Cần khẩn trương nâng cấp đường nguyên liệu Thành - Bình - Thọ
Đó là tuyến đường nối từ cầu Cây Chanh thuộc xã Đỉnh Sơn vượt sông Cả đi qua 3 xã Thành Sơn, Bình Sơn và Thọ Sơn, (Anh Sơn) nằm ở phía tả ngạn, người thường được gọi là “tuyến đường nguyên liệu Thành – Bình - Thọ”. Tổng chiều dài của tuyến đường qua 3 xã khoảng 20 km đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
(Baonghean) Đó là tuyến đường nối từ cầu Cây Chanh thuộc xã Đỉnh Sơn vượt sông Cả đi qua 3 xã Thành Sơn, Bình Sơn và Thọ Sơn, (Anh Sơn) nằm ở phía tả ngạn, người thường được gọi là “tuyến đường nguyên liệu Thành – Bình - Thọ”. Tổng chiều dài của tuyến đường qua 3 xã khoảng 20 km đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
NHỮNG trận mưa rả rích, kéo dài trong suốt đợt không khí lạnh càng khiến con đường trở nên lầy lội, trơn trượt, hầu hết các phương tiện xe gắn máy đều phải di chuyển thật chậm nếu không muốn “vồ ếch”, thảng hoặc có chiếc xe tải chở mía, sắn nguyên liệu đi ngược chiều ra thì nhất loạt xe máy phải dừng lại nhường đường. Đó là những hình ảnh mà tôi được chứng kiến khi đi dọc con đường “khốn khổ” này vào xã Thọ Sơn. Cách đây gần 10 năm khi đưa vào sử dụng, tuyến đường do Sở Giao thông – Vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư này đã thực sự phát huy được hiệu quả không chỉ đối với người dân 3 xã trên mà còn với các địa phương khác của huyện Con Cuông, Tân Kỳ trong việc giao thương, đi lại, đặc biệt là vận chuyển mía nguyên liệu từ Thành Sơn, Bình Sơn và Thọ Sơn về Nhà máy mía đường của Công ty CP Mía đường Sông Lam đóng ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn.
Đường nhựa cấp V miền núi xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong thời gian khoảng 3 năm trở lại đây, con đường được thi công theo tiêu chuẩn cấp V miền núi có trọng tải 13 tấn nhanh chóng xuống cấp, ở nhiều đoạn mặt đường lồi lõm, lớp nhựa bề mặt bị bong tróc gần hết, thay vào đó là đường đất, dẫn đến việc đi lại hết sức khó khăn. Ông Phạm Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do xe chở quá tải đi lại nhiều. Bên cạnh đó, từ khi cầu Cây Chanh khánh thành đưa vào sử dụng, lưu lượng phương tiện đi lại tăng lên so với trước kia. Tất cả các nguyên nhân trên dẫn đến tuyến đường nhanh chóng xuống cấp”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng ở Thọ Sơn với 400 ha mía nguyên liệu, một vụ thu hoạch bình quân 14.000 – 15.000 tấn mía thì lưu lượng xe chở nguyên liệu vào ra mỗi vụ đã là số lượng rất lớn, kèm theo đó là xe chở keo, chở khoáng sản hoạt động… Do đó, con đường nguyên liệu huyết mạch này nhanh chóng xuống cấp cũng là điều dễ hiểu.
Mấy năm nay, chính sự xuống cấp này không chỉ gây ảnh hưởng cho việc vận chuyển nguyên liệu của nhà máy mía đường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cư dân địa phương, chỉ tính riêng xã Thọ Sơn đã là 810 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu. Chị Nguyễn Thị Thái – xóm 5, Thọ Sơn bức xúc: Chỉ cần mưa xuống là nhiều đoạn đường biến thành ao bùn, rất khó di chuyển. Trước đây có đường thì chưa có cầu Cây Chanh, nay đã có cầu thì đường lại hư hỏng. Nhân dân chúng tôi có việc gì quan trọng mới dám đi lại. Vất vả nhất là mấy cháu học sinh cấp 3, vượt 12 cây số đường rừng trong điều kiện đường sá như vậy để đi học”. Theo ông Phạm Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, cả xã hiện có hơn 150 em học sinh theo học Trường THPT Anh Sơn 3, hầu hết các em phải thuê trọ để đi học do đường xuống cấp, nhiều gia đình đã khó khăn nay càng khó khăn hơn do phải gánh thêm khoản tiền trọ, tiền sinh hoạt hàng tháng. Do đó, mong muốn của bà con là có phương án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để phục vụ đi lại thuận tiện.
Rời Thọ Sơn, tôi ngược trở ra Thành Sơn – nơi đường giao thông xuống cấp nhiều nhất. Ông Đỗ Minh Đức – Phó trưởng Công an xã Thành Sơn cho biết: “Từ khi đường xuống cấp, số lượng vụ tai nạn giao thông chúng tôi ghi nhận được có chiều hướng tăng. Rất may là không có vụ nào nghiêm trong do hầu hết mọi người đều ý thức di chuyển chậm khi đi qua con đường này. Mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội, đi lại vất vả lắm!”.
Trước thực trạng này, nhân dân phản ánh nhiều, UBND huyện Anh Sơn đã 2 lần phải hỗ trợ ngân sách cho các xã Thành – Bình – Thọ để phối hợp với nhân dân sửa chữa. Năm 2011, huyện hỗ trợ mỗi xã trung bình 40 – 70 triệu đồng. Năm 2012, UBND huyện cũng đã hỗ trợ xã Thành Sơn 120 triệu đồng, Bình Sơn và Thọ Sơn 60 triệu đồng/ xã. Ngoài ra, Công ty CP Mía đường Sông Lam cũng đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho các xã trên để khơi thông đường nguyên liệu. Tuy nhiên, cách xử lý như trên vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, bởi nền đường có nhiều đoạn đã xuống cấp quá nặng. Vừa qua, UBND tỉnh đã cho chủ trương giao cho UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 km trên tuyến đường nguyên liệu (đây là những đoạn hư hỏng quá nặng, xe khó đi lại). Huyện Anh Sơn dự kiến sẽ tiến hành sửa chữa cải tạo trong quý I năm 2013. Đây là tín hiệu vui đối với cử tri nhân dân 3 xã Thành – Bình – Thọ, bởi nguyện vọng về một con đường đảm bảo tiêu chuẩn góp phần cải thiện điều kiện giao thương, đi lại, bớt nhọc nhằn cho bà con là hoàn toàn chính đáng.
Thành Duy