Cần làm rõ trách nhiệm nhà thầu

20/04/2012 15:06

(Baonghean) - Lâu nay, các công trình giao thông thi công dang dở phần lớn do thiếu vốn. Thế nhưng, chuyện "hy hữu" lại xảy ra ở huyện Quế Phong, năm 2010 huyện này đã phải trả lại số vốn 8,5 tỷ đồng do không có khối lượng để giải ngân.

Dự án đường vào trung tâm xã Quang Phong do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 23/10/2007 với tổng mức đầu tư gần 23 tỷ đồng. Do thay đổi thiết kế một số đoạn trên tuyến, ngày 27/11/2009 UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự toán lên 35,428 tỷ đồng. Công trình do liên doanh 2 nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng An Thịnh và Công ty CPXD -TM 423 thi công. Trải qua 5 năm, với tổng chiều dài 15 km đến nay vẫn còn hơn 3 km chưa thi công, hoặc thi công dang dở, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong vùng, nhất là những tháng mùa mưa.

Và chuyện khá ngược đời trong thời điểm đói vốn là năm 2010 huyện đã phải trả lại 8,5 tỷ đồng do không có khối lượng. Tiến độ chậm đã diễn ra ngay từ đầu, thể hiện ở giấy mời làm việc ngày 16/6/2008. Trong giấy mời ghi rõ: "Đây là cuộc họp cuối cùng bàn về tiến độ. Chủ đầu tư UBND huyện sẽ không chịu trách nhiệm trước thái độ bất hợp tác, vi phạm hợp đồng của nhà thầu". Vì chậm tiến độ, dự án đã phải gia hạn hợp đồng đến 2 lần, lần mới nhất vào tháng 6/2010. Theo Quyết định, hạn cuối cùng để hoàn thành là 30/12/2010. Nhưng đến nay, công trình vẫn còn hơn 3 km chưa thi công. Qua tìm hiểu được biết, trong năm 2011 đến đầu năm 2012, cả 2 nhà thầu đều ngừng thi công. Đầu năm 2012, trong chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đã chỉ đạo UBND huyện cùng với nhà thầu phải gấp rút hoàn thành tuyến đường. Thực hiện chỉ đạo, UBND huyện đã họp với các nhà thầu bàn phương án thi công. Tại cuộc họp ngày 13/2/2012, các nhà thầu đã cam kết hoàn thành dự án vào 31/3/2012. Thế nhưng, đã quá thời hạn cam kết mà công trình vẫn đang thi công một cách đối phó.



Thiết bị máy móc của Công ty 423 không hoạt động.

Cùng với một cán bộ quản lý của ban vào tuyến, chúng tôi được chứng kiến cảnh thi công "không giống ai" của các nhà thầu. Tại km10+70, công nhân của Công ty 423 đang thi công... 70m đường trên phần đất của mình. Lực lượng thi công gồm 1 máy lu, 2 công nhân, 1 lái máy và... 3 cán bộ kỹ thuật. Họ đang lu lèn mặt đường với tổng chiều dài 70m, nhưng không hề có một cục đá 4-6 nào vương vãi. Về phía cuối tuyến khoảng non 1 cây số, người cán bộ đi cùng chỉ cho tôi "đại bản doanh" của Công ty 423. Nhìn vào chỏng chơ mấy thùng nhựa đường, 1 máy gạt cỏ phủ kín, 1 máy xúc, 1 xe tải và... dãy lán cũ kỹ. Theo anh Bạch Hưng Hào - người phụ trách ở đây thì, hiện tại Công ty 423 còn hơn 1 km chưa làm nền, 1,5 km chưa làm mặt...

Phía cuối tuyến chúng tôi còn gặp 4 công nhân của doanh nghiệp An Thịnh đang đúc ống cống, hỏi thăm được biết, hiện công nhân trên tuyến đang ngừng thi công.

Trong khi tiến độ thi công được các nhà thầu thực hiện với tiến độ "rùa bò" thì hiện nay, các đơn vị đã ứng đến 80% số vốn. Giá trị xây lắp của Công ty 423 là 10,341 tỷ đồng, đơn vị đã ứng 7,847 tỷ đồng. Tổng giá trị xây lắp của Công ty An Thịnh hơn 12,639 tỷ đồng, đã giải ngân 10 tỷ đồng, hiện tại đơn vị đang nợ khối lượng 1,420 tỷ đồng. Theo cam kết 20% số tiền còn lại đơn vị chỉ được nhận khi công trình đã nghiệm thu. Về mặt bằng thi công, do việc thi công trên tuyến cũ, một số thay đổi thiết kế chủ đầu tư và các bên liên quan đã giải quyết kịp thời. Về giải phóng mặt bằng, về phía huyện (đơn vị làm chủ đầu tư) đã phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết để bảo đảm khi đơn vị thi công cần đến đâu là có "mặt bằng sạch" để bàn giao đến đó.

Vấn đề còn lại là năng lực, thái độ hợp tác của nhà thầu? Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay khối lượng công việc đã hoàn thành của Công ty 423 là 84%, An Thịnh là 71,9%. Khối lượng công việc còn lại không phải là nhiều, do đó, vì quyền lợi của người dân trong vùng, các nhà thầu cần có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình trước mùa mưa.


Công Sáng

Mới nhất
x
Cần làm rõ trách nhiệm nhà thầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO