Cần định hướng phát triển cây rễ hương ở Thanh Chương

03/11/2014 09:21

(Baonghean) - Lâu nay, rễ hương được biết đến là cây xóa đói, giảm nghèo ở các huyện Quỳ Châu, Quỳnh Lưu. Từ năm 2008, cây rễ hương được người dân đưa giống về trồng đại trà trên đất Thanh Chương một cách tự phát, nhiều người còn phá bỏ keo lai để trồng rễ hương. Tuy nhiên, trồng như thế nào, với diện tích bao nhiêu, thì chính quyền địa phương cần vào cuộc để có chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng được mùa rớt giá và những hệ lụy khác nảy sinh.

(Baonghean) - Lâu nay, rễ hương được biết đến là cây xóa đói, giảm nghèo ở các huyện Quỳ Châu, Quỳnh Lưu. Từ năm 2008, cây rễ hương được người dân đưa giống về trồng đại trà trên đất Thanh Chương một cách tự phát, nhiều người còn phá bỏ keo lai để trồng rễ hương. Tuy nhiên, trồng như thế nào, với diện tích bao nhiêu, thì chính quyền địa phương cần vào cuộc để có chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng được mùa rớt giá và những hệ lụy khác nảy sinh.

Cây rễ hương bén đất Thanh Nho (Thanh Chương) từ năm 2006, nhưng đến năm 2008 mới được trồng đại trà ở các xóm 7, 8, 9, 10. Trên địa bàn xã hiện đã hình thành các xưởng chế biến, xuất bán hàng trăm tấn rễ hương khô mỗi năm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là cây nguyên liệu góp phần không nhỏ vào việc xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân ổn định cuộc sống, khấm khá.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lễ (xóm 10, xã Thanh Nho, Thanh Chương) chăm sóc cây rễ hương.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lễ (xóm 10, xã Thanh Nho, Thanh Chương) chăm sóc cây rễ hương.

Bà Nguyễn Thị Lễ ở xóm 10, xã Thanh Nho chia sẻ: “Trước đây tôi trồng cây keo nguyên liệu giấy, nhưng hiệu quả thấp, nên năm 2010 tôi chuyển sang trồng 5 sào rễ hương. Cây rễ hương cho thu nhập cao, dễ tiêu thụ, năm ni tôi tăng diện tích trồng lên gần 1 ha. Năm ngoái thu hoạch được 80 triệu đồng, trừ chi phí lãi 70 triệu đồng. Trong xóm có các ông Nguyễn Sỹ Sửu, Nguyễn Sỹ Tiến, Nguyễn Công Vụ… đầu tư nhiều, nên thu nhập cao hơn”. Hộ anh Trần Văn Đương, ngoài trồng 1 ha còn xây dựng 3 lò sấy, 1 xưởng đập bột với 20 lao động, mỗi năm thu gom và xuất ra thị trường từ 300 đến 350 tấn rễ hương khô và bột.

Hiện gia đình anh đã có cuộc sống khá giả, đầu tư cả xe tải vận chuyển rễ hương đến các nơi tiêu thụ. Anh Trần Công Sinh (xóm 8) cho biết thêm: “Tôi mở dịch vụ thu gom rễ hương, chế biến thành bột cung ứng tận nơi cho các cơ sở sản xuất. Có tháng xuất trên 50 tấn, bình quân 400 tấn/năm. Ngoài thị trường trong tỉnh, tôi xuất ra thị trường ngoài tỉnh một lượng lớn, chủ yếu là Hà Nội, Hải Dương, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh”. Ông Trần Bá Bình - Chủ tịch UBND xã Thanh Nho cho biết: “Trên địa bàn xã đã có nhiều hộ chuyển diện tích trồng keo sang trồng cây rễ hương, nâng tổng diện tích lên 300 ha. Cây rễ hương dễ trồng, dễ nhân giống, ít chăm bón, không kén đất, sức kháng chịu sâu bệnh tốt, nhanh thu hoạch, đầu ra thuận lợi”.

