vận tải tăng cước phí. Nhưng khi giá xăng dầu liên tục giảm sâu, các doanh nghiệp vận tải vẫn cố tình không giảm giá hoặc giảm giá nhỏ giọt. Khi được kiểm tra thì họ đưa ra nhiều lý do: việc kê khai giảm giá phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian; việc kiểm định, điều chỉnh lại đồng hồ tính giá cước phải chờ đợi lâu (đối với taxi); việc tính toán giảm giá không chỉ căn cứ giá nhiên liệu mà còn phải tính toán các yếu tố khác. Thực chất, nguyên nhân không giảm giá hoặc giảm giá chậm là do các doanh nghiệp vận tải tranh thủ thời cơ để tăng lợi nhuận, từ đó gây thiệt hại lớn cho nhân dân.
Trước tình trạng xăng dầu giảm giá nhưng giá cước vận tải không giảm hoặc giảm chậm đang có những quan điểm trái chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải: Chi phí cấu thành giá vận tải bao gồm rất nhiều loại (xăng dầu, khấu hao phương tiện, chi phí sửa chữa, chi phí nhân công, phí cầu đường, bến bãi); trong đó chi phí nhiên liệu đối với xe chạy xăng chiếm từ 25 - 35%, đối với xe chạy dầu chiếm từ 35 - 40%. Nếu tính riêng tác động của việc giảm giá nhiên liệu và cố định các yếu tố khác thì mức giảm hiện nay của các hãng vận tải từ 5 - 8% là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cách lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn chưa thuyết phục được dư luận.
Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp vận tải tự động giảm giá khi giá xăng dầu giảm. Chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải giảm giá cước khi xăng dầu giảm giá cũng chưa có. Bởi vậy, các doanh nghiệp đều tranh thủ chậm giảm giá để thu lợi nhuận. Đến đợt giảm giá xăng dầu lần này, Bộ Giao thông Vận tải mới chính thức gửi văn bản yêu cầu các địa phương có các giải pháp quản lý giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với giá nhiên liệu. Như vậy, từ trước tới nay việc kiểm soát giá cước vận tải trên thị trường coi như bị “thả nổi”.
Từ đợt biến động lớn về giảm giá xăng dầu trong thời gian vừa qua đã bộc lộ sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Khi xăng dầu giảm giá, doanh nghiệp vận tải không giảm giá thì hình thức xử lý như thế nào? nếu xử phạt thì cơ quan nào có thẩm quyền, mức xử phạt cụ thể ra sao? Do chưa có chế tài cụ thể nên khi xăng dầu giảm giá, cước phí vận tải có được giảm hay không và giảm bao nhiêu là do doanh nghiệp tự giác, Nhà nước không thể kiểm soát được. Để khắc phục tình trạng này cần phải có những quy định cụ thể. Nhà nước phải đưa ra cơ cấu khung giá thành vận tải, trong đó tính toán tỷ lệ nhiên liệu hợp lý cho từng loại phương tiện. Trên cơ sở đó bắt buộc các doanh nghệp vận tải phải hạ giá cước tương ứng khi xăng dầu giảm giá, khi xăng dầu tăng giá cũng chỉ được tăng giá cước trong giới hạn cho phép. Cần siết chặt quản lý giá cước vận tải bằng những chế tài cụ thể, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những doanh nghiệp không giảm giá cước hoặc giảm giá chậm khi xăng dầu giảm giá.
Trần Hồng Cơ