Cần dành thời gian thỏa đáng để đại biểu thảo luận tại kỳ họp HĐND

04/01/2013 18:45

Phát biểu, thảo luận tại kỳ họp là một phương thức hoạt động  của đại biểu HĐND nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề, tạo sự đồng thuận, giúp thực hiện tốt chức năng của HĐND. Hoạt động dân chủ này thu hút sự quan tâm của người dân, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai các nghị quyết của HĐND ban hành sau kỳ họp.

(Baonghean) - Phát biểu, thảo luận tại kỳ họp là một phương thức hoạt động của đại biểu HĐND nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề, tạo sự đồng thuận, giúp thực hiện tốt chức năng của HĐND. Hoạt động dân chủ này thu hút sự quan tâm của người dân, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai các nghị quyết của HĐND ban hành sau kỳ họp.

Thông thường, mỗi kỳ họp của HĐND phải thông qua hơn 10 nghị quyết, có khi gần 20 nghị quyết. Với thời gian khoảng 3 ngày, chương trình nội dung kỳ họp dày đặc, thời gian eo hẹp nên HĐND thường bố trí chỉ một buổi ngay sau phiên khai mạc để HĐND nghe tất cả các báo cáo trình bày trực tiếp tại kỳ họp, bên cạnh đó đại biểu HĐND phải tự đọc và nghiên cứu khoảng 15 báo cáo khác. Thời gian đặt câu hỏi chất vấn, nghe trả lời chất vấn chiếm 1 ngày nên thời gian dành cho thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình báo cáo, nghị quyết của đại biểu HĐND không còn bao nhiêu.

Chương trình kỳ họp bố trí thảo luận chung cho các báo cáo, dự thảo nghị quyết, vì vậy không bắt buộc khi thảo luận đại biểu phải tập trung góp ý vào dự thảo nghị quyết hay báo cáo của UBND và các ngành. Thực tế, các ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tập trung đánh giá hoạt động HĐND tỉnh, điều hành của UBND tỉnh và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, các kiến nghị đề xuất liên quan đến ngành, cơ quan đại biểu công tác, còn các dự thảo nghị quyết chưa được tất cả các đại biểu thảo luận một cách toàn diện. Chỉ với 1 buổi thảo luận tổ và 1 buổi thảo luận chung tại hội trường, bên cạnh những đại biểu thảo luận trọng tâm, ngắn gọn còn có nhiều người phát biểu đến hai mươi, ba mươi phút, chiếm cả thời gian của đại biểu khác. Vì vậy, tính về số lượt phát biểu của đại biểu tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh nhiều khi còn ít hơn số lượng các báo cáo.

Việc thông qua nghị quyết ở HĐND tỉnh Nghệ An hiện nay đã có nhiều đổi mới. Cơ quan trình ngoài thông qua toàn văn dự thảo nghị quyết còn báo cáo tiếp thu, giải trình sau thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND. Chủ tọa phiên họp đã nêu vấn đề, gợi ý khuyến khích đại biểu HĐND thảo luận, góp ý vào dự thảo nghị quyết. Tuy vậy, có đại biểu với tâm lý thảo luận thì cơ quan trình cũng hứa tiếp thu chung chung, sau đó có sửa lại dự thảo nghị quyết hay không thì cũng ít ai để ý, nếu mình tiếp tục nêu vấn đề khi thời gian kỳ họp sắp hết thì lại bị xem là người “lắm chuyện”. Thế nên, dù dự thảo nghị quyết của HĐND có thể có đại biểu còn băn khoăn, hoài nghi tính khả thi nhưng không phát biểu, khi chủ tọa phiên họp đề nghị biểu quyết thì cũng giơ tay để khỏi "lạc lõng". Tỷ lệ 100% đại biểu HĐND có mặt giơ tay tán thành nhiều lúc chưa chắc đã tương ứng với chất lượng nghị quyết ban hành của cơ quan dân cử.

Chất lượng nghị quyết của HĐND phụ thuộc vào nhiều cơ quan soạn thảo và việc thẩm tra của Thường trực, các ban HĐND, nhưng không phải vì vậy mà đại biểu HĐND xem nhẹ vai trò tham gia thảo luận của mình. Đại biểu cần có trách nhiệm hơn khi cử tri đã lựa chọn mình làm đại diện để quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Sắp tới, nên chăng kỳ họp cần bố trí thời gian thích đáng để đại biểu thảo luận, thông qua nghị quyết của HĐND.


Lê Xuân (VP HĐND tỉnh)

Cần dành thời gian thỏa đáng để đại biểu thảo luận tại kỳ họp HĐND
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO