Cần giải pháp để ổn định thị trường nông sản

02/07/2012 17:50

(Baonghean) Vụ xuân 2012 Nghệ An được mùa . Nhưng “điệp khúc buồn” lại lặp lại khi giá lúa gạo sụt giảm mạnh mà vẫn không tiêu thụ được.

Ông Nguyễn Văn Hạnh ở xóm 9 xã Xuân Thành (Yên Thành) chán nản: Năm nay lúa xuân được mùa nhưng giá thấp, vừa rồi bán 5 tạ lúa để cho con vào miền Nam tìm việc mà chỉ được 2,5 triệu đồng, bao công sức, tiền của đầu tư làm ra hạt lúa mà thu về không được mấy. Đó là chúng tôi còn có người quen thân làm nghề “máy xát”, họ mua giúp cho chứ trong xóm nhiều nhà muốn bán lúa, giá rẻ mà cũng khó.

Đó cũng là tình trạng chung ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Năm nay, giá lúa gạo giảm rất thấp, các loại lúa lai cao nhất cũng chỉ bán được 550.000 đồng/tạ, những loại có chất lượng gạo ngon như Ac5, Syn6, Nghi hương 2308 cao hơn cũng chỉ 650.000- 700.000 đồng/tạ. Không những giá thấp, mà tình trạng ứ thừa lúa gạo trong dân cũng rất phổ biến. “Nếu mọi năm, ngay khi bà con chưa gặt xong, công ty Bia Nghệ An đã về thu mua hàng trăm tấn lúa tươi ngay tại ruộng, thì năm nay hầu như không thấy ai mua, nhiều gia đình còn hàng tấn lúa tồn muốn bán. Năm nào cũng có chỉ tiêu về mua tạm trữ lúa gạo của Cục Dự trữ Quốc gia. Đợt này, huyện được thông báo là Đô Lương sẽ được bán hơn 200 tấn từ chương trình này, thế nhưng thực tế bà con rất ít khi bán được trực tiếp với mức giá do Nhà nước quy định.

Theo tôi, cần có chỉ tiêu phân phối về cho các xã, tránh tình trạng mua tập trung qua một đầu mối, người nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa phải bán qua tư thương với giá rẻ, lợi ích từ chính sách của Nhà nước lại tập trung ở một số cá nhân. Nhà nước cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con, có chính sách liên kết thông thoáng để kêu gọi doanh nghiệp vào thu mua lúa gạo”- ông Nguyễn Công Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết.

Theo nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, giá lúa gạo giảm thấp như hiện nay là do nhiều yếu tố, nhưng trong đó, một nguyên nhân đặc thù là do chất lượng lúa gạo của Nghệ An hiện rất thấp. Ông Từ Trọng Kim- Trưởng Phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT cho biết: Trong cơ cấu sản xuất của Nghệ An, những năm gần đây lúa lai vẫn luôn chiếm trên 70%, như vụ xuân 2012, diện tích lúa lai chiếm đến 73%, trong đó chỉ có khoảng 1.000 ha (gần 2%) là các giống lúa có năng suất cao nhưng chất lượng gạo khá như giống lúa lai 3 dòng GS9, lúa THB71, Bio 404, Nghi Hương 2308...

Bởi vậy, chất lượng gạo của Nghệ An thấp hơn hẳn so với sản phẩm gạo của các tỉnh, đặc biệt là gạo miền Nam, gạo Thái Lan và giá cả cũng tương ứng với điều đó. Thậm chí, ở nhiều nơi, lúa Khang dân 18 được coi là loại dùng để chăn nuôi vì chất lượng thấp. Những năm qua, lúa gạo Nghệ An chủ yếu bán cho một số nhà máy để chế biến bia rượu, thức ăn gia súc chứ hầu như chưa bán được cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp, trừ một vài lần Tổng công ty Lương thực miền Bắc thu mua để xuất khẩu sang Lào.

Cùng chất lượng nông sản thấp, hiện việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân cũng chưa được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc liên kết “4 nhà” hầu như chỉ mới dừng lại giữa doanh nghiệp và nông dân, có sự chỉ đạo thông qua xây dựng kế hoạch của nhà nước chứ nhà nước hoàn toàn chưa khâu nối được vấn đề tiêu thụ nông sản.

Hiện một số sản phẩm đã có ký hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân, nhưng mới chủ yếu là sản phẩm mía và chè. Trong gần 180.000 ha sản xuất lúa hàng năm của tỉnh, hiện mới có khoảng 4.000 ha lúa AC5 của Công ty TNHH Vĩnh Hòa là có hợp đồng đầu tư, tiêu thụ rõ ràng, ngoài ra có một số diện tích sản xuất giống lúa VTNA2 được Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An đầu tư sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm, còn lại hầu như người dân đang phải tự bán, và điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn thường lặp đi lặp lại.

Với gần 3 triệu dân, từ năm 2007, Nghệ An đã đạt mục tiêu gần 1 triệu tấn lương thực/năm và hiện nay là trên 1 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ bình quân chỉ là gần 800 nghìn tấn/năm. Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh ta đã đặt ra vấn đề sản xuất hàng hóa cho cây lúa. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường bằng công tác giống và công nghệ sản xuất hiện đại. Cụ thể, Sở KHCN đã xây dựng đề tài chọn giống lúa thuần chất lượng cao cho các vùng sinh thái Nghệ An, Sở NN&PTNT cũng đã có các dự án xây dựng vùng lúa thuần chất lượng cao. Tại các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu... đã tiến hành nghiệm thu ban đầu việc sản xuất các giống lúa chất lượng cao như Hương thơm số 1, Bắc thơm 7, TL28, TL6... nhưng diện tích vẫn còn ít.

Từ yêu cầu phát triển sản xuất, Sở NN&PTNT đang tiến hành đầu tư xây dựng các cánh đồng mẫu lớn thông qua các đơn vị như Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa và đặc biệt là Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp, trong đó áp dụng nhiều yếu tố công nghệ cao về giống, tưới tiêu hợp lý, quản lý tốt sâu bệnh dịch hại để từ đó có sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao. Ngành Nông nghiệp cũng đã đầu tư du nhập các giống cây trồng mới, tổ chức tốt hoạt động của hệ thống khuyến nông, thực hiện các mô hình ra tạo những vùng sản xuất có giá trị hàng hóa cao.

Tuy nhiên, để có hướng đi hiệu quả, ổn định hơn cho thị trường nông sản, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phù hợp, trong đó phải xác định rõ, chất lượng nông sản là vấn đề sống còn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phải nâng cao được chất lượng nông sản mới nâng cao được sức cạnh tranh. Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng, biện pháp hiệu quả và thể hiện rõ vai trò trong việc giúp nông dân tổ chức lại thị trường, trong đó cần đặc biệt phát huy vai trò của doanh nghiệp, với chiến lược đầu tư sản xuất, thu mua lại sản phẩm có chất lượng để xuất bán với giá trị cao.

Được biết, trong dự thảo gửi Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của vụ hè thu. Doanh nghiệp mua tạm trữ sẽ được hỗ trợ lãi suất trong vòng 3 tháng, dự kiến từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9/2012.


Phú Hương

Cần giải pháp để ổn định thị trường nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO