Cần gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích

12/09/2014 10:51

(Baonghean) - Gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một hệ thống di tích - nơi ghi nhận, chứng kiến những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong phong trào. Trải qua thời gian, những di tích đó đã được bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên, đa số các di tích này vẫn chưa phát huy được giá trị trong đời sống hôm nay.

(Baonghean) - Gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một hệ thống di tích - nơi ghi nhận, chứng kiến những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong phong trào. Trải qua thời gian, những di tích đó đã được bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên, đa số các di tích này vẫn chưa phát huy được giá trị trong đời sống hôm nay.

Cùng với các đồng đội chiến sỹ Trường Sơn, cứ vào dịp 12/9 – kỷ niệm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Văn Tam – Thị trấn Hưng Nguyên lại đến thăm các di tích lịch sử. Địa chỉ mà ông cùng đồng đội đến đầu tiên đó là Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9 - nơi thực dân Pháp đã đàn áp khủng bố trắng, nơi máy bay hai lần ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết, 125 người khác bị thương. Và di tích này là địa điểm ngày 9/12/1961, trong chuyến về thăm quê lần thứ hai, Bác đến nghĩa trang Thái Lão dâng hương, dâng hoa kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; tiếp đó là đền Xuân Hòa (ở Hưng Long) - trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đền là cơ sở cách mạng của Đảng, là địa điểm tập trung nhân dân đi biểu tình. Không chỉ những người cao tuổi, mà dịp này, tại Quảng trường Xô Viết 12/9, các trường học trên địa bàn Hưng Nguyên, TP. Vinh đều tổ chức cho học sinh tới dâng hương, dâng hoa, nghe thuyết minh về ý nghĩa của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Nhân dân tham quan Di tích đền Xuân Hòa (Hưng Long - Hưng Nguyên).
Nhân dân tham quan Di tích đền Xuân Hòa (Hưng Long - Hưng Nguyên).

Là một trong những huyện có hệ thống di tích gắn với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh nhiều nhất tỉnh, ngoài Đài tưởng niệm liệt sỹ 12/9, hiện trên địa bàn huyện Hưng Nguyên còn có 9 di tích Xô viết Nghệ Tĩnh (trong đó có 5 di tích đã được xếp hạng) trên tổng số 119 di tích và dẫn tích. Đó là các di tích: Nhà ông Hoàng Viện, Ga Yên Xuân, Chùa Kẻ Trẹ, Cổng làng Phù Xá, Nhà thờ họ Phạm, Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang, Đền Xuân Hòa. Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng phòng VHTT huyện cho biết: Cùng với các di tích khác, hiện các di tích gắn với Xô viết Nghệ - Tĩnh đã được tỉnh, huyện và nhân dân đặc biệt quan tâm bằng việc công đức, xã hội hóa nâng cấp, tôn tạo lại các di tích. Tiêu biểu như đền Xuân Hòa ở Hưng Long được làm mới lại hoàn toàn bằng sự đóng góp của nhân dân và con em xã Hưng Long; riêng các di tích gắn với nhà thờ họ được sửa chữa và bảo quản thường xuyên… Đặc biệt, Đài liệt sỹ 12/9 đã được lập Dự án “Tôn tạo và phát huy di tích Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh”, triển khai từ tháng 3/2010 với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng.

Di tích nhà ông Hoàng Viện xuống cấp trầm trọng
Di tích nhà ông Hoàng Viện xuống cấp trầm trọng

