Cần làm rõ hơn hiến định Quyền con người
Hiến pháp đạo luật gốc, đạo luật cơ bản, nội dung cần ngắn gọn, cô đọng nên không thể trình bày đầy đủ các khái niệm nói chung trong Hiến pháp, trong đó có khái niệm quyền con người. Bởi vậy, chúng ta cần làm rõ khái niệm Quyền con người để có sự thống nhất nhận thức về tư tưởng và tạo sự đồng thuận toàn xã hội.
(Baonghean) - Hiến pháp đạo luật gốc, đạo luật cơ bản, nội dung cần ngắn gọn, cô đọng nên không thể trình bày đầy đủ các khái niệm nói chung trong Hiến pháp, trong đó có khái niệm quyền con người. Bởi vậy, chúng ta cần làm rõ khái niệm Quyền con người để có sự thống nhất nhận thức về tư tưởng và tạo sự đồng thuận toàn xã hội.
Trên các văn kiện cơ bản của Liên hiệp quốc, trong đó có bản "Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người" 1948 và các công ước quốc tế về Quyền con người, đặc biệt là công ước quốc tế về các quyền dân sự, "Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá" năm 1966 có thể hiểu Quyền con người như sau:
Với tư cách là một giá trị triết lý, đạo đức, Quyền con người là một giá trị cơ bản, vốn có (hoặc còn được gọi là "Quyền tự nhiên") của con người. Những giá trị này bao gồm: nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.
Với tư cách là một giá trị pháp lý, Quyền con người là các quy định pháp luật (trong luật quốc tế và luật quốc gia) nhằm bảo vệ và thực hiện các nhu cầu vật chất và tinh thần của tất cả mọi người về các mặt: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá.
Hiến pháp 1992, Quyền con người đặt ở chương V - "Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Điều 50 trong chương này quy định: "Ở Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyền con người... được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân..." . Như vậy, ở Hiến pháp 1992, khái niệm Quyền con người đồng nhất hoặc nằm trong khái niệm quyền công dân.
So với Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Hiến định Quyền con người đặt ở chương II, ngay sau chương I "chế độ chính trị". Tiêu đề chương II như sau: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
Trước hết, việc đặt Quyền con người ở chương II (so với chương V, trong Hiến pháp năm 1992), đã thể hiện rõ tầm quan trọng của Quyền con người và Quyền công dân so với Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, dự thảo lần này đã thể hiện khá đầy đủ các quyền con người. Bảo vệ quyền con người là một mục tiêu quan trọng của Hiến pháp. Song pháp luật nói chung, Hiến pháp nói riêng luôn mang bản chất chính trị của Nhà nước. Bởi vậy, Hiến pháp của bất cứ các quốc gia nào cũng không chỉ nhằm bảo vệ Quyền con người mà còn bảo vệ chế độ xã hội. Đối với chúng ta, nếu không bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa thì cũng không bảo vệ được Quyền con người.
Thứ hai, cần làm rõ khái niệm Quyền con người về một số phương diện sau: Nói đến Quyền con người là nói đến quyền của tất cả mọi người, quyền tự nhiên của con người. Nói cách khác, đã là người thì ai cũng có quyền cho dù họ có sự khác nhau về chủng tộc, giới tính, tuổi tác, vị thế chính trị, sức khoẻ...
Như vậy, khái niệm Quyền con người rộng hơn khái niệm quyền công dân là quyền của một thành viên của một quốc gia nhất định, được xác định bởi chế độ quốc tịch). Khái niệm Quyền con người còn rộng hơn khái niệm quyền công dân ở một số phương diện khác, đó là những người bị tước một phần nào đó quyền công dân (như quyền tự do cư trú, quyền bầu cử, quyền ứng cử do đang chấp hành một quyết định, một bản án đã có hiệu lực...) hoặc những người mất năng lực về hành vi dân sự (do mắc bệnh tâm thần...)... họ vẫn còn Quyền con người. Liên quan đến nội dung này, Quyền con người cần phải thể hiện rõ thêm một số điểm như sau: Đó là Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các Quyền con người dựa trên nguyên tắc bình đẳng của tất cả mọi người trong phạm vi lãnh thổ (điều này có nghĩa Quyền con người không chỉ là của công dân Việt Nam) và thẩm quyền pháp lý của Việt Nam. Nói cách khác, vấn đề này thể hiện rõ khái niệm Quyền con người rộng hơn Quyền công dân.
Về mặt thời gian, Quyền con người là quyền của mỗi con người có từ khi người đó được sinh ra (ở một số nước, pháp luật quy định bào thai phát triển đến một mức nào đó cũng được xem là đã có Quyền con người) cho đến khi qua đời. Trong khi đó, Quyền công dân có thể bị tước đoạt (một phần) khi người đó vi phạm pháp luật. Hoặc trong trường hợp người đó mất năng lực hành vi dân sự (do mắc bệnh tâm thần).
Trong thực tiễn, nói đến Quyền con người là nói đến pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó người dân là chủ thể của quyền, Nhà nước là người tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền của người dân. Cho nên Dự thảo cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, của cán bộ công chức đối với người dân.
Vì vậy, cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi cụ thể vào Dự thảo Hiến pháp như sau:
Về mặt ngôn từ điều luật cần biên tập làm cho khái niệm Quyền con người được chính xác hơn, như: Trong Điều 15.1 Dự thảo có đoạn viết "Quyền con người... được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm..." viết như vậy là chưa chính xác.
Như trên đã phân tích, Quyền con người là cái vốn có, nó không phụ thuộc vào việc có thừa nhận hay không. Mặt khác, dùng khái niệm "thừa nhận" có thể dẫn đến hiểu nhầm. Sự tồn tại Quyền con người ở Việt Nam là do một sức ép nào đó từ bên ngoài nên phải "thừa nhận", hơn nữa viết như vậy là thừa vì đã "tôn trọng" còn bao hàm cao hơn "thừa nhận".
Điều 16.2 chương II, Dự thảo viết: Không ai được lợi dụng Quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền lợi ích của người khác. Ở đây cụm từ "không được lợi dụng Quyền con người..." không rõ khái niệm "lợi dụng" có nhiều cách giải thích và có thể bị vận dụng tuỳ tiện hoặc xuyên tạc. Do vậy có thể sửa đổi lại như sau: "Trong khi hưởng thụ quyền của mình, mọi người không được xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của người khác".
Điều 20, Chương II, cần bổ sung nguyên tắc sau: "Không ai được lợi dụng quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân để làm trái pháp luật và chính sách Nhà nước".
Điều 26, Chương II, đề nghị bổ sung thêm quy định: "Không ai được lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".
Điều 29.2, Chương II, Dự thảo viết: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội". Viết như vậy vẫn còn theo cách trình bày cũ - Nhà nước là người "cho" (vì tạo điều kiện" không thể hiện rõ yêu cầu bắt buộc đối với Nhà nước. Nói đúng hơn Nhà nước có thể hoặc không làm). Do vậy, cận sửa đổi lại như sau: "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội".
Khoản 1, Điều 38 có thể nghiên cứu, bổ sung "Công dân được bảo đảm cơ hội việc làm, có quyền lựa chọn việc làm và nơi làm việc".
Khoản 2, Điều 3 8 đề nghị xem xét , sữa đổi thành "nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động trái pháp luật”. Vì nội dung của Hiến pháp qui định chung cho tất cả các qui định riêng cho từng nhóm lao động (ở đây là lao động chưa thành niên) sẽ được các luật điều chỉnh cụ thể.
Điều 49, Chương II nên sửa đổi như sau: "Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân và chấp hành những qui tắc sinh hoạt công cộng" (bổ sung cụm từ xây dựng nền an ninh nhân dân).
Khoản 1, Điều 61 đề nghị nghiên cứu, sửa đổi như sau: "Nhà nước khuyến khích; hỗ trợ việc mở rộng và phát triển việc làm; ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, bảo đảm an toàn nơi làm việc cho người lao động; ưu tiên hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn trong tìm kiếm việc làm".
Ngoài ra, trong chương II, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung thêm quy định bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, yếu thế như trẻ em, nữ giới, người mắc bệnh tâm thần, người nhiễm HIV... Vì những người trong nhóm xã hội này thường thiếu khả năng tự bảo vệ của mình. Trên thực tế, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đã quy định về nội dung này như Luật "Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người" năm 2000; Luật "Bình đẳng giới" năm 2006; Luật "Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em" năm 2004 ; Luật "Người khuyết tật" năm 2012... Mặc dù chúng ta đã có văn bản luật về một số nhóm xã hội này nhưng Hiến pháp vẫn cần có quy định về nhóm xã hội dễ bị tổn thương để Nhà nước và xã hội quan tâm hơn, thể hiện đúng Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản.
Quyền con người đối với dân tộc ta là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về Quyền con người xuyên suốt nhiều thập kỷ qua là xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng và từ bản chất của chế độ ta. Nó không phải xuất phát từ sức ép nào của cộng đồng quốc tế hoặc của các lực lượng chính trị đối lập trong và ngoài nước. Như vậy, trong luật sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng ta nên kế thừa những thành quả tư duy lý luận, pháp lý và ý kiến đóng góp của nhân dân, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời kế thừa có chọn lọc thành quả tư duy pháp lý về Quyền con người của nhân loại, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và lợi ích của nhân dân ta.
Trần Văn Hà (6/34 - Phùng Khắc Khoan - P. Hưng Dũng - TP. Vinh)