Tại xã Thanh Thủy, vợ chồng anh Trần Công Quý là một trong những người đầu tiên mở trang trại, đưa cây rễ hương và trồng từ năm 2006. Với diện tích hơn 3 ha, mỗi năm anh thu về trên 250 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng cây rễ hương và thu gom dịch vụ, nay gia đình có kinh tế khá giả. Hiện tại, anh Quý đang dự định hùn vốn với một số hộ khác tại địa phương để thành lập công ty TNHH chế biến tinh dầu từ rễ hương. Ngoài ra, Tổng đội Thanh niên xung phong đứng chân trên địa bàn xã Thanh Đức cũng trồng trên 20 ha rễ hương; Nông trường cao su 12/9 cũng đã trồng xen rễ hương trên diện tích cao su chưa khép tán, hiện tại, đã có 7 ha và thời gian tới sẽ trồng trên toàn bộ diện tích 2.000 ha của nông trường.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay, đó là cũng giống như sắn và bạch đàn, rễ hương gây thoái hóa đất rất mạnh; đầu ra không ổn định, nếu tiến hành trồng ồ ạt có thể dẫn đến tình trạng rớt giá khi cung vượt quá cầu, hoặc không có đầy đủ phương tiện chuyên chở ra thị trường xa. Anh Trần Công Sinh - vốn chuyên thu mua và cung ứng mặt hàng rễ hương tới các xưởng sản xuất trong, ngoài tỉnh, thừa nhận: “Hiện nay, tổng lượng rễ hương khô quy thành bột trên địa bàn Thanh Chương vào khoảng 1.000 tấn. Đối với số lượng này thì có khách đặt hàng ổn định, nhưng nếu tăng thêm nữa thì cần phải tăng cường tiếp thị để mở rộng thị trường. Hiện tại, nhu cầu nội tỉnh chỉ nằm trong khoảng 100 tấn/năm, còn lại bột hương chủ yếu tiêu thụ ở các thị trường ngoại tỉnh. Tuy nhiên, các mối làm ăn muốn mở rộng cũng cần thời gian mới tạo được uy tín. Vừa qua, huyện đã có dự án xây dựng cơ sở chế chế biến rễ hương tại khu vực Rộ. Tôi nghĩ chỉ khi nào nhà máy ấy hoàn thành, hoặc có công ty lớn ký hợp đồng, mới nên mở rộng vùng nguyên liệu rễ hương”.

Mặc dù thực tế người dân trồng rễ hương rất nhiều và đang có chiều hướng mở rộng diện tích, nhưng trong báo cáo nông nghiệp hàng năm của huyện Thanh Chương và các xã có diện tích trồng không thấy có rễ hương trong danh sách các loại cây trồng. Với Thanh Nho – xã có diện tích trồng rễ hương lớn nhất huyện, cũng chỉ đề cập tới diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm là 32 ha. Giải thích về vấn đề này, ông Lê Đình Thanh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: “Hiện tại rễ hương không thuộc nhóm cây trồng chủ lực của huyện và việc đưa cây rễ hương vào đề án phát triển vẫn còn có nhiều điều cần xem xét. Bởi trồng ồ ạt, tư thương không tiêu thụ hết lại phá bỏ dẫn đến lợi bất cập hại. Vì vậy, chủ trương của huyện là không phá keo trồng rễ hương mà chỉ tận dụng đất, thâm canh diện tích đã có và chỉ phát triển nơi có khả năng tiêu thụ như Thanh Nho. Chỉ khi nào có nhà máy hoặc công ty lớn ký hợp đồng chắc chắn với người trồng thì mới mở rộng diện tích vùng nguyên liệu”.

Như vậy, nếu như Quỳnh Lưu coi việc trồng cây rễ hương là hướng mở, Quỳ Châu đưa vào dự án xây dựng mô hình đầu tư phát triển dưới tán cây rừng, thì Thanh Chương đang thận trọng đối với cây trồng này. Tuy vậy, trước thực trạng diện tích trồng rễ hương tăng, huyện Thanh Chương và các ngành liên quan cần sớm kiểm tra, có định hướng cụ thể trong quy hoạch để cây rễ hương thực sự mang lại hiệu quả.

Bài, ảnh: Thanh Quỳnh

Cần định hướng phát triển cây rễ hương ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO