Cần một cây cầu qua Nặm Choọng
(Baonghean) - Trong hoàn cảnh bắt buộc, người dân bản Thịnh, bản Còi, xóm Hợp Hưng, xã Châu Đình (Quỳ Hợp) vẫn phải mạo hiểm vượt qua đập tràn Nặm Choọng trong điều kiện thiếu an toàn mùa mưa lũ…
Bản Thịnh, bản Còi và xóm Hợp Hưng, xã Châu Đình (Quỳ Hợp) có 155 hộ, với 612 khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, vì vậy đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Do địa bàn bị ngăn cách bởi sông Nặm Choọng, muốn ra vùng trung tâm xã, người dân ở đây đều phải đi qua đập tràn. Vào mùa khô thì không việc gì, tuy nhiên cứ hễ có mưa lớn đầu nguồn thì nước tại đập tràn này lại dâng cao, có khi đến cả mét, dòng chảy rất xiết. Theo ông Phan Văn Huê, một người dân xóm Hợp Hưng cho biết: Nằm dưới thượng nguồn nhiều quả đồi rộng và dốc, chỉ cần một lượng mưa lớn đổ xuống thì nước từ thượng nguồn có thể đổ ào về, tạo dòng chảy xiết, mạnh, tràn nhanh qua đập tràn này. Do vậy, mùa mưa lũ, nơi đây là một trong những “điểm đen” nguy hiểm, luôn tiềm ẩn hiểm họa khó lường.
Ông Vi Văn Thái, trưởng bản Thịnh cho hay: “Mùa mưa lũ, nước về rất nhanh, chỉ liên tục vài giờ đồng hồ là ngập cả mét nước, lúc đó vùng này hoàn toàn bị cô lập, có khi hơn tuần lễ nước mới rút, học sinh đều phải nghỉ học, đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, mong muốn có một chiếc cầu để giảm bớt khó khăn trong việc đi lại là tâm nguyện của bà con chúng tôi”.
Đập tràn Nặm Chọong. |
Theo những người dân địa phương, đập tràn qua sông Nặm Choọng năm nào cũng bị mưa lũ nhấn chìm ít nhất 7-8 lần, mỗi lần gây ách tắc vài ngày đến cả tuần. Tuy nhiên, vì là con đường độc đạo nên khi “bí” nhiều người vẫn phải tìm cách vượt qua đập tràn, bất chấp dòng nước lớn. Và đã có không ít trường hợp xe máy lẫn người bị cuốn trôi nhưng nhờ phát hiện kịp nên vẫn đảm bảo được tính mạng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Châu Đình cho biết: Tỉnh cũng đã khảo sát, dự kiến địa điểm làm cầu để thay thế đường đi lại qua đập tràn lâu nay cho bà con bản Thịnh, bản Còi và xóm Hợp Hưng, nhưng cũng chưa biết bao giờ triển khai. Trong khi đó, về phía xã không đủ kinh phí để làm cầu tạm, vì vậy trước mắt vào mùa mưa lũ cũng chỉ có thể bố trí dân quân túc trực ngăn không cho người dân qua lại, nhưng chỉ vào những thời điểm nước dâng cao, còn không thể túc trực 24/24 chờ nước rút hẳn.
Thực tế trên, thiết nghĩ mong muốn có một cây cầu kiên cố của người dân nơi đây là hoàn toàn chính đáng; bởi không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế, văn hóa xã hội cho bà con nơi đây.
Quảng An