Cần làm rõ nguyên nhân cháy rừng

10/07/2014 09:31

(Baonghean) - Có thể khẳng định năm nay địa bàn Nghệ An xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất trong những năm gần đây với nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ. Mặc dù các ban ngành đã quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác PCCCR, tuy nhiên, qua các vụ cháy trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế.

(Baonghean) - Có thể khẳng định năm nay địa bàn Nghệ An xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất trong những năm gần đây với nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ. Mặc dù các ban ngành đã quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác PCCCR, tuy nhiên, qua các vụ cháy trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Thiếu “4 tại chỗ”

Từ đầu vụ nắng nóng đến nay, địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 24 vụ cháy rừng, thiệt hại 155 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên… Trong đó, riêng Nam Đàn xảy ra nhiều vụ cháy nhất (7 vụ), với trên 100 ha rừng bị cháy. Nguyên nhân của các vụ cháy được xác định do thời tiết hanh khô kéo dài và ý thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao, chưa kể là nhiều vụ đốt rừng có chủ ý. Như tại huyện Nam Đàn, hầu hết các vụ cháy rừng đều do chủ ý nhưng cơ quan chức năng điều tra xử lý kẻ đốt rừng quá chậm. Điều đáng nói là thực hiện “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ) khi xảy ra cháy rừng tại Nam Đàn còn quá yếu kém. Trách nhiệm PCCCR của người đứng đầu chính quyền, từ huyện và một số xã còn mờ nhạt trong khâu đôn đốc, chỉ đạo.

Cụ thể khi xảy ra cháy rừng địa phương huy động lực lượng tại chỗ được rất ít, như tại xã Nam Lộc, Nam Tân (Nam Đàn) cháy tại Tiểu khu 1018 và Tiểu khu 1017B trên 70 ha ngày 1/6 nhưng 2 xã trên huy động được trên 500 người nhưng thực tế số người tham gia hiệu quả không cao. Tiếp đó, các vụ cháy rừng ở xã Nam Thanh chỉ huy động được 170 người, vụ cháy Nam Nghĩa 150 người, vụ cháy Nam Xuân 190 người… Đặc biệt, “khâu chỉ huy” tại chỗ vẫn còn lỏng lẻo, riêng vụ cháy tại xã Nam Lĩnh ngày 4/6, cháy từ lúc 8h đến 12h30p, khi lực lượng chữa cháy của tỉnh được tăng cường lên nhưng lãnh đạo cốt cán huyện Nam Đàn lại đang bận... họp nên đến quá muộn. Bên cạnh đó, công tác “hậu cần tại chỗ” thiếu thốn các phương tiện dập lửa nên không có để cấp phát cho nhân dân, một số bà con đi dập lửa phải tự chủ động phương tiện và lúng túng trong dập lửa. Anh Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Trong phòng cháy chữa cháy rừng thì phương án “4 tại chỗ” vô cùng quan trọng, nhưng “4 tại chỗ” tại Nam Đàn còn rất yếu kém, huyện cần rút kinh nghiệm, không nên trông chờ ỉ lại lực lượng tăng cường chữa cháy rừng của tỉnh.

Qua các vụ cháy, chúng ta thấy một số địa phương còn lơ là trong khâu canh gác lửa rừng, phát hiện lửa rừng chậm. Như BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý khá nhiều diện tích thông nhưng chủ quan và thiếu trách nhiệm trong khâu canh gác lửa rừng. Chẳng hạn, ngọn lửa bùng phát đầu tiên tại đập Ba Khe, xóm 4, xã Nam Lộc (Nam Đàn) chỉ cách trạm Quản lý bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn chừng 700m nhưng vẫn không phát hiện kịp. Chứng tỏ thời điểm xảy ra cháy rừng, cán bộ của Trạm đã không có mặt tại trạm để canh gác, hoặc lơ là không phát hiện kịp thời. Thế nhưng, ngay sau vụ cháy rừng lớn ở Nam Lộc, ông Lê Đình Minh - Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn còn “khoe” với tôi: Trạm BVR Nam Lộc lúc nào cũng có 4-5 cán bộ canh gác lửa rừng.

Khi tôi đến thì chỉ thấy duy nhất có mỗi một cán bộ đang trực tại trạm. Ban này còn “chủ quan” mấy năm nay không giao khoán rừng cho nhân dân quản lý. Theo các hộ dân ở Nam Tân phản ánh lý giải từ năm 2006 Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn giao cho một số hộ dân Nam Lộc và Nam Tân bảo vệ và khai thác nhựa thông. Do giao khoán không phù hợp nên Ban quản lý đã đình chỉ các hộ trên và cho một số đơn vị khác ở nơi khác vào quản lý bảo vệ khai thác nhựa. Người dân không được hưởng lợi từ rừng, nảy sinh mâu thuẫn, nhiều hộ dân đã lên đập phá gây mất trật tự an toàn ở khu vực rừng thông.

Cháy rừng, ngoài các vụ đốt có chủ ý và điều kiện khách quan khác còn do ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Như vụ cháy 2,7 ha rừng tại Tiểu khu 1023a (rú Đại Huệ) xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), theo điều tra ban đầu, đám cháy xuất phát từ hộ ông Nguyễn Ngọc Não ở xóm Phúc Điền, Đại Huệ đốt mùn cưa. Vụ cháy tại Công Thành và Mỹ Thành (Yên Thành) ngày 22/5 cũng đang nghi cháy do đốt rẫy ở các hộ dân giáp ranh giữa xã Thượng Sơn (Đô Lương) và xã Mỹ Thành (Yên Thành). Đặc biệt, vụ cháy tại xã Thượng Sơn (Đô Lương) xảy ra lúc 4 giờ sáng ngày 25/5, ngay sau khi phát hiện thì lực lượng kiểm lâm cùng huyện, xã đã huy động lực lượng chữa cháy, đến 7 giờ sáng đã dập được đám lửa và giao cho UBND xã Thượng Sơn tổ chức canh phòng. Tuy nhiên, chính quyền xã Thượng Sơn đã lơ là, chủ quan trong khâu canh gác khiến ngọn lửa bùng phát trở lại gây cháy lớn và lan sang tận xã Bảo Thành (Yên Thành). Đến khoảng 4 giờ chiều cùng ngày mới khống chế được lửa rừng, trong quá trình chữa cháy đã khiến 1 người dân xã Bảo Thành (Yên Thành) tử nạn, 1 người bị thương.

Vẫn còn tình trạng dân quân tự vệ đi chữa cháy rừng bằng “tay không”.
Vẫn còn tình trạng dân quân tự vệ đi chữa cháy rừng bằng “tay không”.

Chứng kiến vụ cháy ngày 22/5 tại xã Công Thành, Mỹ Thành, chúng tôi còn thấy nhiều bà con do chưa có kiến thức, kỹ năng dập lửa vẫn lao vào đám cháy ngược chiều gió, khiến 2-3 người dân xã Công Thành bị “lạc” đám khói bụi. Còn một số lực lượng dân quân tự vệ được huy động từ các xã khác sang Mỹ Thành dập lửa lại theo kiểu “đối phó” - đi chữa cháy rừng bằng “tay không”.

Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm

Ông Lê Cao Bính - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, cho biết: Qua các vụ cháy rừng, bên cạnh những hạn chế vẫn có thể thấy rằng chính quyền một số địa phương đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác PCCCR, như Đô Lương, Yên Thành, lãnh đạo huyện đã có mặt trực tiếp để phối hợp trực tiếp dập lửa. Đặc biệt là anh Trần Bá Công (dân quân xã Bảo Thành-Yên Thành) đã hy sinh trong lúc cứu rừng. Các lực lượng quân đội, kiểm lâm cơ động, công an… không quản ngại gian khó, nỗ lực tham gia chữa cháy đến cùng, đã có 2 chiến sỹ bị thương khi chữa cháy tại Nam Đàn. Tại huyện Đô Lương, sau vụ cháy đã nghiêm túc tổ chức họp rút kinh nghiệm và có Quyết định khiển trách đối với ông Nguyễn Tất Hảo - Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn về việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong PCCCR và Hội đồng kỷ luật đang đề xuất kỷ luật Trưởng Công an xã và Xã đội trưởng xã Thượng Sơn. Tuy vậy, chính quyền một số địa phương, chủ rừng chưa vào cuộc tích cực, quyết liệt trong cứu chữa cháy rừng, khi nhận được thông tin cháy rừng không xử lý nhanh mà để đám cháy bùng phát lớn rồi mới tổ chức lực lượng cứu chữa, gây thiệt hại lớn về rừng. Điều đặc biệt là liên tiếp để xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở Nam Đàn, mặc dù UBND huyện Nam Đàn đã họp rút kinh nghiệm nhưng lại rất… chung chung, không làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra cháy rừng, không xử lý, khiển trách cán bộ xã, huyện, chủ rừng nào cả.

Cháy rừng ở Thượng Sơn (Đô Lương). Ảnh: Hữu Hoàn
Cháy rừng ở Thượng Sơn (Đô Lương). Ảnh: Hữu Hoàn.

Ông Bính cho biết thêm: Để chữa cháy rừng hiệu quả cần giải quyết dứt điểm các tranh chấp, tiến hành giao khoán rừng và phân định trách nhiệm cho nhân dân. Các địa phương, đơn vị chủ rừng, chủ hộ, các tổ liên gia bố trí lực lượng thay nhau thường trực tại rừng, cửa rừng, ngăn cấm, nhắc nhở người vào rừng có ý thức bảo vệ rừng. Thực hiện PCCCR, theo phương châm lấy phòng cháy là chính và thực hiện "4 tại chỗ". Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy chính quyền huyện, xã, xóm, chủ rừng và lực lượng kiểm lâm. Tất cả các vụ cháy rừng xảy ra, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện, chi cục kiểm lâm phải có mặt tại hiện trường để chỉ huy điều hành chữa cháy rừng tại hiện trường theo phương án PCCCR theo quy định. Đồng thời báo cáo nhanh mọi diễn biến vụ cháy rừng về văn phòng thường trực để có phương án tăng cường lực lượng chữa cháy rừng.

Qua các vụ cháy rừng, có nhiều vụ nghi đốt rừng có chủ ý, cơ quan chức năng cần nhanh chóng truy tìm ra kẻ đốt rừng để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nếu cháy rừng xảy ra thông tin chậm, xử lý không kịp thời, tổ chức chữa cháy rừng không có hiệu quả, để xảy ra cháy lớn, thì sau vụ cháy đề nghị cần làm rõ trách nhiệm thuộc về tập thể, cá nhân để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cần làm rõ nguyên nhân cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO