Cần có cơ chế quản lý, hỗ trợ các CLB thể thao

21/08/2013 09:07

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các CLB thể thao phát triển rất mạnh cả về số lượng và quy mô, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của phong trào thể thao của các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB này đang thiếu sự quản lý, định hướng của ngành chức năng.Sôi nổi hoạt động

(Baonghean) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các CLB thể thao phát triển rất mạnh cả về số lượng và quy mô, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của phong trào thể thao của các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB này đang thiếu sự quản lý, định hướng của ngành chức năng.

Sôi nổi hoạt động


Không khí luyện tập tại Nhà thể thao đa chức năng của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Nghệ An thật sôi động. Trên 3 sân cầu lông, các thành viên của CLB Cầu lông của trường đang hăng hái so tài dưới sự theo dõi, cổ vũ của các thành viên khác. Thầy Nguyễn Thượng Hải – Trưởng phòng Tổng hợp hành chính, Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB Cầu lông của trường thành lập từ giữa năm 2012, quy tụ sự tham gia của hơn 20 thành viên, không chỉ có giáo viên, sinh viên mà còn cả những người dân yêu thích bộ môn cầu lông ở các địa bàn lân cận như khối 12, phường Hà Huy Tập hay xóm 18, xã Nghi Phú.

CLB có quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó kinh phí chủ yếu từ sự đóng góp của các thành viên. Ngoài gặp gỡ, sinh hoạt vào các buổi chiều, thỉnh thoảng CLB còn tổ chức những buổi giao lưu thi đấu với các CLB cầu lông ở các trường chuyên nghiệp khác trên địa bàn thành phố. Hoạt động của CLB đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên, đồng thời thúc đẩy phong trào tập luyện môn cầu lông nói riêng và thể thao nói chung trong nhà trường”.

Cách Trường CĐKT Kỹ thuật Nghệ An khoảng vài trăm mét, một CLB Cầu lông khác của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và đầu tư T&D cũng đang tổ chức những trận đấu đầy kịch tính. Ông Trần Vũ Quang – Giám đốc Công ty T&D, đồng thời là Chủ nhiệm CLB, cho biết: “CLB Cầu lông của công ty có 12 thành viên ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề. Tuy số lượng thành viên không đông, lại chỉ sinh hoạt vào 2 ngày cuối tuần, nhưng CLB vẫn tổ chức rất bài bản như đề ra quy chế, sắm đồng phục thi đấu cho các thành viên và định kỳ một tháng một lần tổ chức giao lưu với các CLB của các doanh nghiệp khác”.

Môn cầu lông là vậy, còn môn quần vợt, dù có mặt ở Nghệ An khá muộn so với rất nhiều bộ môn khác, nhưng hiện nay lại là môn có phong trào phát triển mạnh với gần 30 CLB (phần lớn trên địa bàn Thành phố Vinh), số thành viên tham gia tập luyện cũng tăng nhanh. Có thể kể đến một số CLB tiêu biểu như Trường Sơn, Sông Lam, Giao Tế, CIENCO 4, Cục Thuế, Điện lực, Đường Sắt, Thành Vinh….



Pha bóng tại Giải Quần vợt Nghệ An mở rộng. Ảnh: Đức Chuyên

Anh Trần Quang Trung – Chủ nhiệm CLB quần vợt Trường Sơn cho biết: "CLB Trường Sơn hiện có khoảng 50-60 VĐV là các doanh nhân tham gia tập luyện thường xuyên. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, lành mạnh, mọi người đến đây vừa để tập luyện nâng cao sức khoẻ vừa giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công việc. Để tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, hàng năm, chúng tôi cùng các CLB khác tổ chức 5-6 giải đấu giao hữu, mỗi giải thu hút hàng chục CLB và hàng trăm VĐV tham gia”.

Nhưng hoạt động sôi nổi nhất vẫn là các CLB bóng đá, bởi số lượng các CLB ở môn này chiếm phần lớn trong số các CLB thể dục thể thao trong tỉnh. Riêng trên địa bàn TP Vinh hiện đã có trên 100 CLB (gọi tắt là FC) với quy mô khác nhau. Ngoài những CLB do những người đam mê chơi bóng tự tập hợp nhau lại, cùng đóng góp kinh phí hoạt động, còn có nhiều CLB do các doanh nghiệp tài trợ. Những ông chủ của các FC này, ngoài tình yêu đối với bóng đá, còn mong muốn hoạt động FC của doanh nghiệp mình sẽ mang lại phấn khởi, hứng thú, năng động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tiêu biểu trong số này có FC Văn Minh.

Dù mới thành lập từ tháng 7/2012 nhưng với sự “chịu chơi” của ông chủ Nguyễn Đàm Văn – Giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh (chi mỗi tháng từ 30 – 40 triệu đồng cho hoạt động của FC), FC Văn Minh đã trở thành một trong những đội bóng mạnh của bóng đá phong trào tỉnh nhà. Chỉ trong vòng 1 năm, FC này đã vô địch 5/6 giải đấu mà họ tham dự (Giải Cúp truyền hình TP. Vinh, Cúp Larue, Giải Đô Lương mở rộng, Giải Sở Giao thông mở rộng, Giải Bia Sài Gòn, Giải Bóng đá phong trào các doanh nghiệp). Ngoài tham gia các giải trong tỉnh, FC Văn Minh còn đi đá giao hữu ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hà Tĩnh….

Cần sự hỗ trợ của ngành chuyên môn

Theo thống kê của phòng Nghiệp vụ Thể thao – Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có hơn 870 CLB thể thao đang hoạt động ở các khu dân cư (khối, xóm), các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ... Các môn có nhiều CLB nhất là bóng đá, cầu lông, quần vợt, bi-a, võ thuật, bơi lội.... Kinh phí hoạt động của các CLB này đều từ nguồn xã hội hóa (các thành viên cùng đóng góp hoặc do đơn vị tài trợ). Các CLB thể thao ra đời đã tập hợp những người yêu thể thao để họ cùng gặp gỡ, giao lưu, cùng tập luyện, thi đấu một cách thường xuyên hơn.

Sự phát triển, lớn mạnh của các CLB thể thao không chỉ thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ lao động sản xuất ở các khu dân cư, các cơ quan đơn vị mà còn thúc đẩy phong trào thể dục - thể thao (TDTT) của các địa phương, các ngành phát triển.

Anh Vũ Hồng Đức – Phó phòng VHTT -Thể thao TP Vinh cho biết: “Qua hoạt động của các CLB và các giải đấu phong trào do các CLB tự tổ chức, ngành thể dục thể thao TP đã phát hiện, tuyển chọn được nhiều vận động viên có chất lượng, bổ sung vào các đội tuyển của TP tham dự các giải đấu cấp tỉnh”. Ngoài ra, một số CLB thể thao có những hoạt động xã hội tích cực, qua các giải đấu đã vận động, quyên góp được từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng ủng hộ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hoạt động của các CLB hầu hết đều mang tính tự phát, chưa có sự quản lý cũng như định hướng của ngành chuyên môn trong việc tổ chức, tập luyện, thi đấu mở rộng để học hỏi nâng cao trình độ.

Anh Nguyễn Danh Nam - Phó phòng Nghiệp vụ thể thao – Sở VH-TT&DL cho biết: “Số lượng các CLB thể thao là do chúng tôi tổng hợp từ báo cáo của các huyện, thành, thị, nhưng thực tế các địa phương chưa thống kê chính xác được số lượng các CLB thể thao ở từng bộ môn. Nguyên nhân là chưa có chế tài để quản lý các CLB này”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, được biết, ngày 2/12/2012, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của CLB thể dục thể thao cơ sở. Tuy nhiên, có vẻ như thông tư này còn khá “mới” nên các cán bộ quản lý thể thao chưa được nắm bắt để triển khai thực hiện. Cũng về việc quản lý các CLB thể thao, ông Trần Văn Sánh – Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL cho biết thêm: “Hoạt động của phần lớn các CLB thể thao gắn với các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao. Năm 2010, Bộ VH-TT&DL cũng ban hành 18 Thông tư quy định về điều kiện hoạt động của thể thao cơ sở ở 18 bộ môn thể thao; nhưng hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở này cũng như hoạt động của các CLB thể thao mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở...”.

Cũng vì thiếu đi sự quản lý của các cơ quan chức năng nên hiện nay, hoạt động của các CLB thể thao tự phát cũng có những hạn chế, tồn tại. Ví như, hoạt động của các CLB bi-a rất dễ biến tướng thành các hoạt động bài bạc với hình thức chơi bi-a theo lá bài; hoạt động các CLB thể hình, nếu không có sự hướng dẫn từ các HLV có đủ trình độ chuyên môn, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất của người tập...

Mặt khác, dù thể thao phong trào trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh nhưng việc thành lập các liên đoàn, hiệp hội thể thao để quản lý, hỗ trợ về mặt chuyên môn, định hướng cho sự phát triển của các bộ môn thể thao cũng như các CLB thể thao còn khá hạn chế.

Anh Hoàng Anh – cán bộ Trung tâm Thi đấu TD-TT tỉnh cho biết: “Hiện nay, ở Nghệ An mới chỉ có 2 liên đoàn là Liên đoàn Cầu lông và Liên đoàn Võ thuật và 1 hiệp hội là Hiệp hội karatedo; và hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội này cũng thiếu hiệu quả do không kêu gọi được các nguồn vốn xã hội hóa”. Trong khi đó, qua trao đổi với nhiều thành viên các CLB ở các môn như quần vợt, bi-a, thể hình,…, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều chung một mong muốn có sự hỗ trợ chuyên môn của ngành VH-TT&DL, như cần có định hướng đưa các môn này vào hệ thống thi đấu thể thao hằng năm của tỉnh, từ đó tổ chức được các giải đấu thường niên để các VĐV được cọ xát, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, từ đó đưa hoạt động của các CLB phát triển tốt hơn.


Minh Quân

Mới nhất

x
Cần có cơ chế quản lý, hỗ trợ các CLB thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO