(Baonghean) - Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở Nghệ An có nhiều đổi thay, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống người dân... Tuy nhiên có những tiêu chí “mềm” mà hoàn thành đã khó, giữ vững càng khó hơn nên đòi hỏi các xã đã về đích và đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí đều phải quan tâm cao...
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có nhiều tiêu chí như giao thông, thủy lợi, điện, trường học… được Nhà nước đầu tư nguồn vốn, kết hợp với sự đóng góp vật chất, công sức của nhân dân sẽ thực hiện thuận lợi và khi hoàn thành dễ phát huy hiệu quả. Nhưng cũng có những tiêu chí “mềm” như: an ninh - trật tự xã hội, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, văn hóa… việc hoàn thành đã gặp nhiều khó khăn, nhưng để giữ vững các tiêu chí này lại càng khó khăn hơn, vì khoảng cách giữa đạt và không đạt ở các tiêu chí này vốn “mong manh”, thiếu bền vững.
 |
Chợ Cầu, xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) được xây dựng và hoạt động vào cuối năm 2014. |
Nam Trung là xã chỉ đạo điểm của huyện Nam Đàn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí “về đích” NTM năm 2014. Diện mạo của xã có những thay đổi tích cực: Đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi; trường học, trạm y tế, nhà văn hoá được xây mới khang trang, sạch đẹp, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, Nam Trung xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mùa vụ và điều kiện đất đai; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao ở các vùng Cung Muội, Hồng Sơn; xây dựng mô hình trồng cây khoai tây, lạc N26 năng suất cao ở các xóm 2 và xóm 9, khoai tây vụ đông…
Ông Đinh Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: “NTM đã mang lại nhiều đổi thay cho xã, mọi mặt đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng, giữ vững và phát triển những tiêu chí đã đạt được là một vấn đề không hề dễ đối với địa phương. Đơn cử như tiêu chí an ninh - trật tự xã hội (tiêu chí số 19) là tiêu chí “động” nên khó giữ. Chỉ cần trên địa bàn xã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; gây rối trật tự xã hội; buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý, chất cháy nổ… là trong năm đó xã đã không duy trì được tiêu chí này. Đặc biệt trong xu thế xã hội phát triển hiện nay, bên cạnh những cái tích cực, tốt đẹp thì luôn có những mặt trái, tiêu cực... len lỏi trong đời sống. Nhận rõ khó khăn ấy, để giữ vững tiêu chí an ninh trật tự - xã hội, xã đã thành lập tổ an ninh nhân dân, an ninh tự quản, tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường và đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời phát huy hiệu quả tổ tự quản, tổ hòa giải trong thôn, xóm; hàng năm tổ chức thi đua giữa các xóm, ký cam kết về công tác giữ vững an ninh trật tự đến từng gia đình.
Xã Hưng Tiến là xã thứ 2 của huyện Hưng Nguyên cán đích NTM trong năm 2014. Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tiến cho biết: “Chợ Cầu với 41 ki ốt và hơn 100 quầy hàng được xây dựng ở vị trí trung tâm, nằm cạnh trục đường 8B giao thương với 3 xã Hưng Thông, Hưng Thắng, Hưng Xuân. Bên cạnh những thuận lợi để xã nhà phát triển thương mại - dịch vụ, Hưng Tiến cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình ANTT. Mặt trái của sự thuận lợi về địa hình là những nguy cơ, tệ nạn luôn rình rập và xâm lấn. Để giữ vững tiêu chí này, xã Hưng Tiến đã tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, họp dân; tuyên truyền tại các khu dân cư; hướng dẫn người dân nhận biết thủ đoạn của tội phạm để phòng ngừa, cảnh giác. Công an xã thường tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân để nắm tình hình ANTT. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cũng đều vào cuộc chung tay cùng người dân địa phương giữ gìn ANTT và sự bình yên ở mỗi xóm làng”.
Việc thực hiện tiêu chí số 16 về xây dựng nếp sống văn hoá, nhiều địa phương chia sẻ, đây là một tiêu chí “mềm”, việc đạt được tiêu chí này không quá khó như tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), nhưng việc giữ vững lại là thách thức lớn. Tiêu chí văn hóa có sự gắn kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở mỗi địa phương. Ví như ở xã Thái Sơn (huyện Đô Lương) có 12 xóm, nhưng tính đến năm 2014 mới chỉ có 2 xóm được công nhận xóm văn hoá. Trên thực tế từ năm 1998 đến nay, Thái Sơn không có thêm xóm nào được công nhận xóm văn hóa, vì vi phạm tiêu chí kế hoạch hóa gia đình, trong năm có trường hợp sinh con thứ 3.
Còn ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) phong trào xây dựng làng văn hoá phát triển mạnh, đạt chuẩn quốc gia về thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ; Toàn xã hiện có 9/11 thôn được công nhận làng văn hoá. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trường Tam - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lĩnh: Để được công nhận làng văn hóa phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn như: 80% số gia đình trở lên có đời sống kinh tế ổn định, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, từ 80% số hộ trở lên được công nhận là gia đình văn hóa, không có cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, không có người vi phạm pháp luật trong năm thì mới đạt làng văn hóa. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những cá nhân ý thức chưa cao, gây cản trở trong việc phấn đấu xây dựng làng văn hoá chung của xóm, xã…
Trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng sâu rộng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 5.662/5.837 khu dân cư có quy ước; 2.961 làng văn hóa (đạt 36,8%). Tuy nhiên khó khăn là nếu các địa phương không tích cực phấn đấu thì tiêu chí làng văn hóa rất khó đạt. Ngược lại, nếu không làm thực chất mà chạy theo thành tích thì việc công nhận danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa sẽ rơi vào tình trạng hình thức, chiếu lệ và dễ bị mất danh hiệu.
Hiện tỉnh ta có 33/431 xã đã hoàn thành xây dựng NTM (đạt 7,65% số xã). Đến hết năm 2015, tỉnh đặt mục tiêu có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì cần có sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân các địa phương. Theo ông Bùi Đình Đông, Phó phòng Hành chính - Tổng hợp Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh: “Việc duy trì và phát triển các tiêu chí rất khó, đặc biệt là các tiêu chí có những điều chỉnh, thay đổi chuẩn theo từng năm, như thu nhập, hộ nghèo. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của người dân để hoàn thành và duy trì phát triển tiêu chí. Mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Vì thế, không phải cứ đạt chuẩn là kết thúc, mà tất cả chỉ mới bắt đầu. Khi đã đạt chuẩn, các xã còn phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững và phát triển các tiêu chí lên tầm cao mới, để thực sự góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội nông thôn tỉnh nhà”.
Ngọc Anh