Cần nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt
(Baonghean) - Phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn; số lượng, tần suất chạy xe, dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chạy quá tốc độ… Những điều đó cho thấy, dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Nghệ An tồn tại nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh kịp thời.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở Thị trấn Yên Thành phàn nàn: “Tôi thường xuyên đi xe buýt tuyến Vinh - Yên Thành, thấy xe buýt quá tải, những ngày nắng nóng nhất, xe cũng không bật điều hòa, vệ sinh trong xe không đảm bảo, tạo nên không khí ngột ngạt khó chịu, nhiều chuyến xe còn chở hàng hóa cồng kềnh. Xe kém chất lượng và chạy không đúng giờ. Nhiều lúc tài xế chạy rất ẩu, làm cho hành khách rất lo lắng…”. Việc hành khách phản ánh về chất lượng dịch vụ xe buýt xảy ra từ rất lâu, đã trở thành chuyện “thường ngày”, nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Điểm dừng đón khách tại Nghi Ân (TP. Vinh) bị người dân biến thành sân phơi.
Theo đăng ký của các doanh nghiệp, hiện nay trên địa bàn Nghệ An có 88 xe buýt đang hoạt động vận tải hành khách công cộng (trên thực tế, số lượng xe đang hoạt động thấp hơn) với các tuyến: Số 1, Vinh - Cửa Hội - Cửa Lò; Tuyến số 2, Vinh - Quán Bánh - Cửa Lò (2 tuyến này do Công ty CPDV TM&DL Ngọc Ánh khai thác); Tuyến số 3, Vinh - Thanh Chương - Đô Lương; Tuyến số 4, Vinh - Diễn Châu - Hoàng Mai; Tuyến số 5, Vinh - Diễn Châu - Yên Thành (3 tuyến này do Tổng Công ty TM&XD Đông Bắc tại Nghệ An khai thác); Tuyến số 6, Vinh - TP Hà Tĩnh (do Tổng Công ty TM&XD Đông Bắc tại Nghệ An và Công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh cùng khai thác). Tuy mới chỉ có rất ít tuyến xe buýt, nhưng việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo quy định, khi mở, ngừng hoạt động đối với các tuyến xe buýt, hay bổ sung, thay thế xe, điều chỉnh hành trình hoạt động của phương tiện phải báo cáo và được chấp nhận của ngành Giao thông - Vận tải, nhưng thực tế, các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc quy định này. Tổng Công ty TM&XD Đông Bắc tại Nghệ An, có số lượng khai thác nhiều nhất, với 68 xe buýt và tổng số đăng ký 280 điểm dừng trên các tuyến. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, các loại phương tiện bị cũ nát, hư hỏng nhiều, doanh nghiệp phải tạm dừng khai thác một số xe để sửa chữa, nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng. Khi ngành chức năng phát hiện sự thiếu hụt phương tiện so với đăng ký hoạt động, doanh nghiệp tỏ ra không quan tâm và thờ ơ giải thích “có một số xe đang tu sửa”.
Cũng một hành khách ở Yên Thành cho hay: “Tại cùng một điểm dừng đón khách ở Yên Thành, có lúc chờ 30 phút là có xe, nhưng có khi phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ mới có xe đón khách. Do thời gian đón, trả khách thất thường, gần đây có một số xe “khách” sơn màu rất giống với xe buýt cũng dừng đón trả khách tại các điểm quy định của xe buýt, gây nhầm lẫn cho người dân”.
Được biết, ngành Giao thông - Vận tải đã có văn bản gửi các doanh nghiệp yêu cầu: Bảo đảm xe buýt đón, trả khách đúng thời gian, đúng quy định, không được giảm tần suất xe chạy. Nhiều lần nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt đăng ký độc quyền bảo hộ màu sơn, nhưng họ chưa chấp hành nghiêm túc. Gần đây, xẩy ra tình trạng xe dù “nhái” màu sơn xe buýt, gây nhầm lẫn, bức xúc cho hành khách. Còn các cơ quan chức năng thì không thể xử lý được.
Ông Mai Xuân Việt - Cán bộ Phòng quản lý Vận tải phương tiện và người lái - Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Trước thực tế đó, ngành Giao thông - Vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung hoặc thay thế các phương tiện bị hư hỏng, xuống cấp để đưa vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách và đúng theo cam kết đăng ký. Cụ thể, đến hết tháng 9/2013, Tổng Công ty TM&XD Đông Bắc tại Nghệ An phải hoàn thành việc đầu tư, mua mới 6 phương tiện, thay thế các xe đã hỏng và yêu cầu 100% xe buýt hoạt động phải có điều hòa nhiệt độ, sửa chữa lại ghế ngồi, cửa lên xuống xe, vệ sinh xe sạch sẽ, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bổ sung phương tiện và điều chỉnh tần suất chạy xe. Song song với đó phải tăng cường công tác giáo dục lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cần có thái độ hòa nhã, lịch sự với hành khách…”
Sau gần 4 năm hoạt động, hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt đã vận chuyển hơn 12 triệu lượt hành khách, đóng góp không nhỏ vào việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bình ổn giá vé vận tải hành khách trên địa bàn. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này đã nảy sinh nhiều bất cập, vì vậy các cấp, ngành chức năng cần tích cực vào cuộc giải quyết kịp thời, lập lại trật tự trong vận tải hành khách bằng xe buýt, tạo môi trường thu hút đầu tư, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này.
Hoàng Vĩnh