Cần có một tấm lòng...
(Baonghean) - Càng đến những ngày cuối năm, thời tiết càng trở nên khắc nghiệt. Giữa trời đông giá rét, lo cho học trò một manh áo ấm, chuẩn bị cho các em những món quà và kịp thời chia sẻ nỗi đơn độc về thiếu hụt hơi ấm mẹ cha là cách làm ấm tình người của các thầy, cô giáo, các nhà hảo tâm trong Xuân Giáp Ngọ này…
![]() |
Cô giáo Nguyễn Thị Bình và Trần Thanh Phương tặng áo ấm cho học sinh Trường cấp II Huồi Tụ… |
Dù chỉ biết đến Tương Dương qua lời giới thiệu của một người bạn trong nhóm nhưng chị Trần Thiết Tâm, thành viên của nhóm An Tâm Việt vẫn lọ mọ một mình bắt xe từ Hà Nội vào Vinh rồi theo chuyến xe khách ngược miền Tây lên Tương Dương vào những ngày giáp tết. Sau một ngày rong ruổi ở vùng lòng hồ chị chia sẻ: “Mình lên trước một ngày xem đường lên có thuận lợi không để còn sắp xếp cho mọi người vào. Bà con trong ấy còn nghèo quá, mà lực của bọn mình thì nhỏ”.
Chuyến đi của nhóm An Tâm Việt lên huyện vùng cao Tương Dương có 8 người, trong đó người nhiều tuổi nhất xấp xỉ 60. Ngoài nhiệm vụ chính là khảo sát thực tế để lên kế hoạch hỗ trợ bò cho các hộ nghèo, đoàn đã tổ chức mừng năm mới cho học sinh Trường Tiểu học Tam Thái. Được đón tết sớm trong không khí sôi động như vậy là điều quá xa vời với học sinh vùng cao nơi đây…
Chưa bao giờ trong cùng một thời điểm mà các huyện vùng cao đón nhận được nhiều tấm lòng của các bạn trẻ, người dân vùng xuôi đến thế. Và những món quà không chỉ đến từ các đơn vị, các tổ chức mà đến từ đóng góp của các nhóm thiện nguyện. Vào các trang mạng xã hội, các facebook thời điểm này cũng sẽ không còn lạ lẫm với những lời kêu gọi như “Tết ấm miền Tây”, “Chia sẻ cho học trò nghèo vùng cao”… Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức tình nguyện thì rất nhiều học trò vùng cao đến manh áo ấm cũng không đủ mà mặc chứ không nói gì đến tết… Hiện tại, đã có trên 10 đoàn đến trực tiếp các trường để tặng quà cho học sinh như Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh, nhóm Từ Tâm… Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo cũng quyên góp tiền, quần áo cũ để tặng cho học sinh”.
Khi hỏi thầy Nguyễn Đình Hùng, Hiệu phó Trường phổ thông THCS Nội trú Huồi Tụ: “Nhà trường có hoạt động gì hỗ trợ cho học sinh nghèo đón tết không?”, thầy lắc đầu: “Giáo viên của trường còn vất vả lắm, cũng không nghĩ đến tiền thưởng”. Thế nhưng, khi hỏi về việc tặng áo ấm cho học sinh nghèo, thầy kể tên vanh vách từng người một, đó là vợ chồng cô giáo Trần Thanh Phương, Nguyễn Đức Luyện năm nào cũng tranh thủ về xuôi xin áo cũ của người nhà để mang lên cho học sinh; là cô giáo Nguyễn Thị Bình, dù tiền lương không đủ để một năm vài lần hai vợ chồng vào bệnh viện Từ Dũ chữa bệnh hiếm muộn nhưng năm nào cũng gom góp tiền mua áo tặng học sinh nghèo… Chính thầy, cô khi hỏi về chuyện này, cũng cho rằng đó là điều bình thường, đơn giản là bởi “Không thể yên tâm dạy được khi thấy học trò của mình ngồi co ro trong lớp”. Lên vùng cao, đến nhiều lớp học, thấy nhiều em đi chân đất, run rẩy trong manh áo mỏng mới thấy, những việc làm này tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng.
![]() |
Nhóm tình nguyện An Tâm Việt đón năm mới với học sinh Trường Tiểu học Tam Thái (Tương Dương). |
Câu chuyện giúp đỡ học trò, lo cho các em “3 đủ” và chuẩn bị “Tết cho bạn nghèo” cũng là chuyện được chúng tôi nghe nhiều nhất khi về Nam Đàn trong những ngày giáp tết.
Đến Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn), một không khí buồn não nề bao trùm lên các lớp học, bởi thông tin thầy giáo Trần Văn Thể, giáo viên Vật lý bị bạo bệnh phải nằm viện và chỉ nay mai thôi sau đợt phẫu thuật vòm họng thầy mãi mãi sẽ không có thể giảng bài được…Thầy Thể là giáo viên có chuyên môn giỏi, một tổ trưởng có trách nhiệm góp phần không nhỏ đưa Trường THCS Kim Liên, đặc biệt là bộ môn Vật lý nhiều năm liền đứng đầu toàn huyện. Hơn thế, thầy còn là một giáo viên tâm huyết, tận tụy với học trò. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, không biết thầy đã giúp đỡ được bao nhiêu học sinh nghèo, cũng không thể đếm được bao nhiêu đêm thầy đã cặm cụi dạy thêm miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2012 - 2013 vừa rồi, trong số 3 gương mặt đạt giải cao nhất môn Vật lý của huyện và giải Ba của tỉnh thì 2 em Trần Quốc Chung, Phan Văn An có hoàn cảnh khó khăn, được thầy giúp đỡ kèm cặp trong nhiều năm liền. Giờ không nói, không đi lại được nhưng thầy Thể vẫn đau đáu với học trò, với đội tuyển học sinh giỏi đang trong giai đoạn “nước rút” qua những vần thơ run rẩy viết ra trên giường bệnh: “Tôi nhớ lắm Trường Kim Liên tôi dạy/Nhớ bảng đen, nhớ ánh mắt học trò/Nhớ đồng nghiệp đã cùng tôi giảng dạy/Nhớ buổi chiều cùng luyện tập say sưa…”.
Trường THCS Kim Liên là một trong những trường đi đầu của ngành Giáo dục huyện Nam Đàn trong công tác giúp đỡ học sinh nghèo. Đã có rất nhiều tấm gương thầy, cô giáo tích cực trong phong trào này, trong đó có thể kể đến cô Hoàng Thị Hường, cô Phạm Thị Ngọc, cô Phan Thị Quyên… Cô Phạm Thị Ngọc, giáo viên dạy lớp 6D, dù chồng đau yếu bệnh tật, hai con nhỏ và ở cùng bố mẹ già nhưng năm nào cũng trích lương để hỗ trợ học sinh trong lớp mua sách vở, áo quần. Trường cũng là một trong những đơn vị khởi xướng chương trình “Tết vì bạn nghèo”. Mỗi dịp cuối năm Hội đồng Đội cùng với công đoàn trường phát động trong toàn thể giáo viên và học sinh góp quỹ ủng hộ học sinh nghèo đón tết. Món quà tết tuy nhỏ, chỉ một vài trăm bạc, hay cân gạo, chai dầu nhưng là nguồn động viên vô giá đối với những học sinh nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa. Cô giáo Tạ Thị Thanh Hương, Tổng phụ trách Đội đưa tôi đến thăm gia đình học sinh Vương Thị Thùy Trang (lớp 7B), mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang sống cùng với ông bà nội tại xóm Kim Liên 3. Bố mẹ Trang mất từ năm Trang học lớp 2, ba anh em Trang vì hoàn cảnh mỗi người phải sống một nơi nên mọi khoản đóng góp của Trang đều được nhà trường miễn. Vào dịp Tết, năm nào nhà trường cũng đến tận nhà tặng quà và động viên gia đình…
Ông Đặng Hoài Nam, Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục huyện Nam Đàn tự hào nói: “Các hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo được thực hiện trên tinh thần tự giác, tự nguyện, từ “tâm” của cán bộ, giáo viên. Thế nên, dù không phát động rầm rộ, nhưng vẫn tự nhiên lan tỏa và được đông đảo các nhà trường, thầy, cô giáo và phụ huynh ủng hộ. Đặc biệt, phong trào “Tết ấm cho học sinh nghèo” là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhất. Từ phong trào này, trung bình mỗi năm ngành vận động được gần 120 triệu đồng để mua quà cho học sinh đón tết. Thông qua phong trào “Ba đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở), đã giúp cho hàng trăm học sinh nghèo yên tâm đến trường.
Nhiều năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Thái đã trích một phần tiền lương của mình mua áo quần tặng học sinh nghèo trong xã, hỗ trợ tiền ăn cho 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường Tiểu học Nam Lộc nhận dạy kèm học sinh nghèo, học sinh con gia đình chính sách không thu tiền. Các cô giáo ở Trường Mầm non Hùng Tiến nhận đưa đón trẻ tới lớp giúp phụ huynh trong ngày mùa. Các thầy, cô giáo ở Vân Diên, Nam Thanh... mở các lớp học, xây dựng tủ sách thân thiện phục vụ học sinh, giúp các em vươn lên trong học tập. Từ những tấm lòng vô bờ bến của các thầy, cô giáo, mấy năm trở lại đây, số học sinh bỏ học ở Nam Đàn ngày càng giảm, học sinh nghèo được “tiếp sức”, được nâng cánh ước mơ vượt lên hoàn cảnh trở thành “con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ” …
Tết này, lên các huyện vùng sâu vùng xa, về với những vùng quê nghèo, được nghe nhiều câu chuyện cảm động của các thầy cô giáo vì học trò, nghe được chuyện vui về những chuyến tình nguyện ngược miền Tây vì học trò nghèo, thấy ấm lòng biết bao. Trong giá rét nhìn những ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của học trò bỗng nhớ đến câu hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”…
Mỹ Hà