Cân đối thu - chi ngân sách nhà nước

10/08/2015 08:19

(Baonghean) - Chuyên mục Chào tuần mới của Báo Nghệ An xin trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải về công tác thu, chi NSNN 7 tháng đầu năm và những giải pháp cơ bản cho những tháng cuối năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Tài chính  Huỳnh Quang Hải.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải.

PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, Bộ Tài chính đánh giá như thế nào về hoạt động kinh tế đất nước những tháng đầu năm?

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Trong hoạt động của nền kinh tế đất nước những tháng đầu năm, đáng quan tâm nhất là tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) - hạt nhân quan trọng nhất đóng góp vào NSNN. Qua công tác đăng ký thuế đến 20/7/2015, số lượng DN đang hoạt động là 513.437 DN, tăng 30.822 DN (tương đương 6,4%) so với thời điểm 31/12/2014. Có tới 51.216 DN thành lập mới, bằng 66,8% số DN thành lập mới cả năm 2014. Đây là điểm cộng rất đáng mừng trong bức tranh kinh tế nội địa.

Ở góc độ thị trường, tính chung chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm đã tăng 0,86% so với cuối năm 2014, cùng với hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) khởi sắc với tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam ước đạt 187,9 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5%... là những tín hiệu đáng mừng. Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế 7 tháng đầu năm ước thực hiện 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%) với 1.068 dự án cấp mới, tăng 20,1% so với cùng kỳ; 341 lượt dự án tăng vốn, tăng 13,7%.

P.V: Trên cơ sở nền kinh tế phát triển theo hướng ổn định, công tác thực hiện thu NSNN có gì nổi bật, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Trong tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có nhiều khởi sắc, tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2015 cũng có nhiều điểm tích cực. Về thu NSNN, thu cân đối NSNN tháng 7 ước đạt 92,77 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 7 tháng đạt 544,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, đáng mừng nhất là thu nội địa ước đạt 73 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 26,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 57% so với tháng trước; lũy kế 7 tháng đạt 404,36 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,8%), đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây. Số thu này cho thấy sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã góp phần gia tăng nguồn thu cho NSNN.

Gần đây, các báo hay nói về mức hụt thu từ dầu thô, điều này là có thật, và là một trong những khó khăn của thu NSNN, nhưng không phải là khó khăn không thể vượt qua. Luỹ kế thu từ dầu thô 7 tháng ước đạt 42,27 nghìn tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 9,69 triệu tấn, bằng 65,8% kế hoạch năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ; song do giá dầu giảm mạnh, chỉ đạt bình quân khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so với giá dự toán, nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chúng ta có số thu ngân sách từ hoạt động XNK ước đạt 14 nghìn tỷ đồng (tổng số thu đạt 22 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 6; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 8 nghìn tỷ đồng). Lũy kế thu 7 tháng ước đạt 147,7 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 52 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, bằng 54,7% dự toán).

P.V: Xin Thứ trưởng cho biết, số thu đạt khá, bảo đảm thực hiện theo tiến độ dự toán, vậy còn số chi NSNN và số cân đối thu - chi NSNN đã được Bộ Tài chính điều hành như thế nào?

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Theo tôi, công tác chi NSNN cũng bảo đảm thực hiện theo kế hoạch, dự toán. Tổng chi NSNN tháng 7 ước 95 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số chi cho đầu tư phát triển được ưu tiên thực hiện, trong tháng 7 ước 14,35 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 99,45 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán, tăng 6,3% cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, chúng ta còn dành để chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 7 ước 13,95 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2014, bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

Bên cạnh đó, chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính thực hiện tháng 7 ước 65,9 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 446 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2014. Các nhiệm vụ chi NSNN được đáp ứng kịp thời theo dự toán giao và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, bảo đảm kinh phí cho công tác quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Về cân đối NSNN, với số bội chi NSNN 7 tháng ước 100,68 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 44,5% dự toán năm, chúng ta cân đối được công tác thu - chi NSNN hiệu quả. Công tác huy động vốn cho NSNN cũng được đẩy mạnh: tính đến ngày 25/7/2015, đã thực hiện phát hành trên 114,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng khoảng 41,6% nhiệm vụ huy động vốn trong nước cả năm. Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi về nguồn cung ứng tiền cho NSNN, hay NSNN vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước có phải là do NSNN khó khăn không. Thực ra, đây là vấn đề kỹ thuật, NHNN hỗ trợ cho NSNN chỉ là tạm thời, trong thời gian rất ngắn và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Với số thu 7 tháng thu đạt 59,8% dự toán cao hơn 6-7% trong 2,3 năm gần đây, chúng tôi còn dự kiến ngân sách dự kiến vượt dự toán. Còn về số chi NSNN, Bộ Tài chính kiên quyết giữ bội chi không quá 5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, việc điều hành dự toán ngân sách không thể để bị thâm thủng so với kế hoạch đề ra.

P.V: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác điều hành thu - chi NSNN từ giờ đến cuối năm, theo Thứ trưởng, đâu là các giải pháp cần thiết, cơ bản?

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Từ nay đến cuối năm, mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.

Chính vì vậy, ngành Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật NSNN; chủ trì phối hợp để thảo luận dự toán chi NNSN năm 2016 với các bộ, cơ quan Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty và thảo luận dự toán chi ngân sách địa phương. Bộ Tài chính tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kế hoạch và phương án ngân sách để làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về dự toán NSNN năm 2016, hoàn thiện khung NSNN năm 2016, đồng thời với việc xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2015 và dự toán năm 2016.

Nhìn chung, toàn ngành sẽ tập trung tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản phải nộp NSNN. Ngoài ra, việc tổ chức điều hành ngân quỹ bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của NSNN, tiếp tục tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch được giao sẽ được đẩy mạnh bên cạnh việc rà soát, đàm phán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN; thực hiện huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, bộ sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường thế giới, phối hợp với các bộ để điều hành giá xăng dầu, giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi... Điều quan trọng là ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015 theo đúng kế hoạch đề ra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính...

P.V: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Sông Hồng

Mới nhất
x
Cân đối thu - chi ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO