Cần làm rõ những sai phạm ở xã Hưng Lĩnh

08/08/2013 14:20

(Baonghean) - Theo đơn thư phản ánh của ông Ngô Bá Nhường, trú tại xóm 6, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) về những sai phạm của UBND xã Hưng Lĩnh, phóng viên Báo Nghệ An đã tìm hiểu và thấy những nội dung phản ánh là có cơ sở…

Việc thứ nhất, ông Ngô Bá Nhường phản ánh: Năm 2008, hợp tác xã lập hồ sơ giả kê khai số diện tích trồng lạc bên soi (đất trồng lạc của địa phương) do thời tiết rét không lên được để nhận tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện. Theo đó, xã không chi cho dân mà vẫn lập danh sách có tên từng hộ ký nhận. Qua xác minh, ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại xóm 6, bức xúc: “Năm 2008 gia đình tui không được hỗ trợ chi cả, cũng có ký nhận chi mô. Chữ tui mần chi được đẹp như ri!”. Bà Đặng Thị Huệ, trú cùng xóm cũng không khỏi bức xúc: “Vùng đất soi, gia đình tui có diện tích chưa đến 1 sào, năm 2008 cũng không có hỗ trợ chi…”. Nhiều hộ khác cũng thừa nhận họ không hề được nhận tiền hỗ trợ về việc lạc chết rét năm 2008, thế nhưng, UBND xã Hưng Lĩnh vẫn lập danh sách 12/13 xóm được nhận tiền mua giống lạc khắc phục vụ xuân 2008.

Khi hỏi về vấn đề này, ông Hồ Quang Thông, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hưng Lĩnh thanh minh: “Năm 2008 thời tiết rét đậm rét hại, tỉnh, huyện có chủ trương hỗ trợ khắc phục. Tiếp chủ trương đó, xã thống kê có 30 ha/60 ha lạc hư hại để đề nghị cấp trên hỗ trợ. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 70% (= 42 triệu đồng), huyện 20% (= 12 triệu đồng), xã 10% (= 6 triệu đồng). Nhưng do tiền hỗ trợ không kịp thời, khi tiền về lại phát sinh hư hỏng trạm bơm nên dân thống nhất xuất kinh phí này để khắc phục trạm bơm. Tuy nhiên, vẫn phải ký nhận tiền để hợp thức hoá. Danh sách do xóm trưởng lập, gửi xuống xã tổng hợp để gửi lên huyện”. Tìm gặp ông Ngô Bá Đường, nguyên xóm trưởng thời điểm đó, thì ông quả quyết: “Tôi không lập danh sách tổng hợp các hộ có diện tích lạc chết rét và tình hình khắc phục vụ xuân 2008, cũng không ký vào biên bản tổng hợp. Chữ ký trong biên bản không phải chữ của tôi. Tôi là Ngô Bá Đường mà lại ghi là Ngô Xuân Đường”.

Để minh chứng cho việc có sự thống nhất chuyển đổi tiền hỗ trợ lạc chết rét sang khắc phục trạm bơm, ông Thông cho chúng tôi xem biên bản trích Hội nghị đánh giá năng suất sản lượng hè thu năm 2008 (văn bản đánh máy) đề ngày 1/9/2008, trong đó có đề cập đến việc chuyển đổi kinh phí khắc phục trạm bơm. Theo ông Thông, đây là văn bản trích từ biên bản cuộc họp. Nhưng khi chúng tôi đề cập muốn xem biên bản cuộc họp thì ông Thông nói ở bên Văn phòng Uỷ ban nhưng sang Văn phòng Uỷ ban thì ông Trần Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho rằng “Thanh tra đang vào làm, toàn bộ hồ sơ đang bên hợp tác xã cả”.

Thứ hai, trong đơn phản ánh, ông Nhường cho rằng năm 2007, xã đã bán 6 thửa đất với giá 40.000 đồng/m2 và đã thu tiền bằng giấy viết tay nhưng mãi đến nay vẫn không làm thủ tục cấp bìa cho các hộ dân. Sự việc này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhuận, ông Lê Văn Hường ở xóm 9B, cho biết: “Được sự nhất trí của UBND xã, năm 2007 gia đình tôi được mua lô đất tại xóm 9B với diện tích 300m2, tương đương 12.000.000 đồng. Ngày 23/10/2007, gia đình tôi đã nạp tiền và anh Quang chủ tịch (Nguyễn Đình Quang, nay là Phó Chủ tịch HĐND xã Hưng Lĩnh) đã ký, đóng dấu đỏ vào giấy nhận tiền nhưng mãi đến nay gia đình tôi vẫn không được cấp bìa. Vì vậy, mỗi khi có việc lớn muốn vay mượn cũng chịu vì không có gì để thế chấp”. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quang - Phó Chủ tịch HĐND xã Hưng Lĩnh một mực từ chối: “Cái này hiện nay tôi chưa chuẩn bị được. Tôi sẽ trả lời sau, xin hẹn dịp khác”.



Mảnh đất tại xóm 9B được xã Hưng Lĩnh “bán” cho bà Nguyễn Thị Nhuận từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được làm thủ tục cấp bìa.

Vấn đề thứ ba, ông Nhường cho rằng trong xây dựng nông thôn mới, UBND xã Hưng Lĩnh đã thu tiền của dân nhưng không đưa vào ngân sách mà giao cho HTX tự tung tự tác. Việc này, ông Trần Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho rằng “Cái này bên nào thu cũng được, không quan trọng!”. Trong khi ông Hồ Quang Thông thừa nhận: “Nhiệm vụ là của Uỷ ban, việc không nộp vào ngân sách là sai. Nhưng do nộp phải làm hồ sơ thủ tục, khi rút ra phải mất 10% tiền thuế... Vì vậy xã đã bàn đi bàn lại và giao cho HTX”.

Chính từ việc giao cho HTX, nhưng thiếu giám sát chặt chẽ nên dẫn đến không ít những sai phạm. Đơn cử số liệu nghiệm thu của xóm 9A so với số liệu thanh quyết toán chênh lệch đến 6.000.000 đồng (theo văn bản nghiệm thu chỉ 18.879.000 đồng, trong khi bảng tổng hợp thanh quyết toán lên đến 24.899.000 đồng). Khi phóng viên đề cập đến một số nội dung người dân đang bức xúc như vét mương, đắp đường chỉ trả cho dân 1m3 là 20.000 đồng, trong khi thuê một cá nhân ở xã Kim Liên đứng ra làm thì trả 44.000 đồng/m3 đào đắp; thuê máy đào đất rú múc lên xe vận chuyển xuống đắp đường, mỗi xe 5m3 chỉ hết 225.000 đồng (gồm 100.000 đồng tiền vận chuyển, 100.000 đồng tiền múc đất lên xe, 25.000 đồng tiền dàn đất), trong khi xã hạch toán với dân, mỗi xe chở đất 5m3 bao gồm múc, vận chuyển, dàn đất được trả với giá 525.000 đồng (chênh lệch mỗi xe lên tới 300.000 đồng) thì các cán bộ ở xã Hưng Lĩnh thoái thác lảng tránh không chịu trả lời.

Qua đơn thư phản ánh của ông Ngô Bá Nhường và tìm hiểu của phóng viên, rõ ràng đang có sự mập mờ, tiêu cực ở xã Hưng Lĩnh. Các cơ quan chức năng huyện Hưng Nguyên cần vào cuộc kiểm tra, sớm làm sáng tỏ vấn đề, không để phát sinh khiếu kiện, mất lòng tin trong quần chúng nhân dân.


Bài, ảnh: Đặng Nguyễn

Mới nhất

x
Cần làm rõ những sai phạm ở xã Hưng Lĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO