Cần có chính sách phát triển làng nghề cân đối, toàn diện

22/10/2012 08:31

(Baonghean) Nghệ An hiện có 111 làng nghề được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận và 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Hoạt động làng nghề khá phong phú, nhiều lĩnh vực, đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều làng, xã đã làm giàu nhờ phát triển kinh tế làng nghề.

Tuy nhiên, hạn chế của làng nghề hiện nay là không ổn định, thiếu bền vững, phát triển chưa cân đối, toàn diện. Trong tổng số 111 làng nghề được công nhận có 43 làng nghề mây tre đan xuất khẩu, 17 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; 11 làng nghề mộc dân dụng, mỹ nghệ, làm trống; 10 làng nghề chế biến hải sản; 9 làng nghề chiếu cói, chổi đót, giấy dó; nhóm nghề dâu tằm tơ, móc sợi, dệt thổ cẩm có 7 làng nghề; trồng cây cảnh có 5 làng nghề; cả tỉnh chỉ có 1 làng nghề gạch ngói và 1 làng nghề cơ khí. Làng nghề phân bố trên địa bàn các huyện cũng không đồng đều. Quỳnh Lưu có 24 làng nghề, Nghi Lộc có 19 làng nghề, Diễn Châu có 18 làng nghề, Yên Thành 11 làng nghề; Đô Lương, Nam Đàn mỗi huyện chỉ 3 làng nghề; Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn mỗi huyện chỉ có 1 làng nghề. Ngày 08/3/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1051/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015. Để thực hiện quy hoạch này, cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những chính sách cụ thể nhằm phát triển làng nghề cân đối, toàn diện.



Nghề làm nồi đất ở Diễn Châu. Ảnh: Cảnh Yên

Liên kết với doanh nghiệp là điều kiện quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của làng nghề. Bởi vậy, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Hiện nay chỉ có các làng nghề mây tre đan xuất khẩu là có đầu mối tiêu thụ sản phẩm và cung cấp nguyên liệu từ doanh nghiệp xuất khẩu. Các làng nghề khác đều tiêu thụ sản phẩm nội địa qua các doanh nghiệp nhỏ của địa phương, hoặc các cơ sở dịch vụ gom hàng kinh doanh, nhiều làng nghề tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ cho các làng nghề đang hạn chế. Mỗi làng nghề được công nhận thưởng 50 triệu đồng. Có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho làng nghề được UBND tỉnh phê duyệt thì hỗ trợ theo cơ chế: vùng núi cao hỗ trợ 70%, vùng trung du hỗ trợ 60%, vùng đồng bằng hỗ trợ 50%. Theo cơ chế này thì những địa phương không có vốn đối ứng sẽ rất khó thực hiện dự án. Việc hỗ trợ đào tạo nghề thực hiện qua Liên minh HTX với nguồn vốn không nhiều, do đó công tác đào tạo nghề bị hạn chế.

Từ trước đến nay, các làng nghề đều chọn ngành nghề tự phát, chưa theo quy hoạch và chưa có sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên ngành. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, Liên minh HTX (là đơn vị trực tiếp quản lý làng nghề) cần có cơ chế phối hợp với các sở, ngành liên quan để chỉ đạo các làng nghề hoạt động trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành.

Quy hoạch phát triển làng nghề Nghệ An giai đoạn 2011-2015 đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 3.500 tỷ đồng, trong đó đóng góp giá trị sản xuất từ làng nghề đạt 2.500 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2015 có 150 làng nghề và 500 làng có nghề được công nhận, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động của Bộ NN&PTNT: “Mỗi làng mỗi nghề mỗi sản phẩm”. Để đạt các chỉ tiêu trên đây cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển cân đối, toàn diện cả về địa bàn và lĩnh vực ngành nghề.


Trần Hồng Cơ

Mới nhất
x
Cần có chính sách phát triển làng nghề cân đối, toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO