Cần có chính sách nhằm xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới chợ
(Baonghean.vn)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng cộng 370 chợ đang hoạt động. Trong đó ở khu vực thành thị có 48 chợ, khu vực nông thôn 322 chợ. Trong tổng số chợ đang hoạt động hiện nay có 6 chợ hạng 1 (gồm 1 chợ đầu mối nông sản); 20 chợ hạng 2; 166 chợ hạng 3 và 178 chợ cóc, chợ tạm. Mặc dù vậy, so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta, hiện nay nhu cầu phát triển mạng lưới chợ truyền thống là rất lớn
(Baonghean.vn)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng cộng 370 chợ đang hoạt động. Trong đó ở khu vực thành thị có 48 chợ, khu vực nông thôn 322 chợ. Trong tổng số chợ đang hoạt động hiện nay có 6 chợ hạng 1 (gồm 1 chợ đầu mối nông sản); 20 chợ hạng 2; 166 chợ hạng 3 và 178 chợ cóc, chợ tạm. Mặc dù vậy, so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta, hiện nay nhu cầu phát triển mạng lưới chợ truyền thống là rất lớn.
Một khu chợ tạm ở Nghi Phú - Tp Vinh
Chợ Phong Toàn ( Tp Vinh) mới được đầu tư xây dựng
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn TP Vinh có 25 chợ, Thanh Chương có 36 chợ, Diễn Châu 35 chợ, Quỳnh Lưu có 48 chợ, Yên Thành có 25 chợ... và tại các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, Quỳ Châu mỗi huyện chỉ có 4 -5 chợ. Việc phát triển hệ thống chợ truyền thống đã giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giao lưu hàng hóa và tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống chợ truyền thống phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chợ đến năm 2020 (Quyết định số 5759/QĐ-UBND ngày 27/01/2011). Theo đó, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 500 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2 và 420 chợ hạng 3. Cùng với đó điều chỉnh quy mô đầu tư, nâng cấp hạn một số chợ như: Điều chỉnh chức năng 1 chợ từ hạng 1 thành trung tâm thương mại; Đ chợ Phủ Diễn ( Diễn Châu) ra khỏi quy hoạch; Bổ sung 100 chợ vào quy hoạch. Trong đó: Thành phố Vinh (8 chợ ); Yên Thành (2 chợ); Tân Kỳ (3 chợ); Quỳnh Lưu (19 chợ); Anh Sơn (8 chợ); Nghĩa Đàn (9 chợ); Con Cuông (3 chợ); TX Thái Hòa (5 chợ); Tương Dương (6 chợ); Kỳ Sơn (6 chợ); Quỳ Hợp (4 chợ); Quế Phong (03 chợ)... Và bổ sung 29 chợ thuộc mạng lưới chợ biên giới (3 chợ cửa khẩu, 26 chợ biên giới) với tổng diện tích đất cần sử dụng là 2.897.182 m2.
Để thực tốt việc quy hoạch và phát triển hệ thống chợ, các cấp, ngành chức năng cần công khai quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ được phê duyệt và định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy hoạch. Tại các địa phương cần có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ phù hợp với quy hoạch và tiến hành theo dõi, rà soát quy hoạch từng thời kỳ, tình hình phát triển của các vùng miền để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Theo cán bộ ngành Công thương cho hay: Trong thời gian tới, việc xây dựng chợ phải thực hiện theo quy đinh và tiêu chuẩn tại Quyết định số 13/2006/QĐ-BXD ngày 19/4/2006 về “chợ - tiêu chuẩn thiết kế” nhằm đảm bảo chợ theo đúng tiêu chuẩn quy mô, đảm bảo công tác PCCC, xử lý rác thải, cấp thoát nước, giao thông trong chợ, đáp ứng theo văn hóa vùng miền của các loại hình chợ.
Cùng với việc đầu tư phát triển hệ thống chợ, thì công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống phát triển mạng lưới chợ cần được đổi mới, như: Các cấp, ngành chức năng hướng dẫn, kiểm tra chuyển đổi mô hình quản lý chợ; Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý chợ; Xây dựng phương án chung, phương án chuyển đổi riêng cho từng loại chợ; Xây dựng quy chế đấu thầu quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sau khi được chuyển đổi chợ có điều kiện hoạt động tốt hơn; Xây dựng cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh và quản lý chợ...
Một vấn đề khó khăn đối với phát triển hệ thống chợ từ nay đến năm 2020 là nguồn vốn đầu tư. Theo quy định, đầu tư vào lĩnh vực chợ của các thành phần kinh tế được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ, được vay tín dụng đầu tư của nhà nước, được hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trong quy hoạch được phê duyệt. Và hiện nay, do chính sách thắt chặt đầu tư, thì khó có thể đáp ứng được nguồn vốn cho hệ thống chợ . Vì vậy, công việc cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng phát triển chợ, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này... có như vậy mới thực hiện được việc phát triển hệ thống chợ theo đúng quy hoạch./.
Hoàng Vĩnh