Cần linh hoạt, phù hợp với thực tiễn

(Baonghean) - Mô hình trường học mới (VNEN) sau 3 năm triển khai thí điểm ở 73 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh ta cho thấy những mặt tích cực và bắt đầu có sự lan tỏa. Dẫu vậy, việc nhân rộng mô hình ở bậc tiểu học và tiếp tục giai đoạn 2 ở bậc THCS trong năm học này đứng trước nhiều khó khăn…
Nhân rộng có lựa chọn ở bậc Tiểu học
Như đã biết, mô hình trường học mới có khởi nguồn từ đất nước Colombia để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy và học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. 
Dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Quán Hành (Nghi Lộc).
Dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Quán Hành (Nghi Lộc).
Dạy học theo mô hình trường học mới, giáo viên tiếp cận được phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học tiên tiến mà lâu nay đã biết nhưng không có cơ hội, điều kiện thực hiện triệt để thông qua tài liệu học và hướng dẫn tập huấn. Học sinh là nhân vật trung tâm, được đổi mới cách học, cách tự học, học bạn, học nhóm, có sự giúp đỡ của thầy khi khó khăn, được tự đánh giá và đánh giá cả quá trình học tập. Mô hình trường học mới có hiệu quả rõ nét về phát triển năng lực và các kỹ năng cơ bản ở học sinh: chủ động, tự tin, tự giác, hợp tác, tự tìm tòi, giao tiếp mạnh dạn, tự nhiên hơn,...
Với 73 trường tiểu học trên địa bàn được thí điểm dạy học theo chương trình trường học mới (VNEN), Nghệ An là một trong những tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép số trường thí điểm lớn nhất. Mặc dù trong thời gian đầu mới triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình, sau 3 năm thực hiện, các trường trên địa bàn thực hiện theo dự án chất lượng dạy học nhìn chung được nâng lên rõ rệt, học sinh đạt chuẩn về kiến thức kỹ năng; tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn các lớp bình thường. Qua khảo sát chất lượng cuối năm 2014 - 2015 chương trình hiện hành, học sinh hoàn thành chương trình đạt 98,2%, phẩm chất đạt 98,1%, năng lực đạt 98,9%, nhưng ở chương trình VNEN, tỷ lệ vượt lên rõ rệt, trong đó tỷ lệ hoàn thành chương trình đạt 98,5%, phẩm chất đạt 98,7% và năng lực đạt 99,2%.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, từ năm học 2015 - 2016 này, toàn tỉnh đã có thêm 259  trường tiểu học đăng ký nhân rộng mô hình trường học mới. Tuy nhiên, “các trường sẽ không nhân rộng “trọn gói” mà chỉ nhân rộng một phần, áp dụng một số mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của từng đơn vị” - ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết. Theo như chủ trương của ngành “tiếp thu có chọn lọc”, nghĩa là chúng ta không bê nguyên chương trình trường học mới mà chỉ triển khai những mặt ưu điểm, tích cực. Ví dụ như trong trường học mới, lớp học được sắp xếp và trang trí khoa học, khang trang, phù hợp với học sinh tiểu học, tạo cảm giác thoải mái và thích thú cho học sinh; lớp học có đủ các góc học tập, góc thư viện, góc cộng đồng phục vụ việc dạy học và các hoạt động giáo dục của giáo viên và học sinh…
Thế nên nếu áp dụng cách trang trí này vào tất cả các lớp ở trường tiểu học thì sẽ tạo được sự thân thiện, gần gũi khiến học sinh yêu lớp, yêu trường, có hứng thú với học tập. Hay như các lớp có thể thành lập Hội đồng tự quản, các ban tự quản, nhóm trưởng phù hợp với số lượng và đặc điểm của từng lớp. Thông qua việc tổ chức lớp học góp phần xây dựng tập thể học sinh đoàn kết, thân thiện, hợp tác cao. Dạy học theo trường học mới, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới thực sự về phương pháp dạy học: từ vai trò là người giảng giải, thuyết trình trong dạy học truyền thống sang vai trò tổ chức, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ người học, chấm dứt kiểu dạy thụ động, cô dạy trò chép trước kia. Phụ huynh học sinh ngoài việc tham gia vào trang trí lớp học, góp ý kiến trong việc thành lập Hội đồng tự quản sẽ tham gia vào việc hỗ trợ con em học tập ở nhà thông qua các bài tập hoạt động ứng dụng của tài liệu hướng dẫn học các môn học; được tham gia quá trình đánh giá học sinh... 
Lựa chọn có chọn lọc cũng được xem là cách làm “thông minh” nhất hiện nay bởi lẽ trong giai đoạn tới các trường mới đăng ký sẽ không được hỗ trợ từ dự án VNEN. Trong khi đó, dạy học theo mô hình trường học mới với cách dạy mới, phương pháp mới đòi hỏi phải có thời gian, đầu tư công phu và đồng bộ. Hơn thế, việc tiếp cận với cách học mới đối với học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn, nên nếu chúng ta triển khai đồng bộ ở tất cả các huyện sẽ không phát huy được hết mặt tích cực vì vốn từ, vốn sống, khả năng giao tiếp của học sinh hạn chế… Cũng cần thấy rằng, mô hình trường học mới là minh chứng rõ ràng nhất, cụ thể nhất cho những đổi mới ở bậc tiểu học hiện nay. Vì vậy, áp dụng có chọn lọc những ưu điểm từ trường học mới sẽ giúp các trường rút ngắn được thời gian làm quen với phương pháp mới, tránh được sự bỡ ngỡ khi nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Phối hợp  hài hòa giữa trường học truyền thống và trường học mới cũng là điều mà đông đảo phụ huynh và học sinh mong muốn, để từ đó có một phương pháp tối ưu nhất để nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường.
Khó khăn nào khi triển khai cho bậc THCS?
Sau những thành công nhất định ở bậc tiểu học, từ năm học 2014 - 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thí điểm mô hình trường học mới bậc THCS ở 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum và đến năm học 2015 - 2016 này đã nhận rộng ra hầu hết các tỉnh thành khác trong cả nước. Tại tỉnh ta, sau khi có chủ trương, thời gian đầu 73/73 trường THCS (nơi có trường tiểu học đã thí điểm trước đó) đều đã đăng ký triển khai theo chương trình trường học mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 26 trường với tổng số 64 lớp và gần 2000 học sinh đăng ký. Sự dè dặt này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trường THCS Hưng Thịnh (Nghĩa Đàn) trong năm đầu tiên đã “mạnh dạn” đăng ký 4 lớp tham gia dạy học theo chương trình trường học mới. Ngày khai giảng đã kề cận nhưng theo thầy giáo Nguyễn Viết Nhơn - Hiệu trưởng nhà trường thì hiện nay trường vẫn chưa chuẩn bị được nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học: “Một trong những yêu cầu của trường học mới là thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng trong bài học phải đảm bảo sự phù hợp với từng hoạt động học đã thiết kế. Các lớp học theo mô hình trường học mới cần được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm, học liệu, thư viện, phòng học bộ môn, phòng học ngoại ngữ... để tổ chức các hoạt động học tập. Tuy nhiên, hiện nay trường chúng tôi chỉ mới trang bị đủ phòng học cho học sinh, chưa có các thiết bị phụ trợ”. 
Thầy giáo Lê Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quang Tiến (TX. Thái Hòa) thì chia sẻ rằng: Tất nhiên là “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng chúng tôi cũng chưa biết sắp xếp thế nào khi mà điều kiện bàn ghế, sách vở, tài liệu chưa đảm bảo. Hơn thế, với học sinh tiểu học, trước đây các em chủ yếu chỉ một cô một lớp, nhưng với bậc THCS, mỗi cô dạy một môn thì việc liên kết giữa các môn học sẽ như thế nào. Cô giáo Nguyễn Thị Ngự - giáo viên dạy Lịch sử Trường THCS Cầu Giát (TX. Hoàng Mai) cũng nói thêm: “Tôi năm nay đã gần đến tuổi về hưu, giờ dạy theo chương trình mới có rất nhiều bỡ ngỡ. Bản thân chúng tôi phải học lại rất nhiều điều, phải làm quen với công nghệ. Tôi cũng nghĩ, học cấp I, học sinh học nhẹ nhàng, vừa học vừa trải nghiệm. Nhưng lên cấp II, các em phải học hành chuyên sâu hơn và khối lượng kiến thức học cũng lớn hơn. Do đó, nếu học theo chương trình mới, em nào có ý thức học tốt thì sẽ nhanh tiến bộ. Ngược lại nếu học kém sẽ dễ bị đuối”.
Trường học là thế, phụ huynh cũng có nhiều băn khoăn. Ở TP. Vinh, nghe tin lên bậc THCS, Trường THCS Hưng Dũng sẽ dạy học theo trường học mới một số phụ huynh trước đây con chưa được học, chương trình này ở bậc tiểu học hết sức lo lắng vì theo như chị Nguyễn Thị Lê (khối Tân Tiến -  phường Hưng Dũng): “Học trường học mới các em sẽ thảo luận theo nhóm. Con mình nhút nhát như vậy, đã yếu chắc chắn sẽ yếu hơn”. Một số người khác lại băn khoăn vì trước đây, bắt đầu vào năm học mới gia đình đã chuẩn bị mua sách vở cho con. Nhưng hiện tại, cho đến thời điểm này sách giáo khoa vẫn chưa có, phụ huynh cũng không biết mua ở đâu, chưa hiểu chương trình mới có hình hài như thế nào? Chị Nguyễn Thị Mai cũng tâm sự thêm rằng: Mô hình trường học mới được khẳng định là có nhiều ưu điểm như kết hợp đánh giá kiến thức, kỹ năng với đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh; tài liệu hướng dẫn học tập được thiết kế cho học sinh hoạt động, học nhóm, tự học… Tuy nhiên, khi đánh giá cuối năm sẽ như thế nào. Chương trình học này liệu có đáp ứng được yêu cầu về thi cử hiện nay. 
Theo kế hoạch, lớp 6 là khối học đầu tiên triển khai theo chương trình này. Mô hình trường học mới ở bậc THCS sẽ thiết kế chi tiết, sâu hơn theo cách giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các chuyên đề học tập, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Quá trình tự học, tự quản của học sinh sẽ phát huy năng lực cá nhân của mỗi học sinh, và tận dụng sức mạnh của việc hợp tác nhóm. Các môn học theo mô hình trường học mới được thiết kế từ các môn học hiện hành trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với việc tích hợp một số môn học theo định hướng mới như: các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử, Địa lý tích hợp thành môn Khoa học xã hội; các môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật tích hợp thành Hoạt động giáo dục….
Theo thầy giáo Võ Văn Mai - Trưởng phòng THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo: Mô hình trường học mới THCS có nhiều ưu điểm như: chú trọng phát huy năng lực riêng của từng học sinh, không ứng xử một cách đồng loạt bằng cách quan tâm đến từng học sinh ngay trong quá trình học, kịp thời động viên kết quả đạt được, phát hiện những điểm mạnh để khuyến khích, những khó khăn để hướng dẫn, trợ giúp…Tuy nhiên, đây là năm đầu triển khai nên việc thực hiện chắc chắn có rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Do đó, chủ trương của sở là không bắt buộc các trường phải triển khai đại trà, việc đăng ký theo học mô hình cũng trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và phụ huynh.  
Để việc triển khai mô hình trường học mới có hiệu quả với học sinh lớp 6, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường tham gia mô hình phải tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình trường học mới ở cấp THCS; đặc điểm, ý nghĩa của mô hình trong việc đổi mới giáo dục phổ thông. Sở khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường THCS tham gia triển khai mô hình trường học mới giao lưu trao đổi với các trường tiểu học đã triển khai mô hình này; đồng thời, tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 6 tham gia mô hình trường học mới bằng hình thức kết hợp tập huấn tập trung và tự học qua mạng “Trường học kết nối”. Sở cũng yêu cầu các trường trích kinh phí mua sách mới bổ sung cho thư viện theo điều kiện của nhà trường để giáo viên giảng dạy lớp 6, học sinh nghèo mượn sách. Quá trình triển khai sẽ tích cực hỗ trợ các trường về mặt chuyên môn và thường xuyên kiểm tra, đánh giá để từ đó sớm có phương án chỉ đạo sâu sát, kịp thời. 
Bài, ảnh:  Mỹ Hà

tin mới

Một góc nhìn về trường tiên tiến

Một góc nhìn về trường tiên tiến

(Baonghean.vn) - Có thể thấy tính nhân văn từ ý tưởng xây dựng các trường học tiên tiến là nó mở ra cơ hội để đánh thức tiềm lực của người học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường tiên tiến cần nhất là tính đồng bộ.

Cuộc thi

24 đội chơi tham gia cuộc thi 'Chinh phục tương lai'

(Baonghean.vn) - Sáng 13/9, tại Trường THCS Đặng Thai Mai, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vòng sơ khảo chương trình “Chinh phục tương lai” dành cho học sinh trung học cơ sở năm học 2023 - 2024 trên địa bàn thành phố.

'Gieo chữ' giữa sóng gió Trường Sa

'Gieo chữ' giữa sóng gió Trường Sa

(Baonghean.vn) - Giữa ngàn khơi nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, vẫn có những đứa trẻ bi bô học chữ. Điều đó khẳng định rằng, ở đâu có chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, ở đó có sự nghiệp trồng người.

Để trường tiên tiến thực sự...tiên tiến

Để trường tiên tiến thực sự...tiên tiến

(Baonghean.vn) - Nghệ An đang bước vào năm thứ 2 thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến ở các nhà trường, trong đó có nhiều trường công lập. Trong những năm đầu triển khai, không tránh khỏi những băn khoăn.

Sáng 5/9, giáo viên và học sinh TH School hân hoan đón chào ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Phú Hương

TH School Vinh: Khơi niềm cảm hứng, chắp cánh ước mơ

(Baonghean.vn) - Sáng 5/9, học sinh TH School Vinh đã có một mùa tựu trường mới. Đây  là năm học thứ 2, TH School Vinh phối hợp, liên kết cơ sở vật chất với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thực hiện mục tiêu đưa chương trình chuẩn quốc tế vào các trường công lập trên địa bàn toàn quốc.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Trường Thi (TP Vinh)

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Trường Thi (TP Vinh)

(Baonghean.vn) - Hoà chung không khí tưng bừng, phấn khởi của hàng triệu học sinh trong cả nước chào đón năm học mới, sáng 5/9, toàn thể cán bộ, giáo viên và  hơn 700 em học sinh của Trường THCS Trường Thi (thành phố Vinh) tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2023 - 2024 với nhiều niềm vui mới. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường tặng hoa chúc mừng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi nhân Lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi (Tân Kỳ)

(Baonghean.vn) - Tại Lễ khai giảng, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường đã tặng hoa, quà, chúc mừng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và toàn thể học sinh nhà trường nhân dịp năm học mới.

Học sinh ngôi trường '5 không' háo hức đón ngày khai giảng

Học sinh ngôi trường '5 không' háo hức đón ngày khai giảng

(Baonghean.vn) -Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là trường đặc biệt khó khăn trong điều kiện "5 không": không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet, không trạm y tế, không chợ...; nhưng với sự nỗ lực của thầy và trò, tất cả đang háo hức chờ đón ngày khai giảng.

Tự hào đất học Đô Lương

Tự hào đất học Đô Lương

(Baonghean.vn) - Hàng năm, học sinh của huyện luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều trường học ở huyện xếp tốp đầu toàn tỉnh, trong đó, có 80 em đạt điểm số trên 50 điểm và có nhiều Thủ khoa...