Cần có thêm những giải đấu trẻ
(Baonghean) - Các giải thể thao trẻ luôn là cơ hội “vàng” giúp các HLV tìm kiếm gương mặt VĐV giàu tiềm năng, bổ sung nhân lực chất lượng cao cho đội tuyển. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thể thao Nghệ An vẫn còn thiếu vắng những giải trẻ, ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển chọn, đào tạo của nhiều đội tuyển thể thao tỉnh nhà.
Một trong những đội tuyển gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn VĐV là đội tuyển wushu. Hiện tại, biên chế đội tuyển wushu của tỉnh ta là 18 VĐV ở cả 3 tuyến: năng khiếu, trẻ và vô địch. So với các tỉnh, thành khác, biên chế đội tuyển như vậy là ít, gây khó khăn trong quá trình sàng lọc, cạnh tranh, nhằm có chất lượng nguồn VĐV tốt nhất; đồng thời là thách thức trong việc kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ VĐV. Ông Nguyễn Văn Huệ - HLV đội tuyển wushu tỉnh cho biết: “Quá trình tìm kiếm, tuyển chọn VĐV hiện thông qua hai “kênh” chính, một là qua các giải thi đấu thể thao cấp huyện, tỉnh, hai là gửi gắm các giáo viên thể dục tại các trường học trên địa bàn phát hiện và giới thiệu lên tuyển. Nhưng trên thực tế, các giải thi đấu cơ sở không nhiều và không có giải dành riêng cho bộ môn wushu nên “kênh” tuyển chọn này không mấy hữu dụng”.
Các VĐV thi đấu tại Giải vô địch wushu trẻ toàn quốc năm 2015, tổ chức tại Nghệ An. Ảnh: Minh Quân |
Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại Giải vô địch wushu trẻ toàn quốc năm 2015 diễn ra tại Nghệ An, đội tuyển wushu tỉnh nhà đã đạt được 3 HCV, 2 HCB và 4 HCĐ, xếp vị trí thứ 9 toàn đoàn. HLV Nguyễn Văn Huệ chia sẻ, thành tích ấy thể hiện quyết tâm, nỗ lực cao của thầy và trò đội tuyển, nhưng nhìn nhận thắng thắn thì chưa phản ánh hết tiềm năng của wushu Nghệ An. Các VĐV của đội tuyển đều có chỉ số thể lực tốt, ý chí tập luyện cao, nhưng vì ít có cơ hội cọ xát tại các giải trẻ nên kinh nghiệm chưa nhiều, hạn chế về tâm lý thi đấu. Mặt khác, sau giải đấu là những lo lắng về nguồn nhân lực bổ sung, kế thừa trong đội tuyển. HLV Nguyễn Văn Huệ cho biết: “VĐV tuyến trẻ có lứa tuổi từ 18 trở xuống, qua độ tuổi này, các em sẽ được chuyển lên tập luyện và thi đấu ở tuyến vô địch, cùng với đó, các VĐV tuyến nghiệp dư sẽ được đẩy lên tuyến trẻ để bổ sung. Quy trình này bắt buộc luôn phải có nguồn VĐV chất lượng để bù đắp, tạo thành vòng đào tạo liên hoàn. Mà tìm kiếm, tuyển chọn VĐV wushu bây giờ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh ngành thể thao tỉnh nhà chưa có một giải trẻ nào cho wushu”.
Hạn chế trong công tác tuyển chọn VĐV trẻ là nguyên nhân chất lượng đầu vào của đội tuyển wushu tỉnh nhà thiếu ổn định, thành tích thi đấu những năm gần đây chưa có nhiều đột phá. Từ năm 2012 trở về trước, ngành thể dục – thể thao tỉnh nhà còn có chính sách duy trì các lớp VĐV nghiệp dư. Riêng bộ môn wushu được tổ chức 2 lớp, mỗi lớp 10 – 20 VĐV là học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Một tuần 2 – 3 buổi, HLV đến từ Trung tâm VH – TT các huyện, thành, thị sẽ thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật cơ bản của môn wushu. Đây được xem là nguồn VĐV giàu tiềm năng trong tương lai. Nhưng từ năm 2012 trở lại nay, do thiếu kinh phí, các lớp nghiệp dư không còn được duy trì. Mong muốn lớn nhất của các HLV bộ môn wushu là tái khởi động các lớp nghiệp dư, sau đó, tổ chức giải wushu trẻ Nghệ An hoặc các giải wushu trẻ mở rộng để các nhân tài trẻ tuổi có cơ hội thi đấu cọ xát, thể hiện mình, đóng góp cho tương lai bộ môn wushu tỉnh nhà.
Mong muốn ấy không chỉ riêng của Ban huấn luyện bộ môn wushu, mà qua trao đổi, nhiều HLV các đội tuyển khác cũng cùng chung chia sẻ. HLV Hoàng Hữu Nghĩa của bộ môn cầu mây tỉnh Nghệ An cho biết, được xem là một trong những bộ môn “vàng” của thể thao xứ Nghệ, với thành tích liên tục nhiều năm liền giành thứ hạng cao trên các đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế, nhưng bộ môn cầu mây hiện nay vẫn loay hoay với bài toán nhân lực. Nhiều đội tuyển tỉnh bạn thường có trung bình 30 VĐV trở lên, đội tuyển cầu mây Nghệ An chỉ có 19 VĐV. Trong khi đó, lứa tuổi lý tưởng nhất để đào tạo là từ 11 tuổi trở lên, các em đang ở tuổi học sinh các trường tiểu học, THCS. Không có giải cầu mây trẻ quy mô cấp huyện, tỉnh khiến công tác tuyển chọn, bổ khuyết VĐV tuyến trẻ hàng năm rất khó khăn.
Được biết, trung bình mỗi năm, Sở VH – TT & DL phối hợp với các đơn vị tổ chức từ 7 – 8 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh. Trong đó, một số giải như Hội khỏe Phù Đổng, Giải bóng đá TN – NĐ Cúp Báo Nghệ An, Giải thể thao gia đình … là những giải thi đấu có sự tham gia của lứa tuổi trẻ đang theo học ở cấp tiểu học đến THCS. Những tháng cuối năm 2015, ngành thể thao tỉnh nhà sẽ tổ chức Giải Bóng đá cấp xã, phường và Giải vô địch đẩy gậy toàn tỉnh. Đây là cơ hội giúp HLV các đội tuyển lựa chọn VĐV tiềm năng cho mình. Tuy nhiên, số lượng các giải đấu như vậy còn chưa nhiều và thiếu tính ổn định, chưa có nhiều giải chuyên biệt dành cho một bộ môn cụ thể.
Theo ông Nguyễn Danh Nam – Phó phòng nghiệp vụ TDTT, Sở VH - TT &DL, việc tổ chức thêm các giải thi đấu trẻ là cần thiết, nhưng khó khăn vì thiếu kinh phí. “Để khắc phục hạn chế về số lượng giải thể thao trẻ, chúng tôi đã có tờ trình lên UBND tỉnh, đề nghị mở lại 30 lớp nghiệp dư ở các bộ môn thể thao khác nhau, tạo nguồn VĐV ban đầu, làm tiền đề để tổ chức các giải thể thao dành cho lứa tuổi trẻ. Trước mắt, sang năm 2016, sẽ có thêm giải thi đấu mới là Giải vô địch bơi lội tỉnh Nghệ An, hứa hẹn sẽ sôi động và thu hút nhiều nhân tố chất lượng, cho các đội tuyển thể thao tỉnh nhà nhiều lựa chọn hơn”.
Để thể thao phát triển không thể thiếu công tác đào tạo trẻ cũng như giải đấu trẻ, bởi đây là bệ phóng để các VĐV hướng tới tranh tài ở những giải đấu cao hơn. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều giải đấu trẻ cấp tỉnh được tổ chức, góp phần đưa thể thao Nghệ An khai phá hết tiềm năng.
Phước Anh
TIN LIÊN QUAN