Ở Nghi Lộc, hiện trên địa bàn huyện có 3 di tích gắn với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và cả 3 di tích đã được trùng tu, tôn tạo khang trang bằng ngân sách của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, bảo quản, tôn tạo các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh đã được chú trọng. Tính từ năm 1984 đến năm 2000, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã nghiên cứu, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 47 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích quan trọng như: Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh ở Thái Lão - Hưng Nguyên, đình Võ Liệt, nhà thờ Nguyễn Duy ở Thanh Chương, Hưng nghiệp hội xã ở Anh Sơn, cầu Bùng (Diễn Châu)… Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương làm tốt nghi thức đón bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa. Ngày đón Bằng Di tích Lịch sử Văn hóa đã trở thành ngày hội của nhân dân địa phương, là dịp khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của người dân đối với quá khứ oanh liệt của quê hương, dòng họ. Từ năm 1990 - 2000, các di tích xếp hạng quốc gia đã được cấp kinh phí chống xuống cấp. Những di tích quan trọng, Bảo tàng cử cán bộ xuống tận nơi phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trưng bày truyền thống như Di tích Làng Đỏ (Hưng Dũng), cơ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ ở Hưng Châu, hiệu Yên Xuân trụ sở tiêu biểu của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội…

Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Một số di tích quan trọng đang bị xuống cấp trầm trọng do công tác bảo quản, do chậm trong triển khai dự án, như Di tích Nhà ông Hoàng Viện ở Hưng Châu (Hưng Nguyên) – nơi được Đảng ta chọn làm địa điểm sinh hoạt, in ấn tài liệu, chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Xứ ủy Trung Kỳ. Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn đó, năm 1991, nhà ông Hoàng Viện được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Cách mạng Quốc gia. Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên, hiện nay, di tích này chỉ còn lại ngôi nhà ngang và đã xuống cấp nghiêm trọng: đường vào di tích cỏ mọc um tùm, các cột, kèo, cửa bị mối mọt đục rỗng; nhiều bức ảnh giá trị về các chiến sỹ cách mạng của Xứ ủy Trung Kỳ phai màu, hoen ố; các kỷ vật ít ỏi còn tồn tại như chiếc mâm thau, nồi đồng, con dấu… do không được bảo quản nên bị hoen rỉ.

Ông Phan Văn Vượng - cán bộ bảo tồn Bảo tàng huyện Hưng Nguyên cho biết: Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích, năm 2000 và năm 2008, Nhà nước có hỗ trợ tổng số tiền 220 triệu đồng để nâng cấp và tu sửa, nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp, nên cũng chỉ sửa sang được một phần ít di tích. Năm 2010, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, địa phương đã làm hồ sơ dự án nâng cấp di tích và UBND tỉnh đã có quyết định cho thành lập dự án để nâng cấp và mở rộng ngôi nhà ông Hoàng Viện. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ đồng, bao gồm 4 hạng mục: Nâng cấp, tôn tạo di tích gốc; Xây dựng nhà lưu niệm, nâng cấp đường vào di tích; Xây dựng cầu bắc qua sông và cổng làng cho nhân dân Châu Sơn. Tuy nhiên, hiện nay tất cả vẫn đang nằm trên giấy tờ.

Bên cạnh đó, nhiều di tích đã được tôn tạo nhưng vẫn khó phát huy được giá trị do ở xa trung tâm, người trông coi, bảo vệ di tích không có khả năng thuyết minh, giới thiệu khi có du khách đến tham quan. Ngân sách chống xuống cấp di tích còn hạn hẹp, nên nhiều di tích không đủ kinh phí để sửa chữa, dẫn đến đang trên đà xuống cấp.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với cao trào cách mạng 1930 – 1931 ngày càng tốt hơn, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều kênh nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu rõ hơn giá trị to lớn của một giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc ta nói chung, của nhân dân xứ Nghệ nói riêng. Có như vậy, nhân dân mới cùng chung tay, góp sức để bảo tồn, phát huy. Ngành Văn hóa phải xác định rõ những di tích nào cần đầu tư tôn tạo (khi đã có dự án phê duyệt), để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh nhằm đầu tư, tôn tạo đồng bộ. Những địa phương có tiềm năng du lịch, cần gắn kết với các điểm di tích để phát huy; phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội CCB, Hội phụ nữ và nhất là với các trường học trên địa bàn để cùng chăm sóc, bảo vệ...

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Mới nhất
x
x
Cần gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO